Học sinh bán trú miền núi gặp khó

Thứ tư, 21/01/2015 10:39

(Cadn.com.vn) -  học 2014-2015, một loạt các trường tiểu học (TH) và trung học cơ sở (THCS) được chuyển đổi thành Trường phổ thông dân tộc bán trú đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngành GD&ĐT các huyện miền núi Tây Trà,  Trà Bồng (Quảng Ngãi) duy trì được sĩ số học sinh (HS) đến lớp, ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng.

Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các trường đều đang thiếu phòng học, phòng chức năng, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ hoạt động bán trú, còn giáo viên, học sinh bán trú đang phải sống trong những căn nhà tạm bợ.

Học sinh bán trú đang phải ở trong các lều tạm. 

Năm học này, tại Trường PTDT bán trú Trà Lãnh có 487 học sinh, trong đó có gần 200 HS được tổ chức ăn ở bán trú tại trường, 100% HS bậc THCS được tổ chức bán trú. Tuy nhiên, hiện nay HS nhà trường còn phải ở trong các căn nhà tạm bợ, khu nhà ăn cũng là khu nhà dựng tạm thời.

Nói về hiệu quả việc xây dựng trường học bán trú, thầy Lê Văn Tư - Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Trà Lãnh khẳng định, việc chuyển lên thành trường PTDT bán trú rất thuận lợi đối với giáo dục vùng sâu, vùng xa, cả về điều kiện phục vụ dạy học, lẫn công tác xây dựng đội ngũ giáo viên, giảm thiểu tình trạng HS bỏ học, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, hiện nay các trường không chỉ gặp khó khăn trong việc xây dựng nhà ở bán trú cho HS, mà hệ thống phòng học, nhà công vụ cho giáo viên còn thiếu thốn.

Mặc dù được chuyển đổi thành mô hình trường PTDT bán trú nhưng cơ sở vật chất các trường còn quá nghèo nàn.

Thầy Đỗ Ngọc Chung-Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Trà Lâm (H. Trà Bồng) cho biết, hiện trường có 6 điểm trường nằm rải rác ảnh hưởng đến việc học tập của HS, mặt khác còn gây khó khăn về công tác tổ chức bán trú cho HS ở điểm trường, vì vậy nhà trường mong muốn có sự quan tâm đầu tư từ chính quyền địa phương nhằm hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất phục vụ bán trú cho HS. "Thấy rõ được hiệu quả của công tác tổ chức bán trú cho HS mang lại nên hiện nay phòng GD&ĐT huyện đang tiếp tục đề xuất, tham mưu với chính quyền địa phương để chuyển đổi thành lập mô hình trường PTDT bán trú nhằm nhân rộng việc tổ chức bán trú, tạo điều kiện ăn ở thuận lợi, giúp HS trên địa bàn, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa đến trường học tập", thầy Điệp nói.

Theo lãnh đạo các trường học có tổ chức bán trú cho HS trên địa bàn hai huyện Trà Bồng và Tây Trà, do việc thiếu cơ sở vật chất, đặc biệt là nhà bán trú cho HS nên nhà trường không thể đáp ứng được hết nhu cầu ở bán trú của HS trên địa bàn. Hầu hết các trường chỉ mới tổ chức cho khối học sinh THCS và một phần ít số lượng HS tiểu học ở vùng thuận lợi.

Cho nên, điều mong muốn lớn nhất của nhà trường là chính quyền địa phương có những bước đầu tư mạnh trong xây dựng cơ sở vật chất để hệ thống trường PTDT bán trú và trường có tổ chức bán trú hoạt động một cách hiệu quả và hầu hết HS được hưởng thụ lợi ích từ chủ trương đúng đắn này.

Đại Khải