Hội hát cầu huê và hào khí Tây Sơn vùng thượng đạo

Thứ hai, 11/02/2019 18:00

Đã thành thông lệ từ nhiều năm nay, vào ngày mồng 4 tháng giêng âm lịch, lễ tưởng niệm hoàng đế Quang Trung và kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa tại quần thể di tích Tây Sơn thượng đạo (TX An Khê, Gia Lai) trở thành điểm đến của người dân, du khách thập phương. Cùng với đó là những hoạt động tôn vinh tinh thần thượng võ, mối đoàn kết của những người con đất Việt, giữa miền xuôi và miền ngược, người kinh và người thượng.

Lễ tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của 3 anh em nhà Tây Sơn và kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa tại An Khê Trường.

Từ mồng 4 Tết âm lịch, An Khê Trường - nơi thờ tự 3 anh em nhà Tây Sơn trên vùng Tây Sơn thượng đạo rộn ràng hơn khi dòng người về dự lễ kỷ niệm 248 năm khởi nghĩa nông dân Tây Sơn và 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Trong không khí linh thiêng của buổi lễ, mọi người cùng ôn lại trang sử hào hùng của cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn, tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của vị anh hùng dân tộc Quang Trung-Nguyễn Huệ cùng các tướng sĩ nhà Tây Sơn.

Trải qua hàng trăm năm, hàng loạt di tích trong quần thể di tích Tây Sơn thượng đạo trên vùng đất này vẫn còn lưu giữ trải dài qua 3 huyện và thị xã An Khê như vườn mít, cánh đồng cô hầu, hòn đá ông Nhạc, lũy ông Nhạc, Gò Chợ, An Khê đình, An Khê Trường, miếu xà... ghi dấu một thuở của 3 anh em nhà Tây Sơn trên vùng đất này... "Trải qua hơn 200 năm nhưng hào khí Tây Sơn-Quang Trung - Nguyễn Huệ bách chiến, bách thắng vẫn còn mãi nơi vùng đất này. Quân và dân An Khê đã kiên cường, anh dũng lập nên nhiều chiến công vang dội... Hình ảnh, tên tuổi của các anh hùng Đinh Núp, Y Đôn, Ngô Mây, Đỗ Trạc... vẫn còn vọng mãi núi rừng Tây Sơn thượng đạo... Ngày nay, tiếp nối truyền thống, chính quyền và người dân cùng chung tay xây dựng quê hương An Khê ngày càng giàu đẹp, hướng đến một đô thị loại 3, trên tinh thần "Hào khí Quang Trung - Tây Sơn thượng đạo hội tụ và phát triển", ông Nguyễn Hùng Vỹ, Chủ tịch UBND TX An Khê cho biết.

Cùng với phần nghi lễ là phần hội với những hoạt động văn hóa đặc sắc, trong đó việc phục dựng thành công Hội hát cầu huê và phiên chợ Kinh - Thượng ngay phía trước An Khê Trường. Đây là một trong những nét văn hóa đặc sắc của người Việt vùng An Khê xưa. Nơi đây, là khu vực để người Kinh tiếp xúc, giao lưu với người Ba Na trong giao thương, buôn bán hàng hóa. Cũng từ nơi này với Gò chợ, An Khê Trường trở thành nơi để anh em nhà Tây Sơn buôn bán, giao lưu và tuyển mộ binh sĩ tập hợp lực lượng khởi nghĩa.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Gia Lai, người đã có công phục dựng lại lễ hội hát cầu huê chia sẻ: Theo sử sách ghi lại, từ nửa đầu thế kỷ XX trở về trước, Hội hát cầu huê trong khuôn khổ lễ hội Tế Xuân (Quý Xuân) là lễ hội lớn nhất trong các hoạt động lễ hội của người Việt vùng An Khê. Bà con từ người Kinh đến người Thượng từ các vùng đến để giao lưu, cầu huê lợi, cầu mùa màng, cầu một năm thịnh vượng. Thời điểm chính của lễ hội là ngày mồng 10 tháng 2 Âm lịch. Hàng năm, cứ vào dịp này, sau nghi lễ Tế Xuân, người An Khê sẽ có 3 ngày vui hội với các trò chơi dân gian và hát cầu huê (hát bội, hát bài chòi, cồng chiêng...) một đêm hai ngày. Người dân dành một không gian đặc biệt để họp chợ tại Gò Chợ ở phía Tây An Khê Trường. Nơi đây, cả người Việt lẫn người Ba Na và các dân tộc thiểu số khác cùng mang hàng hóa ra đây trao đổi, mua bán, giao lưu. Hơn 60 năm qua, vì nhiều lý do, Hội hát cầu huê gần như mai một, đặc biệt là hoạt động của khu chợ Kinh-Thượng đã mất hẳn. Sau thời gian nghiên cứu và phục dựng, UBND tỉnh Gia Lai đã giao UBND TX An Khê tổ chức Hội hát cầu huê hàng năm vào ngày mồng 4 Tết âm lịch hằng năm nhằm gìn giữ nét văn hóa độc đáo này.

Cùng với Hội hát cầu huê, năm nay phiên chợ Kinh - Thượng với hơn 70 gian hàng đã mang lại thích thú cho người xem. Những gian hàng từ thổ cẩm, rượu ghè, cơm lam, gà nướng đến các loại giống, rau, vật dụng của người miền xuôi và miền ngược. Bên cạnh đó, những trò chơi dân gian, triển lãm tranh, biểu diễn cồng chiêng cùng những điệu xoang đã góp phần nên một lễ hội đa sắc màu, độc đáo của các cư dân lâu đời nơi vùng đất Tây Sơn thượng đạo, ghi dấu mối đoàn kết lâu đời của các dân tộc trên dải đất hình chữ S.

MINH TÂN