Hồi hộp với tuần lễ Nobel 2020

Thứ ba, 06/10/2020 17:20

Đến hẹn lại lên, giải thưởng Nobel 2020 bắt đầu nhộn nhịp chờ đón những chủ nhân mới, vốn sẽ lần lượt được công bố trong tuần đầu tiên của tháng 10, trong đó sớm nhất là Nobel Y học (ngày 5-10) và muộn nhất là Nobel Kinh tế (12-10). Đại dịch Covid-19 khiến lễ trao giải thưởng Nobel 2020 phải điều chỉnh hình thức tổ chức, nhưng không thể thay đổi thời điểm công bố chủ nhân của các giải thưởng danh giá thường niên vốn rất được mong chờ này.

Năm nay, mỗi giải thưởng Nobel sẽ được trao 10 triệu Krona Thụy Điển (hơn 1.120.000 USD), tăng thêm 1 triệu krona so với năm ngoái.   Ảnh: AP

Nobel Y học đã có chủ nhân

Giải thưởng y học mang ý nghĩa đặc biệt trong năm nay, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã và đang hoành hành khắp thế giới, vì nó có thể giúp nêu bật tầm quan trọng của nghiên cứu y học đối với các xã hội và nền kinh tế toàn cầu.

Người đứng đầu Quỹ Nobel - ông Lars Heikensten cho biết: “Đại dịch Covid-19 là một cuộc khủng hoảng lớn với nhân loại, nhưng điều đó cũng cho thấy khoa học có tầm quan trọng như thế nào”. Mặc dù vậy, Nobel 2020 đã không có giải thưởng nào được trao cho những nghiên cứu liên quan trực tiếp đến virus SARS-CoV-2 hay những nỗ lực chống Covid-19, do các nghiên cứu cần phải được xác minh tính hiệu quả trong nhiều năm trước khi có cơ hội đoạt giải Nobel. Chuyên gia virus học Erling Norrby - người từng là Thư ký thường trực của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, cho biết các ủy ban trao giải thưởng “chắc chắn không bị chi phối bởi bất kỳ hoàn cảnh nào đang diễn ra trên thế giới vào thời điểm đó”. Ông nhấn mạnh: “Để giành được giải thưởng này cần phải có thời gian, theo tôi cần ít nhất là 10 năm trước khi bạn có thể hiểu đầy đủ về tác động của một nghiên cứu hay khám phá mới”.

Và đúng như dự đoán, giải Nobel Y học được Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska ở thủ đô Stockholm của Thụy Điển công bố vào lúc 16 giờ 30 ngày 5-10 (theo giờ Việt Nam) đã thuộc về 3 nhà khoa học Harvey J. Alter, Michael Houghton và Charles M.Rice với công trình nghiên cứu về virus viêm gan C.

Chờ những chủ nhân tiếp theo

Hôm nay (6-10), Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển tại Stockholm sẽ công bố giải Nobel Vật lý. Trước thềm sự kiện này, trang tin khoa học của Viện Vật lý Mỹ (AIP) đưa ra danh sách các ứng cử viên tiềm năng. Trong số này có nhà vật lý thiên văn Shep Doeleman (người Mỹ) và Heino Falcke (người Đức), vốn có thể giành chiến thắng cho những nghiên cứu dẫn đến lần đầu tiên quan sát được hình ảnh của một hố đen vào tháng 4-2019. Trong khi cũng có ý kiến cho rằng, giải thưởng này xứng đáng được trao cho nhà toán học người Mỹ Peter Shor - người đã mở đường cho những nghiên cứu ngày nay về máy tính lượng tử.

Ngày mai (7-10), chủ nhân giải Nobel Hóa học sẽ lộ diện. Theo dự đoán của tạp chí khoa học Inside Science, nhà hóa học Krzysztof Matyjaszewski thuộc trường Đại học Carnegie Mellon cùng đồng nghiệp Jin-Shan Wang có thể đoạt giải với nghiên cứu về phương pháp chế tạo polymer tổng hợp. Ngoài ra, hai nhà khoa học C. Grant Willson và Jean Frechet tại IBM cũng là những ứng cử viên sáng giá với nghiên cứu giúp cải tiến chip máy tính. Trong khi đó, đài phát thanh SR dự đoán chủ nhân Nobel sẽ là nhà khoa học Christopher Murray với công trình nghiên cứu của ông về các tinh thể nano bán dẫn; hoặc nhà khoa học người Mỹ tiên phong trong nghiên cứu giải trình tự gene Leroy Hood.

Giải Nobel Văn học sẽ do Viện Hàn lâm Thụy Điển tại Stockholm công bố, dự kiến vào ngày 8-10. Nhiều chuyên gia nắm chắc giải thưởng này cho nhà văn Jamaica Kincaid, một tác giả người Mỹ gốc Caribbean nổi tiếng với những tác phẩm về chủ nghĩa thực dân, phân biệt chủng tộc và giới tính. Trong khi đó, Ủy ban Nobel Na Uy tại Oslo sẽ công bố giải Nobel Hòa bình  vào ngày 9-10 và giải Nobel Kinh tế do Viện hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển công bố vào ngày 12-10. Giới chuyên gia cho rằng giải thưởng Nobel Hòa bình 2020 có thể thuộc về Ủy ban Bảo vệ Nhà báo, hoặc “nữ chiến binh vì khí hậu” Greta Thunberg hay phong trào Những thứ Sáu vì Tương lai (chống biến đổi khí hậu), hoặc một tổ chức thuộc LHQ như Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) hay Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

KHẢ ANH