Hôm nay (5-4), công bố kết quả bầu các Phó Chủ tịch và Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội
(Cadn.com.vn) - Chiều 4-4, Quốc hội đã tiến hành bầu một số Phó Chủ tịch Quốc hội và thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự kiến nhân sự bầu một số Phó Chủ tịch Quốc hội, một số thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội. Quốc hội đã biểu quyết thông qua danh sách để bầu hai Phó Chủ tịch Quốc hội khóa XIII gồm ông Phùng Quốc Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội; ông Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Đại tướng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua danh sách để bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII gồm ông Hà Ngọc Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; bà Lê Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; ông Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; ông Võ Trọng Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; bà Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; bà Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội; ông Trần Văn Túy, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban công tác đại biểu, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương.
Ông Đỗ Bá Tỵ, ứng viên Phó Chủ tịch Quốc hội. Ông Phùng Quốc Hiển, ứng viên Phó Chủ tịch Quốc hội. |
Ngay sau đó, Quốc hội đã tiến hành bỏ phiếu kín bầu các chức danh trên. Kết quả bầu các chức danh sẽ được công bố trong phiên họp sáng nay 5-4.
Bên lề kỳ họp, các đại biểu Quốc hội đều nhất trí với danh sách ứng cử và tin tưởng các đại biểu được tín nhiệm bầu vào các chức danh này sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng sự tin tưởng của các đại biểu Quốc hội và cử tri, nhân dân cả nước. Đại biểu Hà Văn Khoát thể hiện sự đồng tình cao đối với danh sách đề cử một số Phó Chủ tịch Quốc hội và một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bởi những nhân sự này đã được Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị kỹ lưỡng, quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo của Quốc hội. Đại biểu tin tưởng các Phó Chủ tịch Quốc hội và Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phát huy năng lực, phẩm chất của mình, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong thời gian tới, đáp ứng lòng mong mỏi, tin cậy của Quốc hội và cử tri cả nước.
Đại biểu Y Khút Niê nhận định, danh sách được đề cử đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị kỹ về quá trình công tác, quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua. Cá nhân đại biểu và các thành viên trong Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắc Lắc đều thể hiện sự đồng tình, đánh giá cao quá trình hoạt động của hai vị đại biểu Quốc hội được đề cử giữ chức vụ Phó Chủ tịch Quốc hội khóa XIII; tin tưởng khóa XIV sẽ có sự tiếp nối tốt.
Đại biểu cho biết: Qua nghiên cứu quá trình công tác, triển khai nhiệm vụ của hai đại biểu ứng cử vào vị trí Phó Chủ tịch Quốc hội cho thấy họ rất xứng đáng; hy vọng các Phó Chủ tịch Quốc hội sắp được bầu sẽ triển khai tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó, đáp ứng sự tin cậy của các đại biểu Quốc hội và nhân dân cả nước. Đại biểu mong muốn các tân Phó Chủ tịch Quốc hội khóa XIII sẽ có những giải pháp đổi mới hoạt động của Quốc hội, trong đó, đi sâu về việc giải quyết nạn tham nhũng và những vấn đề nhức nhối hiện nay của xã hội. Đồng thời, trong việc hoạch định các chính sách về phát triển xã hội, ở các vùng miền, cần có chính sách phù hợp, thúc đẩy sự phát triển của các vùng, miền, đặc biệt là các liên kết vùng để phát triển kinh tế - xã hội. Đó cũng là một trong những kỳ vọng lớn nhất của nhân dân hiện nay đối với các Phó Chủ tịch Quốc hội mới - đại biểu Y Khút Niê nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé tin tưởng các đại biểu được bầu vào chức danh Phó Chủ tịch Quốc hội, các thành viên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiệm kỳ khóa XIII cũng như các đại biểu lãnh đạo của Quốc hội trong nhiệm kỳ mới sẽ có những chủ trương sáng tạo nhằm tạo chuyển biến tích cực trong việc xây dựng pháp luật, hoạt động giám sát đối với các cơ quan hành pháp, góp phần đổi mới bộ máy nhà nước, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.
T.Thủy – TTXVN
Nhất trí cho phép cấp thị thực có thời hạn 1 năm cho công dân Hoa Kỳ vào Việt Nam Tiếp tục chương trình làm việc sáng 4-4, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Chủ tịch nước Trần Đại Quang trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn Công hàm Thỏa thuận về cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Phạm Bình Minh trình bày Báo cáo về việc phê chuẩn Công hàm Thỏa thuận về cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng trình bày báo cáo thẩm tra việc phê chuẩn Công hàm Thỏa thuận về cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Thảo luận ở hội trường về việc phê chuẩn Công hàm Thỏa thuận về cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, đại biểu Hoàng Thanh Tùng tán thành với Tờ trình trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn Công hàm Thỏa thuận về cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ và báo cáo thẩm tra việc phê chuẩn Công hàm Thỏa thuận về cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Đại biểu nêu rõ việc phê chuẩn công hàm sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công dân Việt Nam xuất nhập cảnh Hoa Kỳ, giảm chi phí và thời gian cho người dân. Việc phê chuẩn cũng phù hợp với mức độ, quan hệ ngày càng sâu rộng trên mọi lĩnh vực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, về dự thảo Nghị quyết phê chuẩn để phù hợp với Khoản 3, Điều 32 Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, đại biểu đề nghị cân nhắc bổ sung điều khoản xác định rõ công hàm thỏa thuận này được áp dụng trực tiếp toàn bộ hay một phần hay cần phải ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện. Nếu có thì cơ quan nào có trách nhiệm ban hành. Đại biểu nhấn mạnh việc bổ sung nội dung này phù hợp với báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trình bày, theo đó, về cơ bản, thỏa thuận có thể được áp dụng trực tiếp, trong trường hợp cần thiết Bộ Công an, Bộ Ngoại giao có thể xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện thỏa thuận này. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban đối ngoại cũng thống nhất cho áp dụng trực tiếp thỏa thuận này. Tuy nhiên, theo Luật điều ước quốc tế thì nội dung áp dụng trực tiếp phải được nêu rõ trong Nghị quyết phê chuẩn của Quốc hội. Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ qua báo cáo thẩm tra của Ủy ban đối ngoại và các ý kiến phát biểu của các vị đại biểu Quốc hội khẳng định hồ sơ trình Quốc hội về phê chuẩn Công hàm Thỏa thuận về cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đúng Hiến pháp; thủ tục phù hợp với Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế; nội dung không trái Hiến pháp, các nội dung mà Quốc hội sẽ phê chuẩn có thể áp dụng trực tiếp mà không phải sửa luật. Quốc hội nhất trí cho phép cấp thị thực có thời hạn 1 năm cho công dân Hoa Kỳ vào Việt Nam. Qua báo cáo trình Quốc hội và các ý kiến thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp thu và chỉ đạo chuẩn bị Nghị quyết của Quốc hội về việc phê chuẩn công hàm với nội dung đã được góp ý để đảm bảo đúng Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam. |