Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIII: Tăng cường giám sát thi hành Hiến pháp 2013
(Cadn.com.vn) - Phiên làm việc ngày 28-3 Kỳ họp thứ 11 tiếp tục nhận được nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội góp ý vào báo cáo đánh giá tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.
Nếu như buổi làm việc sáng cùng ngày ghi nhận những đánh giá tốt đẹp của nhiều đại biểu về những thành tựu, dấu ấn đặc biệt của Quốc hội, thì các ý kiến tại buổi làm việc buổi chiều đi thẳng vào những vấn đề cần khắc phục, những tồn tại cố hữu trong các mặt hoạt động của Quốc hội. Những ý kiến góp ý đều rất thẳng thắn, chân thành và sâu sắc, với mong muốn Quốc hội khóa XIV sẽ tiếp thu, cải tiến để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động, tính chuyên nghiệp của đại biểu Quốc hội và Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn phát biểu ý kiến tại phiên họp. |
Kiên quyết bảo vệ chủ quyền Tổ quốc
Trăn trở trước nỗi lo của dân, của cử tri, nhiều đại biểu phát biểu, bày tỏ chính kiến mạnh mẽ của mình và đề nghị Quốc hội tiếp thu, tiếp tục đổi mới để đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, nhất là những phản ứng kiên quyết trong bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Nêu các “khoản nợ” của Quốc hội khóa XIII với cử tri, nhân dân, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) đưa quan điểm: Đó là thái độ, lời nói và hành động của Quốc hội trước vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Dự báo những dấu hiệu khó khăn trong năm 2016, một năm thách thức căng thẳng trong vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo, đại biểu Nguyễn Anh Sơn thẳng thắn: Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc sang thăm Việt Nam, có thống nhất với Việt Nam sẽ không làm căng thẳng thêm tình hình Biển Đông. "Thế nhưng từ đầu năm họ đã mang pháo, tên lửa đất đối không, mới đây là mang tên lửa đất đối hạm ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đó là điều hết sức lo lắng”, đại biểu Nguyễn Anh Sơn quan ngại. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cùng chung nỗi trăn trở: “Cử tri cho rằng chúng ta chưa có những phản ứng đúng với tình hình biển Đông. Do vậy, tôi đề nghị Quốc hội khóa XIV lưu ý vấn đề này”.
Tổng kết hoạt động của Ủy ban về các vấn đề xã hội nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII Chiều 28-3, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tổ chức phiên họp thứ 15 tổng kết hoạt động của Ủy ban nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII. Báo cáo tổng kết cho thấy, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Ủy ban về các vấn đề xã hội đã nỗ lực thực hiện khối lượng công việc lớn trên tất cả các lĩnh vực, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và thực hiện nhiệm vụ được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công, góp phần vào việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ủy ban, của Quốc hội. Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá Ủy ban về các vấn đề xã hội đã phát huy được truyền thống, bề dày kinh nghiệm của các khóa trước, tạo ra thành công, "thương hiệu" của Ủy ban trong nhiệm kỳ khóa XIII. Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định những kết quả hoạt động của Ủy ban đã góp phần tạo nên thành công chung của Quốc hội khóa XIII. Điểm lại sự tham gia toàn diện của Ủy ban đối với công tác lập hiến, lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước..., Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tin tưởng rằng với bề dày kinh nghiệm và truyền thống, Ủy ban về các vấn đề xã hội tiếp tục phát huy những thành tựu, có những đóng góp hiệu quả vào việc nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của Quốc hội. Quỳnh Hoa |
Nhiều ý kiến phát biểu trong buổi làm việc chiều nay cũng bày tỏ băn khoăn trước hiệu quả, hiệu lực của hoạt động Kiểm toán Nhà nước cũng như những thực tế đặt ra trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của loại hình công cụ đặc biệt này của Quốc hội. Phân tích nhân lực Kiểm toán Nhà nước, đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) băn khoăn, mỗi năm chỉ thấy kiểm toán Nhà nước kiểm toán được 40-50% báo cáo giám sát. “Bao vấn đề ngổn ngang như vậy mà đầu việc kiểm toán Nhà nước đảm đương trong 1 năm quá ít” – đại biểu Nguyễn Văn Tiên nói.
Theo đại biểu, nhân lực kiểm toán Nhà nước hiện quá mỏng đã ảnh hưởng tới chất lượng kiểm toán. Kiểm toán Nhà nước năm 2015 hiện giờ có tổng số 1.800 người ăn lương Nhà nước, bằng biên chế Bệnh viện Bạch Mai, bằng ba đến bốn trường trung cấp gộp lại. Chừng ấy người mà nắm giữ trọng trách kiểm soát ngân sách quốc gia thì có làm được không?”- đại biểu Tiên đề nghị vấn đề này cần xem xét và điều chỉnh ngay mới có thể đảm bảo kiểm toán 100% ngân sách.
Cũng đề cập đến vấn đề này, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) dự báo, trước những con số đầu tư công đang “phình” ra, nợ công đang tiến sát ngưỡng trần Quốc hội cho phép thì bóng dáng của Kiểm toán Nhà nước chưa được “đậm”. “Đánh giá lịch sử 21 năm của Kiểm toán Nhà nước thì tỷ lệ kiến nghị kiểm toán về ngân sách chỉ được 55%; 5 năm qua tỷ lệ này là 60%... Dù là 55% hay 60% thì cũng không đạt yêu cầu” - đại biểu nêu ý kiến. Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng phân tích, sở dĩ các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước bị “ngó lơ” là do ý thức thực thi pháp luật tại một số bộ, ngành chưa cao. Hai là chưa có chế tài mạnh xử lý các tổ chức, cơ quan không thực hiện nghiêm túc kiến nghị của Kiểm toán. “Phải bổ sung thêm chế tài mạnh hơn. Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ tới phải ưu tiên kiểm toán một số lĩnh vực như nợ công, đầu tư công, hiệu quả sử dụng vốn vay, bội chi ngân sách... để đại biểu, cử tri yên tâm” –đại biểu đề nghị.
Đặt câu hỏi: “Kiểm toán đã làm hết trách nhiệm của mình chưa?, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) dẫn chứng nhiều doanh nghiệp vừa được kiểm toán xong thì thời gian ngắn sau chủ doanh nghiệp bị bắt giam, khởi tố. “Những trường hợp như vậy kiểm toán có phát hiện sai phạm của doanh nghiệp không? Đại biểu Thuyền đề nghị phải “truy” trách nhiệm cụ thể của kiểm toán trong từng vụ việc.
Tăng tính bảo hiến trong xây dựng pháp luật
Thẳng thắn nêu quan điểm việc không hoàn thành kế hoạch xây dựng pháp luật trong nhiệm kỳ qua phải được coi là không hoàn thành nhiệm vụ, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) đề nghị nếu đã đưa danh sách luật vào nghị quyết thì phải hoàn thành, nếu không phải có chế tài quy trách nhiệm.
Khẳng định việc làm luật để triển khai thi hành Hiến pháp 2013 là thành tích lớn của Quốc hội khóa XIII, nhưng đại biểu Nghĩa cũng chỉ rõ những trường hợp hiện còn có độ chênh giữa tinh thần của Hiến pháp với các đạo luật hiện hành. Đại biểu kiến nghị Quốc hội cần tăng cường giám sát bảo hiến trong công tác xây dựng luật. Đặc biệt, cần tránh tình trạng trong một số luật còn có “vùng sáng” là kẽ hở gây ra hành vi tùy tiện, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức. “Phải bảo đảm các đạo luật tuân thủ tinh thần, lời văn của Hiến pháp, không len lỏi lợi ích nhóm làm hạn chế nội dung của Hiến pháp”, đại biểu nhấn mạnh.
Nêu quan điểm xử lý những nội dung còn vênh giữa Hiến pháp và các đạo luật hiện hành, đại biểu Trần Đình Nhã (Thừa Thiên – Huế) chỉ rõ, kể từ khi Hiến pháp ban hành nhưng đến nay vẫn còn nhiều quy định hiện hành trong pháp luật và cả Điều ước Quốc tế hạn chế quyền công dân, quyền con người. Để xử lý vấn đề này, đại biểu đề xuất hai cách: Quốc hội tuyên bố các văn bản hạn chế quyền con người trong các văn bản dưới luật thì không có hiệu lực hoặc Quốc hội ra Quyết nghị trong khi chưa có luật thay thế thì cho phép áp dụng quy định hạn chế trong các văn bản hiện hành.
Cho rằng, Quốc hội cũng phải có trách nhiệm chia sẻ với Chính phủ, đại biểu Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá: Sau 2 năm Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 2013, công tác triển khai nhiệm vụ giám sát Hiến pháp của Ủy ban thường vụ Quốc hội “có vấn đề”...
“Nếu liên kết báo cáo Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng sẽ thấy có nhiều vấn đề được quy định trong Hiến pháp nhưng trong 2 năm qua chưa triển khai được trọn vẹn mà không tìm được lý do để hỗ trợ. Bản thân Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa có giám sát cụ thể để bộ máy nhà nước thực hiện đúng Hiến pháp...”, đại biểu Kiên nói. Nhiều đại biểu cũng bày tỏ sự trăn trở về những “món nợ” lớn của Quốc hội nhiệm kỳ 2011-2016 đối với cử tri cả nước như: Giải quyết bức xúc của cử tri; hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng; đồng thời mong muốn những vấn đề này sẽ được xem xét, nghiên cứu, giải quyết thấu đáo trong nhiệm kỳ tới.
Thu Thủy - TTXVN