Hôm nay em về phố!
(Cadn.com.vn) - Một lần bạn lên vùng cao Tây Giang (Quảng Nam), ghé vào những ngôi trường, để thấy, trong sinh hoạt của các em Cơ Tu, chỉ một gói kẹo thôi là đủ cho một buổi tiệc; một con búp bê nhỏ xíu, cũng đủ làm thành niềm hân hoan. Bởi thế, chuyến đi xuống đồng bằng lần này, với các em, là trải nghiệm rất ý nghĩa...
Từ ngày 11 đến 13-5, vượt gần 200 km, những học sinh Cơ Tu Trường PTDT Bán Trú THCS Lý Tự Trọng (xã A Xan, H. Tây Giang, Quảng Nam) lần đầu tiên được xuống tham quan TP Đà Nẵng. Với các em, đấy là những trải nghiệm vô cùng ý nghĩa. Không thể kể hết những khó khăn của sự học miền núi. Nên, để một lần đưa các em xuống đồng bằng, không phải là chuyện dễ. Bao lần lỗi hẹn, anh Nguyễn Quang Tuấn–Phó Hiệu trưởng nhà trường, càng nung nấu quyết tâm. Anh lập kế hoạch, chuyến đưa học sinh xuống đồng bằng giao lưu dự tính thực hiện trong tháng 5, theo đó, anh chọn những học sinh nghèo, học giỏi được đi tham quan công viên, các viện bảo tàng, các trường THPT ở Đà Nẵng, Quảng Nam.
Các em thăm tượng đài Mẹ Thứ. |
Trước đó anh Tuấn đăng thông tin kêu gọi kinh phí lên Facebook, vận động bạn bè, người thân. Anh khoe: “Mấy ngày sau khi mình đăng thông tin, có chị công nhân ở Sài Gòn gửi về 3 triệu đồng, mình rất xúc động”. Anh tiếp tục vận động. Báo CATP có đăng thông tin về chuyến đi, nhờ đó, anh Tuấn kết nối thêm nhiều nhà hảo tâm: Công ty Cổ phần vận tải và dịch vụ Phú Hoàng - taxi Tiên Sa tài trợ toàn bộ tiền thuê xe. Bảo tàng Quân khu 5, Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn tài trợ tiền vé. Những nhân viên trong khách sạn Indochina, nhà hàng Tâm Tâm (Hội An) ủng hộ tiền ăn ở và cử hướng dẫn viên đi theo.
Còn nhiều tấm lòng nữa, như CLB “Tiếp sức vùng cao”, gia đình chị Ngân, anh Tài ở Đà Nẵng; chị Trang, chị Hoa ở TPHCM... “Khi khởi xướng, mình nghĩ chương trình khó nhận được ủng hộ. Bởi vậy, mình rất bất ngờ và quá vui mừng khi có nhiều tấm lòng như thế. Từ đó, dự tính số người đi là 18, sau mình tăng lên 30, trong đó có 26 học sinh. Vui nhất là còn tiết kiệm được một ít kinh phí để mua mì tôm cho học sinh ăn sáng”–anh Tuấn nói.
Các em giao lưu kết nghĩa với Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu, Hội An. |
Lần đầu tiên được thấy mô hình nhà sàn Bác Hồ mà các em chỉ được nhìn qua tranh ảnh, em Pơ Loong Thị Tế (lớp 6), khoe: “Em được vào nhà sàn, được thấy những bộ áo quần cũ, khẩu súng của các chú bộ đội, thấy ảnh những chú bộ đội ngày xưa chiến đấu như thế nào”. Các em còn được tham quan công viên 29-3, công viên Châu Á (Đà Nẵng). Cũng là lần đầu tiên, các em được ngồi trên vòng đu quay-một điều vô cùng xa lạ với các em vùng biên giới. Ở công viên, nhiều em lần đầu được ăn kem. Anh Tuấn kể, thấy các em thích kem quá, các cô chú hướng dẫn tự bỏ tiền ra mua cả một thùng kem cho các em ăn thỏa thích. Ngày thứ hai (12-5), các em về Quảng Nam, tham quan tượng đài mẹ Việt Nam Anh hùng (Tam Kỳ), tham quan và giao lưu với Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu (Hội An), và Trường THPT Phan Châu Trinh (Điện Bàn).
Tới mỗi trường, anh Tuấn chia ra từng nhóm nhỏ, rồi cho các em ngồi dự giờ, để các em trải nghiệm lớp học dưới xuôi. “Các bạn ở đồng bằng rất thân thiện với chúng em. Em ước sau này mình xuống đồng bằng học tập, để được kết bạn với các bạn”- em Cơ Lâu Thị Kỳ (lớp 6) bộc bạch. Còn cô giáo Huỳnh Thị Thanh Lan - Tổng phụ trách đội Trường Phan Châu Trinh, nói: “Nhìn các em xúng xính trong tay những quyển sách mới, mình rất xúc động. Mình dự tính sẽ một lần, đưa học sinh trường mình lên miền núi để các em thấy được học sinh trên đấy khó khăn như thế nào”.
Lần đầu tiên, các em được ngồi trên vòng đu quay. |
Các em được thầy cô và các anh chị hướng dẫn viên dẫn đi dạo phố cổ, tận mắt nhìn những mái ngói rêu phong. Và, kỉ niệm lớn nhất của các em, là lần đầu tiên nhìn thấy biển. Anh Tuấn kể, nhiều em thấy biển mừng quá, cơn say xe dường biến mất, em nào em nấy vục từng ngụm nước để nhấm nháp vị mặn của biển. Ai cũng cười vì chuyến đi quá vui. Em A Lăng Bơm (lớp 8, liên đội trưởng của trường), chia sẻ: “Về trường, em sẽ kể cho các bạn ở nhà nghe về những chuyện ở dưới xuôi. Em muốn có thêm chuyến về đồng bằng nữa để các bạn chưa đi được đi”.
Anh Tuấn bộc bạch: “Lâu nay, trong việc giảng dạy văn hóa vùng miền, các em chỉ được nghe qua hoặc thấy các hình ảnh quê hương trong tranh ảnh. Qua chuyến đi này, các em được trải nghiệm thực tế, giúp các em mở rộng tầm mắt, và tạo thêm động lực để các em vượt qua khó khăn, học tập tốt”.
Mai Thành Dũng