Giải quyết chia di sản thừa kế trong trường hợp không xác định được nơi cư trú của đồng thừa kế
*Luật sư Phan Thụy Khanh, Phó trưởng Văn phòng luật sư Phong & Partners – Trưởng Chi nhánh Sơn Trà, trả lời:
1. Người thừa kế theo pháp luật
Theo thông tin anh Thế cung cấp, cha mẹ anh mất đi có để lại tài sản là nhà và đất, không có di chúc. Như vậy, di sản của cha mẹ anh nếu được chia, sẽ chia theo pháp luật. Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người thừa kế theo pháp luật như sau:
“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”
Căn cứ quy định nêu trên, anh Thế và anh trai, em gái của anh thuộc hàng thừa kế thứ nhất và sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau.
2. Chia di sản thừa kế theo pháp luật
Thừa kế và phân chia di sản luôn là vấn đề nhạy cảm bởi không đơn thuần là một giao dịch dân sự mà thường hàm chứa trong đó những quan hệ gia đình, tình cảm giữa những người có huyết thống. Việc phân chia di sản theo di chúc hay theo pháp luật cũng nên phải rất cân nhắc và khéo léo để tránh xảy ra mâu thuẫn và tranh chấp không đáng có, đưa đến những mất mát và hệ lụy lâu dài cho gia đình.
Trường hợp anh Thế và anh trai muốn chia di sản của cha mẹ nhưng không có tiếng nói chung, ưu tiên hàng đầu vẫn nên là trao đổi, thỏa thuận để tìm ra cách thức phù hợp; hoặc có thể nhờ một người có uy tín và hiểu biết trong họ hàng để giúp hai bên dễ dàng phân chia sao cho hợp tình hợp lý. Nếu vẫn không thể nào giải quyết bằng con đường này, anh Thế có quyền khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế. Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về thẩm quyền tòa án giải quyết vụ kiện liên quan đến thừa kế như sau:
“Điều 26. Những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
5. Tranh chấp về thừa kế tài sản.”
“Điều 35. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện
1. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:
a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 của Bộ luật này;”
“Điều 39. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ
1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
c) Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết.”
Di sản của cha mẹ anh Thế là nhà và đất tọa lạc tại Q.Cẩm Lệ, do đó, anh Thế có thể gửi đơn khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế đến Tòa án nhân dân Q.Cẩm Lệ.
3. Giải quyết yêu cầu chia di sản thừa kế trong trường hợp không xác định được nơi cư trú của đồng thừa kế
Em gái anh Thế là một đồng thừa kế, sẽ được hưởng phần di sản như hai anh em anh Thế. Do đó, khi làm đơn yêu cầu chia di sản, anh Thế phải đưa thông tin của em gái vào với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, theo thông tin anh cung cấp, anh không liên hệ được và không biết địa chỉ sinh sống của em gái. Trường hợp này pháp luật sẽ giải quyết thế nào?
Căn cứ Điểm a khoản 3 Điều 6 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP hướng dẫn một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án:
“Điều 6. Xử lý việc ghi địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan
3. Tòa án vẫn tiếp tục giải quyết vụ án trong các trường hợp sau đây:
a) Đối với vụ án tranh chấp về thừa kế tài sản có người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thuộc diện thừa kế mà nguyên đơn không cung cấp được địa chỉ và Tòa án đã tiến hành các biện pháp để thu thập, xác minh địa chỉ theo đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn không xác định được địa chỉ của người đó thì Tòa án vẫn giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật. Phần tài sản mà người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thuộc diện thừa kế chưa tìm được địa chỉ được nhận thì Tòa án tạm giao cho người thân thích của người đó hoặc người thừa kế khác quản lý. Quyền, nghĩa vụ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thuộc diện thừa kế chưa tìm được địa chỉ sẽ được Tòa án giải quyết bằng một vụ án khác khi có yêu cầu;”
Như vậy, trước hết, anh Thế cần nỗ lực tìm kiếm em gái mình và lưu lại những chứng cứ về việc đã tìm kiếm nhưng không có kết quả; gửi những chứng cứ này cho Tòa án nhân dân Q.Cẩm Lệ. Tòa án sẽ tiến hành các biện pháp để thu thập, xác minh địa chỉ của người em gái; trường hợp vẫn không thể xác minh được địa chỉ của người em gái, Tòa án vẫn giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật. Phần tài sản mà người em gái này được hưởng từ việc phân chia di sản thừa kế theo pháp luật sẽ được Tòa án tạm giao cho người thân thích của người đó hoặc người thừa kế khác quản lý.
Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Văn phòng Luật sư Phong & Partners. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3822678 - 0905.102425