Hủ tục & hệ lụy (2)

Thứ sáu, 18/07/2014 07:47

* Bài 2: Người về từ cõi chết

(Cadn.com.vn) - Câu chuyện về thảm án sát hại 18 phu vàng khởi nguồn từ hủ tục trả nợ đầu tàn ác, đã được nhân chứng sống Nguyễn Văn Hòa chôn chặt trong lòng từ lâu. Anh ít khi tâm sự với ai, vì theo anh đó là đau thương, kinh hoàng, quá mức chịu đựng của con người, dù có là thần kinh thép đi chăng nữa. 

Để tìm được nhân chứng sống Nguyễn Văn Hòa, chúng tôi phải mất khá nhiều thời gian. Câu chuyện xảy ra gần 30 năm, hầu hết người biết việc không ai còn nhớ chính xác quê anh Hòa ở đâu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Có người bảo hình như anh ở H. Đại Lộc, có người khẳng định anh ở xã Tiên Cẩm, H. Tiên Phước. Kiên nhẫn dò hỏi những phu vàng có thâm niên ở 2 huyện Tiên Phước và Đại Lộc, cuối tháng 5-2014, chúng tôi nhận được nguồn tin, năm 1986, có một người dân tộc Kinh đi làm vàng bị người dân tộc Cơ Tu bắt chặt đầu nhưng may mắn trốn thoát, hiện đang sống tại thôn 1, xã Tiên Lộc, H. Tiên Phước. Nhưng người này tên Sơn chứ không phải tên Hòa.

Nhân chứng sống Nguyễn Văn Hòa (phải) kể lại thảm án sát hại 18 phu vàng năm 1986
với P.V Báo Công an TP Đà Nẵng tại nhà riêng.

Gọi vào số điện thoại di động của anh Sơn, chúng tôi rất mừng bởi anh xác nhận đúng là nhân chứng sống trong vụ thảm sát 18 phu vàng tại H. Giằng (nay là H. Nam Giang) năm 1986. Anh đồng ý kể lại toàn bộ câu chuyện diễn ra thời điểm đó nhưng cho biết hiện đang ở Cà Mau, nếu nhanh thì đầu tháng 6-2014 sẽ về H. Tiên Phước, còn tìm được việc làm thì có thể ở lâu hơn. Trung tuần tháng 6-2014, anh Sơn gọi điện thông báo đã về quê và đồng ý hẹn gặp. Ngay lập tức, chúng tôi tìm đường về nhà anh tại thôn 1, xã Tiên Lộc.

Tiếp chúng tôi tại nhà riêng, anh Sơn cho biết, Nguyễn Văn Hòa là tên trong chứng minh nhân dân, còn tên mọi người thường gọi anh là Sơn. Chính vì điều này mà hầu hết giới làm vàng ở Quảng Nam không biết ai tên là Hòa trong vụ thảm án năm 1986. Sau khi biết rõ mục đích của chúng tôi, anh Hòa mới đồng ý kể lại những gì đã xảy ra. Theo anh, những điều này hằn sâu trong ký ức không thể quên, được anh tường trình chi tiết với CQĐT CA tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng từ năm 1986.

Anh Hòa nhớ lại, năm 1986, khi đó anh mới 20 tuổi, theo nhóm bạn 4 người cùng quê Tiên Phước đi khai thác vàng sa khoáng tại đầu nguồn sông Bung. Bãi đó giới phu vàng đặt tên là Ngã ba An Dương Vương, nơi có một nhánh chảy về sông Ốc của H. Giằng và một nhánh về sông Bung của H. Đại Lộc. Công việc lúc đó khá vất vả, ngoài phải đối mặt với khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, các phu vàng thường xuyên bị chính quyền địa phương truy quét, đẩy đuổi.

Nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần là cách tốt nhất nhằm xóa bỏ những hủ tục trong suy nghĩ của người dân tộc Cơ Tu (trong ảnh: Phụ nữ Cơ Tu tham gia giải bóng chuyền kỷ niệm 104 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ, 8-3-2014).

Nhấp ngụm trà, đôi mắt nhìn về xa xăm, quá khứ đau thương ùa về qua giọng kể trầm buồn của anh Hòa. Đó là ngày 12-10-1986, không thể khác được và ngày đó sau này được thân nhân 18 phu vàng bị sát hại chọn làm ngày giỗ. Chiều hôm trước (11-10), khi anh Hòa cùng nhóm bạn đang khai thác vàng dưới bãi sông thì gặp một người quen tên Dũng (quê xã Đại Lãnh, H. Đại Lộc) chuyên làm nghề khai thác trầm, chèo ghe ngang qua và cảnh báo: “Dân tộc chuẩn bị xuống đó, mấy ông lo chạy đi”. Khi đó mọi người không hề biết được rằng Dũng vừa gây án mạng khi đánh chết 1 người và bị thương 2 người dân tộc Cơ Tu tại thôn Vinh.

5 giờ ngày 12-10-1986, lúc anh em phu vàng tại bãi An Dương Vương gồm 19 người đang chuẩn bị bữa ăn sáng thì có 24 người dân tộc Cơ Tu mang theo dao, súng đến bao vây. Không một ai chạy được, chỉ có một người em bà con của anh Hòa tên là Nguyễn Xuân Hương bị đau bụng, về quê ngày hôm trước nên thoát chết. Bắt tất cả phu vàng tập trung lại một chỗ, có một người Cơ Tu mang ra tờ giấy công bố là lệnh của chính quyền, đọc bằng tiếng Kinh. Nội dung lệnh thể hiện, khu vực phía Bắc hiện đang có FULRO hoạt động, nếu ai là người dân lương thiện thì đi về huyện để xác minh làm rõ, còn chống cự thì bắn.

Khi đó mọi người cứ nghĩ là có lệnh của chính quyền nên đồng ý thu dọn tư trang rời khỏi bãi vàng. Nhóm người Cơ Tu yêu cầu trói 2 người chung lại với nhau nhưng anh em phu vàng không chịu nên họ đồng ý trói tắc ké (trói gập khuỷa tay ra phía sau) bằng dây rừng từng người một. 6 giờ ngày 12-10, nhóm người dân tộc Cơ Tu áp giải phu vàng lên đường. Có 3 người cầm súng dẫn đầu, anh em phu vàng đi giữa, khóa đuôi là súng và dao của số người Cơ Tu còn lại. Đi đến trưa thì nhóm áp giải cởi trói cho phu vàng nấu cơm ăn tại khu vực ngã ba Chuồng Bò (thuộc sông Ốc). Khoảng 17 giờ, họ đưa tất cả lên rẫy của thôn Vinh và nghỉ qua đêm tại đây. Sáng 13-10, đoàn dậy sớm nấu cơm ăn rồi đi tiếp, đến 12 giờ thì nghỉ lại ở khu vực lưng chừng núi.

Đến lúc này anh Hòa cảm thấy có điều gì đó không bình thường. Trong đầu anh suy đoán, nếu đưa về huyện thì tại sao phải đi vào núi sâu, nơi đường đi hiểm trở, không một bóng người. Hay là chúng có ý định thủ tiêu anh em phu vàng? Lúc ăn trưa hôm 13-10, anh Hòa có tâm sự với bạn cùng nhóm về điều này thì được bạn trấn an là không có chuyện gì đâu. Thường thì người dân tộc Cơ Tu truy quét, bắt người Kinh làm vàng trái phép chỉ thu giữ tư trang, nhu yếu phẩm rồi thả. Anh bạn của Hòa khẳng định bản thân đã 13 lần bị bắt như thế nên lần này không còn cảm giác sợ.

Nhưng với Hòa thì khác, anh nhớ lại lời cảnh báo của người bạn tên Dũng bảo chạy đi và suy đoán có thể nhóm người dân tộc Cơ Tu này có mưu đồ gì đó bất minh. Vì thế, sau bữa cơm trưa 13-10, anh có sự đề phòng, chuẩn bị cho tình huống xấu nhất xảy ra. Anh quyết định vứt bỏ ba lô đựng tư trang, chỉ mặc quần đùi và khi bị trói tay dẫn đi, anh cố gồng người lên để chỗ trói nới lỏng khi cơ bắp trả lại bình thường. Và thường thì anh đi ở cuối đoàn, nhưng lần này anh đi đầu và luôn có sự cảnh giác mọi nhất cử, nhất động của số người Cơ Tu cầm súng. Và đúng như phỏng đoán, điều tồi tệ, tàn ác nhất đã xảy ra ngay sau đó…

Phóng sự điều tra: Nguyên Thảo
 
(còn nữa)