Huawei - Câu chuyện về một Cty gây tranh cãi (Kỳ cuối: Một “cuộc chiến” khác)

Thứ tư, 20/03/2019 13:12

Đối với Mỹ và các nước phương Tây, cách mà chính phủ Trung Quốc bảo vệ mạnh mẽ Huawei đã đặt ra câu hỏi về mức độ ảnh hưởng của chính quyền Bắc Kinh đến tập đoàn này, điều mà Bắc Kinh và cả Huawei luôn bác bỏ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (bên trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (bên phải) trong buổi ăn tối cùng nhau hồi tháng 12-2018.   Ảnh: BBC

Sau vụ bắt giữ bà Mạnh, chính quyền Bắc Kinh tuyên bố, việc giam giữ vị CFO này là hành động lạm quyền. Và trong khi vụ án dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ đang được đưa ra tòa án giải quyết, Trung Quốc đã bắt giữ hai công dân Canada và cáo buộc họ làm gián điệp và đánh cắp bí mật quốc gia. Đã có những cáo buộc rằng, vụ bắt giữ có liên quan đến việc bà Mạnh bị giam giữ và xem đó như một hành động trả đũa của Trung Quốc nhắm vào Canada. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã bác bỏ.

“Bảo vệ Huawei là nhiệm vụ của chính phủ”

Trong khi không có bình luận gì về việc bắt giữ những công dân Canada, ông Nhậm Chính Phi nói rằng, hành động bảo vệ Huawei của chính phủ Trung Quốc là điều dễ hiểu. “Đây là nhiệm vụ của chính phủ Trung Quốc, nhiệm vụ bảo vệ người dân của họ”, ông Nhậm nói. Theo ông, nếu Mỹ cố gắng giành lợi thế cạnh tranh bằng cách làm suy yếu tài năng công nghệ cao nổi bật nhất của Trung Quốc, thì có thể hiểu được lý do chính quyền Bắc Kinh phải nỗ lực bảo vệ các Cty công nghệ cao  của mình.

Trên thực tế, chính phủ Trung Quốc đã hành động mạnh mẽ để bảo vệ Huawei trước áp lực từ Mỹ và phương Tây. Trong động thái mới nhất, Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị chỉ trích cáo buộc của Mỹ nhằm vào Huawei, đồng thời tuyên bố Bắc Kinh sẽ thực hiện “tất cả biện pháp cần thiết” để bảo vệ “các quyền hợp pháp” cho các Cty và cá nhân của gã khổng lồ Châu Á này. Phát biểu họp báo, ông Vương Nghị nêu rõ: “Chúng tôi sẽ không phải là những con cừu câm lặng để họ tự ý giết mổ”. Ông miêu tả vụ Mỹ nhằm vào Huawei là “sự đàn áp chính trị có tính toán”.

Huawei cũng có những quyết định quan trọng trong vụ việc này khi khởi kiện chính phủ Canada và Mỹ. Theo các nguồn tin, tập đoàn công nghệ này đã chính thức khởi kiện chính phủ Mỹ liên quan đến việc Washington cấm các cơ quan liên bang nước này mua và sử dụng thiết bị và các dịch vụ của Huawei. Trong một tuyên bố, Chủ tịch luân phiên của Huawei Quách Bình nhấn mạnh: “Quốc hội Mỹ đã liên tục không thể đưa ra bất kỳ bằng chứng nào để giải thích cho việc cấm sử dụng các sản phẩm của Huawei. Chúng tôi buộc phải sử dụng hành động pháp lý này như là giải pháp thích hợp cuối cùng”.

Trong khi đó, bản thân bà Mạnh cũng chính thức khởi kiện chính phủ Canada, Cơ quan quản lý biên giới và Cảnh sát Hoàng gia Canada vì đã giam giữ, khám xét và thẩm vấn trước khi thông báo với bà về quyết định bắt giữ. Đơn kiện còn tố cáo Cơ quan quản lý biên giới Canada đã thu giữ các thiết bị điện tử, lấy mật khẩu và kiểm tra các thông tin trong đó một cách phi pháp, đồng thời cố tình không đưa ra những lý do thực sự về quyết định bắt giữ đối với CFO Huawei.

“Gã khổng lồ” 5G...

“Về cơ bản, bạn muốn kết nối với tất cả mọi thứ mà bạn có thể kết nối”, Chủ tịch phòng thí nghiệm không dây 5G của Huawei đã nói như vậy khi giới thiệu các thiết bị có thể kết nối với công nghệ mới. “Từ một bàn chải đánh răng thông minh thu thập dữ liệu về việc bạn đánh răng tốt như thế nào, đến một cái ly thông minh nhắc nhở khi bạn cần uống thêm nước, đây là một thế giới nơi mọi thứ bạn nghĩ đến đều được đo lường và phân tích”, ông này nói thêm. Theo lời giới thiệu, ở mức độ tinh vi nhất, mọi thứ trong toàn thành phố sẽ được kết nối: ô-tô không người lái, nhiệt độ của các tòa nhà, tốc độ giao thông công cộng - danh sách là vô tận.

Trên thực tế, Huawei được cho là đi trước 1 năm so với các đối thủ về chuyên môn công nghệ và những gì họ có thể cung cấp cho khách hàng. Tập đoàn này cũng có thể đưa ra mức giá rẻ hơn khoảng 10% so với các đối thủ cạnh tranh, mặc dù những người chỉ trích cho rằng, họ có được lợi thế này là do sự hỗ trợ của nhà nước, một cáo buộc mà ông Nhậm luôn bác bỏ và nhấn mạnh, Huawei không nhận hỗ trợ của chính phủ. Ông nói lý do thực sự đằng sau những động thái của Mỹ đối với Huawei là công nghệ vượt trội của hãng này. “Không có cách nào mà Mỹ có thể đè bẹp chúng tôi”, ông Nhậm khẳng định và nói thêm: “Thế giới cần Huawei vì chúng tôi tiên tiến hơn. Ngay cả khi họ thuyết phục nhiều quốc gia không sử dụng tạm thời sản phẩm của chúng tôi, chúng tôi có thể thu nhỏ quy mô một chút”. Nhiều nhà phân tích cũng cho rằng, việc loại trừ Huawei khỏi các mạng của Mỹ thực sự có thể khiến nước này tụt lại phía sau về công nghệ 5G.

...có “chết yểu”?

Do áp lực của Mỹ đối với các đồng minh, Huawei đã tham gia vào một chiến dịch quan hệ công chúng tích cực để giành khách hàng và các chính phủ.

Trong những ngày gần đây, ông chủ của Vodafone, Nick Read, đã kêu gọi chính phủ Mỹ chia sẻ bất kỳ bằng chứng nào mà họ có về Huawei, trong khi Andrus Ansip, Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu về thị trường kỹ thuật số nói rằng, ông đã gặp Giám đốc điều hành luân phiên của Huawei để thảo luận về tầm quan trọng của việc cởi mở và minh bạch, khi họ làm việc cùng nhau.

Nhưng những nghi ngờ về Huawei vẫn còn. Một Cty bảo mật gần đây thông báo rằng, có rất nhiều câu hỏi của khách hàng ở các nước Châu Á về Huawei. “Một số người hỏi rằng, liệu Huawei có thực sự là một Cty đáng tin cậy hay không”, một nhà phân tích giấu tên bày tỏ lo ngại. Tuy nhiên, ông Nhậm Chính Phi lại lạc quan về những mối quan tâm như vậy. “Với những quốc gia tin tưởng vào họ (Mỹ), chúng tôi sẽ hoãn việc ký kết. Đối với các quốc gia cảm thấy Huawei đáng tin cậy, chúng tôi có thể đẩy nhanh tiến độ hơn một chút”, ông Nhậm nói.

Tuyên bố của ông Nhậm Chính Phi cho thấy, “cuộc chiến” giữa Huawei với Mỹ, mà theo giới phân tích, là “cuộc chiến” giữa Trung Quốc với Mỹ trong thế giới công nghệ cao chưa dừng ở đó. Giới phân tích cho rằng, càng ngày, vụ việc này càng được coi là một trận chiến giữa hai trật tự thế giới, mang tính quyết định bên nào có khả năng định hình thế giới công nghệ trong tương lai.

KHẢ ANH