Huyền thoại đặc công nước Quảng Đà (2)
* KỲ 2: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”…
(Cadn.com.vn) - Tập luyện ở hậu phương đã khó nhọc, song khi vào thực tế “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, những người lính đặc công phải trèo đèo lội suối, đi bộ, mang vác nặng trên vai và phải đi trong mưa bom bão đạn, gần 3 tháng mới vào đến chiến trường Khu V...
3 chiến sỹ đặc công nước thuộc đội 170 hiện đang sinh sống tại Đà Nẵng |
Nhớ về một thời băng rừng vượt núi, ăn gió nằm sương, Đại tá Phạm Xuân Sanh không khỏi bồi hồi, xúc động. Ông kể: Ngày 27-10-1966, Đội 3 (Đặc công nước Quảng Đà) làm lễ xuất quân tại thôn Tiền An (Quảng Yên, Quảng Ninh). Toàn đội như bừng lên khí thế sôi nổi, vui vẻ lạ thường. Tuy nhiên, trong tâm thức của mỗi người như có điều gì suy tư sâu lắng. Cũng dễ hiểu thôi, vì ngày mai lên đường xa miền Bắc thân yêu, giã từ những người ruột thịt mà không hẹn ngày về song để đảm bảo bí mật, không ai được phép gặp gia đình. Buổi liên hoan cuốn hút mọi người trong cái sôi động, âm vang hào hùng của những bài đồng ca, những khúc quân hành mạnh mẽ như đánh tan đi nỗi niềm đang ẩn chứa trong lòng mỗi người. Bài hát “Hành quân xa” của Đỗ Nhuận, lúc bình thường hát lên chỉ cảm nhận được giai điệu mạnh mẽ của nhịp quân hành nhưng lúc này chợt có ý nghĩa như một lời thề: “Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi”; lại thêm bài “Đoàn giải phóng quân” của Phan Huỳnh Điểu như giục giã mọi người: “Ra đi ra đi, bảo toàn sông núi; ra đi ra đi thà chết chớ lui…”. “Cũng bài ca ấy, lớp cha anh thuở trước ra đi từ cách mạng tháng Tám từng làm nên những chiến công chấn động địa cầu, giờ đây đối với chúng tôi, nó thiêng liêng và ý nghĩa biết chừng nào”, ông Phạm Xuân Sanh hồi tưởng.
Cũng tại buổi xuất quân này, Tư lệnh Quân chủng Hải quân Nguyễn Bá Phát đã dặn dò, nhắn nhủ: “Đội 3 vào Mặt trận Quảng Đà, nơi ấy chính là quê hương tôi đang bị Mỹ - ngụy bạo tàn dìm trong máu lửa! Thực lòng, tôi muốn trở về chiến đấu góp phần giải phóng quê hương nhưng vì nhiệm vụ của Đảng phân công nên chưa thể đi cùng. Các đồng chí yên tâm, phấn khởi lên đường, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh sẽ theo dõi từng bước đi và chờ đợi những chiến công của các đồng chí làm vẻ vang cho Quân chủng chúng ta”. Đội 3 tạm biệt Tiền An vào một buổi chiều cuối thu đầy lưu luyến như thế!
Hành quân ròng rã 2 tháng 14 ngày, đơn vị mới đặt chân đến thượng nguồn sông A Vương, miền tây Quảng Nam. Chừng ấy thời gian trèo đèo lội suối, ăn đói ngủ rét, những chiến sỹ đặc công vốn được tôi rèn, kiên trường như vậy nhưng cũng đến lúc mỏi mệt, gục ngã bởi những cơn sốt rét rừng, đặc biệt là cái đói dai dẳng làm họ kiệt sức. “Thế nhưng vượt qua tất cả, khi đối mặt với kẻ thù, chúng tôi như có một sức mạnh vô hình nào đó thôi thúc, xung trận chiến đấu và giành được nhiều chiến công vô cùng oanh liệt”, ông Phạm Xuân Sanh nhấn mạnh.
Tôi hỏi Đại tá Phạm Xuân Sanh, khi hành quân qua quê hương Quảng Bình, bác nghĩ gì? “Lúc ấy, thực lòng tôi rất muốn ghé lại thăm nhà, nơi ấy có ba mẹ, anh chị em tôi sinh sống, chờ đợi tin tôi nhưng đã mấy năm rồi biệt vô âm tín. Tuy nhiên, lòng muốn là như vậy nhưng vì nhiệm vụ, vì Tổ quốc, tôi không thể nào làm khác được. Đặc biệt là, 3 năm trước và sau khi vào chiến trường, gia đình không hề nhận được bất cứ thư từ, thông tin gì từ tôi (do yêu cầu bí mật tuyệt đối), nhưng lại nhận được bằng Tổ quốc ghi công, cũng đồng nghĩa là tôi đã hy sinh. Bố tôi lúc ấy suy sụp, ông ốm liệt giường mấy năm trời. Tất nhiên sau hòa bình, khi có dịp về thăm quê tôi mới biết. Khi ấy thấy tôi trở về, như có thuốc tiên, bố tôi khỏe mạnh trở lại”, Đại tá Sanh bùi ngùi.
Quảng Đà–một trong những chiến trường trọng điểm, là vị trí chiến lược then chốt của Mỹ, ngụy, nơi những tên lính thủy đánh bộ Mỹ đầu tiên đặt chân đến xâm lược nước ta, để thực hiện cái gọi là “chiến tranh cục bộ”, nơi mà từng giờ, từng phút cái chết đến với con người chỉ trong gang tấc. Nơi ấy chính là vùng tác chiến mà Đội 3 đặc công nước gồm 60 đồng chí (được chia thành 3 phân đội phụ trách các cánh bắc, trung và đông của Đà Nẵng) do Đại úy Lương Xuân Lan, Chính trị viên và Đại úy Võ Tấn Mễ, Đội trưởng chỉ huy; Thiếu úy Phạm Xuân Sanh lúc bấy giờ được phân công làm trợ lý tác chiến, quân lực. Nhiệm vụ được giao cho Đội 3 đặc công nước là đánh các tàu thuyền quân sự, kho tàng, bến cảng và đặc biệt là đánh sập các cầu cống, cắt đứt chi viện bằng đường bộ của địch trên chiến trường, đồng thời phục vụ cho các chiến dịch của quân ta. “Lúc bấy giờ, các phân đội nằm sâu trong vùng địch, phần lớn nhân dân bị chúng tập trung vào các khu dồn, anh em phải sống cùng du kích địa phương, ngày lánh địch càn, đêm về hoạt động và chiến đấu, gian khổ khó khăn không sao kể xiết”, Đại tá Phạm Xuân Sanh hồi tưởng. Cũng theo Đại tá Sanh, chính vì điều này mà tỷ lệ thương vong tổn thất trong các trận chiến đấu không nhiều mà phần lớn do trụ bám trong vùng địch kiểm soát gắt gao, càn quét liên miên, chà đi xát lại với nhiều thủ đoạn xảo quyệt nên không thể nào tránh khỏi những hy sinh, mất mát.
Trong điều kiện vô cùng khó khăn hiểm ác ấy, từ năm 1966 đến 1970, Đội 3 và Đội 170 (sau này) đặc công nước đã chiến đấu lập nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc, tiêu diệt hàng trăm tên địch, hàng chục chiến thuyền, hải thuyền và cầu đường, kho xăng, kho bom đạn của địch trên chiến trường Quảng Đà. “Chiến công nhiều nhưng tổn thất cũng không kém”, giọng Đại tá Sanh chùng xuống khi nhớ về những trận đánh mà đơn vị phải chịu mất mát, hy sinh. Đó là trận đánh tại cầu “Trịnh Minh Thế” Đà Nẵng. Đội 3 đã tổ chức đánh 2 lần nhưng không thành, đặc biệt trong lần thứ 2, do bị lộ nên địch đã bao vây. 7 chiến sỹ đặc công nước và 2 du kích địa phương quyết chiến với kẻ thù, tiêu diệt hơn 40 tên trước khi người cuối cùng ngã xuống. Đến năm 1970, các phân đội 1 (cánh bắc Đà Nẵng) và phân đội 2 (cánh trung Đà Nẵng) gần hết quân, Bộ Tư lệnh Hải quân không bổ sung kịp, phân đội 3 còn lại 5 CBCS tổ chức đánh kho xăng Liên Chiểu lần 2, tuy nhiên do không có thời gian chuẩn bị nên 4 CBCS hy sinh. Đầu năm 1970, trong thời gian xây dựng, củng cố lực lượng, Đoàn đặc công Hải quân 126 tăng cường cho mặt trận 44 Quảng Đà 60 CBCS. Tháng 1-1970, Đội đặc công nước phiên hiệu Đội 170 được thành lập, đồng chí Phạm Xuân Sanh (cán bộ của Đội 3 còn lại) làm Đội trưởng. Từ đây, Đội 170 đặc công nước cùng các đơn vị đặc công khác đã liên tiếp tiến công địch, lập nên nhiều chiến công vang dội, làm cho Mỹ, ngụy phải kinh hồn bạt vía.
Doãn Hùng
(còn nữa)