Hy Lạp trước nguy cơ khủng hoảng nợ mới

Thứ sáu, 10/02/2017 10:53

(Cadn.com.vn) - Những đánh giá trái ngược của Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về tình hình kinh tế Hy Lạp đang phản ánh sự chia rẽ sâu sắc giữa hai bên và có thể ảnh hưởng tới kế hoạch giải ngân các khoản cứu trợ cho quốc gia này.

Bất đồng IMF- Eurozone

IMF từ lâu cho rằng Hy Lạp cần giảm nợ nhiều hơn để tình hình tài chính bền vững hơn. Trong báo cáo hàng năm đánh giá nền kinh tế Hy Lạp công bố hôm 7-2,  IMF cho rằng nợ của Hy Lạp "rất không bền vững và sẽ bùng nổ trong dài hạn", đồng thời kêu gọi Châu Âu đưa ra chương trình miễn giảm nợ "đáng kể" cho Hy Lạp. Báo cáo của IMF cho rằng, Hy Lạp đã đưa ra những tính toán quá lạc quan về tăng trưởng và ngân sách. Tuy nhiên, báo cáo này thừa nhận đà phục hồi đang tiếp tục mà nhờ đó tăng trưởng kinh tế của Hy Lạp sẽ đạt 2,7% trong năm nay, so với mức tăng 0,4% năm 2016. IMF giục Hy Lạp đẩy nhanh việc thực hiện các cải cách, đặc biệt trong công tác thu thuế, cải cách thị trường lao động nhằm hồi phục nền kinh tế.

Trong khi đó, Liên minh Châu Âu (EU) khẳng định kinh tế Hy Lạp vẫn tiến triển. Chủ tịch Nhóm các bộ trưởng tài chính Eurozone (Eurogroup), Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Jerome Dijsselbloem cho rằng quan điểm của IMF là "bi quan không cần thiết". "Thật ngạc nhiên vì Hy Lạp đã làm tốt hơn so với những gì  báo cáo IMF mô tả", ông Dijsselbloem nói.

Việc Eurozone và IMF đưa ra những đánh giá trái ngược nói trên có liên quan đến kế hoạch giải ngân khoản tiền tiếp theo trong gói cứu trợ thứ ba cho Hy Lạp trị giá 86 tỷ EUR (92,4 tỷ USD), đã được nhất trí năm 2015 và những mục tiêu kinh tế  mà Athens cần phải đáp ứng để đổi lấy gói cứu trợ này. Hiện IMF đưa ra điều kiện yêu cầu Eurozone cam kết giảm nợ thêm cho Hy Lạp trước khi giải ngân khoản cứu trợ mới. Tuy nhiên, tại cuộc họp Eurogroup năm ngoái, các nước Eurozone quyết định ngừng giảm nợ cho Hy Lạp sau khi Athens công bố kế hoạch tăng tiền trợ cấp cho người về hưu.

Eurozone muốn có sự tham gia của IMF, trong khi thiết chế tài chính này sẽ không cho vay thêm, nếu nợ dài hạn của Hy Lạp chưa ở mức bền vững.  Điểm bất đồng chính giữa Châu Âu và IMF là Châu Âu yêu cầu Hy Lạp phải đạt thặng dư ngân sách trước khi trả nợ tương đương 3,5% GDP, vượt xa mức 1,5% GDP mà IMF cho là khả thi.

Hy Lạp phải trả nợ vào tháng 7 tới. Ảnh: BBC

Nguy cơ khủng hoảng

Bất đồng giữa Eurozone và IMF đã kéo dài vài tháng, gây lo ngại về một cuộc khủng hoảng nợ mới và nguy cơ Hy Lạp ra khỏi Eurozone. Theo kế hoạch, tháng 7 tới, Hy Lạp sẽ phải thanh toán gần 7 tỷ  EUR cho các chủ nợ, một nhiệm vụ bất khả thi nếu không nhận được tiền cứu trợ mới.

Hy Lạp hiện đang phải vật lộn với tình trạng khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất từ trước đến nay.  Nợ công của Hy Lạp hiện ở mức trên 300 tỷ EUR, chiếm khoảng 180% GDP, và đây là tỷ lệ cao nhất trong Eurozone.

Nếu các chủ nợ Châu Âu từ chối sự giúp đỡ, nợ của Hy Lạp sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát dù tốc độ tăng trưởng kinh tế có phát triển thế nào đi nữa. Theo ông Ted Malloch, ứng viên dự kiến của Tổng thống Trump cho vị trí Đại sứ Mỹ tại EU, tương lai Eurozone sẽ được quyết định trong 18 tháng tới. Hy Lạp cần chạy nước rút trước khi các cuộc bầu cử tại nhiều nước Châu Âu bắt đầu, vì khi đó viện trợ tài chính cho Athens sẽ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

An Bình
(theo CNN, BBC)