Hy Lạp với Argentine

Thứ hai, 06/07/2015 09:00

(Cadn.com.vn) - Một khi Hy Lạp bị loại khỏi Khu vực Đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone), những hậu quả mà nước này phải đối mặt có thể sẽ tồi tệ hơn rất nhiều so với những gì các nhà phân tích dự đoán. Đây là nhận định của ông Domingo Cavallo - người từng là Bộ trưởng Kinh tế Argentine ở thời điểm nước này vỡ nợ vào năm 2001.

Vực dậy từ khủng hoảng

Nắm giữ chức vụ quan trọng trong chính phủ Argentine trong suốt giai đoạn nước này đi từ khủng hoảng đến sụp đổ tài chính, ông Cavallo hơn ai hết hiểu rõ tính chất nghiêm trọng và các nguy cơ đang đe dọa người Hy Lạp.

Là một trong những nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ nhưng Argentine cũng không thể thoát khỏi cuộc suy thoái kinh tế lâu dài và đỉnh điểm là vỡ nợ quốc tế vào năm 2001. Nước này phải vật lộn với số nợ kỷ lục và đồng tiền bị mất giá nghiêm trọng. Đối với nhiều người dân Argentine, giai đoạn sau vỡ nợ chính là khoảng thời gian khủng khiếp nhất khi tỷ lệ thất nghiệp tăng gần gấp đôi lên hơn 20% và tình trạng lạm phát, vốn giảm xuống mức rất thấp trong những năm 1990, một lần nữa trở thành mối đe dọa đối với  kinh tế. Một năm sau vỡ nợ, GDP của nước này giảm 11% và nền kinh tế kém phát triển khiến tỷ lệ người Argentine sống trong cảnh nghèo đói ở mức hơn 50%.

Chính phủ Argentine cố gắng cứu vãn tình thế bằng cách ra lệnh chuyển đổi tất cả các khoản tiền gửi ngân hàng thành đồng peso, hay nói một cách rõ ràng hơn là tịch thu các khoản tiết kiệm của người dân. Nhiều người dân không thể chi trả các hóa đơn như các khoản thế chấp bởi phần lớn được tính bằng USD. Các Cty tài chính lớn mạnh cũng không thể vượt qua khủng hoảng.

Các Cty tư nhân cho phép khách hàng trả các hóa đơn bằng USD không thể hoạt động được và một số vụ kiện pháp lý thậm chí đến nay vẫn chưa được giải quyết. Sự xáo trộn trên thị trường còn lan rộng sang dân chúng. Những vụ bạo loạn diễn ra khiến nhiều người chết bởi nguyên nhân người dân bị mất tiền tiết kiệm và rơi vào tình trạng hoang man cực độ. Những sự kiện đó dẫn đến bất ổn chính trị và khiến hàng loạt chính trị gia cấp cao từ chức.

Tuy nhiên, vận may đến với Argentine khi giai đoạn sau năm 2001 chứng kiến sự tăng vọt của giá nông sản toàn cầu mà nguyên nhân chính là nhu cầu khổng lồ của Trung Quốc. Năm 2003, nhờ những hồi phục bất ngờ trong các chỉ số kinh tế, nước này nhận được một khoản vay mới quan trọng từ IMF. Kể từ đó, Buenos Aires dần trả hết số nợ cho các chủ nợ quốc tế và IMF. Tuy nhiên, Argentine một lần nữa bị vỡ nợ vào tháng 7-2014.

Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao là một trong những khó khăn mà chính phủ Hy Lạp đang phải đối mặt.

Tương lai mờ mịt

Một số người cho rằng, Hy Lạp rất có khả năng hồi phục sau vỡ nợ. Tuy nhiên, thực tế, nước này sẽ không thể tăng trưởng kinh tế dựa vào xuất khẩu như Argentine bởi họ không có một ngành xuất khẩu đủ mạnh để lấp đầy chỗ trống của đồng tiền đang bị mất giá trầm trọng.

Nhiều người hy vọng việc Athens bị loại khỏi Eurozone có thể sẽ là một động lực thúc đẩy du khách nước ngoài đến đây nhiều hơn bởi giá cả rẻ, nhưng rõ ràng là chỉ lĩnh vực như du lịch không đủ để kéo nền kinh tế của cả đất nước ra khỏi vực thẳm. Hơn nữa, nếu thiếu đi các áp lực từ Brussels và IMF, Hy Lạp có khả năng sẽ chần chừ trong việc đưa ra một số cải cách cơ cấu quan trọng cho sự tăng trưởng dài hạn và đó chính là lỗ hổng để lạm phát quay lại đe dọa nền kinh tế nước này.

"Hy Lạp sẽ mất bao nhiêu năm nữa mới có thể tìm ra được chìa khóa để phục hồi nền kinh tế? Họ sẽ phải trải qua giai đoạn khủng khiếp trong khoảng thời gian tới", chuyên gia tài chính Paul Blustein - người đã xuất bản  sách về vụ vỡ nợ của Argentine và bây giờ đang viết về cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp - bày tỏ lo ngại.

An Bình
(Theo BBC)