Ì ạch tiến độ đầu tư hạ tầng công nghiệp

Thứ ba, 31/05/2022 10:38
Hơn 500 cơ sở sản xuất rải rác trong các khu dân cư mong muốn vào cụm công nghiệp để ổn định sản xuất, thoát cảnh thường xuyên bị yêu cầu đóng cửa, di dời do ảnh hướng tới cuộc sống cư dân. Tuy vậy, tiến độ triển khai các cụm công nghiệp ở Đà Nẵng rất ì ạch, riêng 3 khu công nghiệp mới qua 5 năm vẫn nằm ở khâu thủ tục.
Ngoài Khu Công nghệ cao đang tập trung đẩy mạnh đầu tư thì tiến độ 3 KCN mới còn lại rất chậm chạp.
Nhiều cơ sở sản xuất xen lẫn trong khu dân cư mong muốn thuê hạ tầng các CCN để yên tâm sản xuất.

"Khát" mặt bằng sản xuất

Bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng cho biết, qua thống kê sơ bộ năm 2019 có khoảng 500 cơ sở sản xuất rải rác trong các khu dân cư có nhu cầu thuê mặt bằng trong các cụm công nghiệp (CCN) để sản xuất. Hiện nay, con số này đã gia tăng, cần có khảo sát, đánh giá nhu cầu tổng thể. Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, vấn đề di dời cơ sở sản xuất trong khu dân cư vào CCN đề cập nhiều nhưng giải quyết chưa căn cơ. Ông Triết nói: "Doanh nghiệp sản xuất trong khu dân cư thì cũng anh cấp phép, giờ gây ô nhiễm tiếng ồn, mùi hôi anh lại yêu cầu người ta đi chỗ khác, suốt ngày gõ cửa bắt họ chuyển đi. Nhưng mà đi đâu thì anh không chỉ ra được, không có chỗ. Những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ rất bức xúc việc này".

Cũng theo ông Triết, cơ cấu kinh tế Đà Nẵng tập trung vào thương mại, dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp trong đó khối dịch vụ, thương mại chiếm tỷ trọng lớn, gần 65%. Do cơ cấu như vậy nên đại dịch vừa qua kinh tế TP bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là khu vực dịch vụ, thương mại. Việc phát triển công nghiệp, tất nhiên có định hướng (công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh, ít ảnh hưởng môi trường) là giải pháp tạo cân bằng, bền vững. Vì vậy, tiếp trục phát triển các KCN, CCN trên địa bàn là chủ trương đúng, cần quyết liệt trong giai đoạn hiện nay.

Với định hướng đó, từ năm 2017 Đà Nẵng đã qui hoạch xây dựng 3 KCN mới tổng diện tích hơn 1 ngàn ha để tạo mặt bằng sản xuất cho nhà đầu tư. Tuy vậy, sau 5 năm, cả 3 KCN này vẫn dừng ở khâu thủ tục. Tương tự với các CCN, từ 3 năm trước TP cũng qui hoạch xây dựng CCN Cẩm Lệ hơn 29 ha, Hòa Nhơn 24,7ha, Hòa Khánh Nam hơn 13 ha. Mục đích để đáp ứng mặt bằng sản xuất cho DN nhỏ và siêu nhỏ của TP hiện đang sản xuất gây ô nhiễm trong các khu dân cư. Các DN này qui mô nhỏ, nhu cầu thuê diện tích đất hạn chế, phù hợp vào các CCN chứ chưa đủ tiêu chí vào KCN. Mặc dù vậy, đến nay vẫn chưa DN nào vào được CCN như mong muốn.

Ngoài Khu Công nghệ cao đang tập trung đẩy mạnh đầu tư thì tiến độ 3 KCN mới còn lại rất chậm chạp.

Tiến độ cứ ì ạch

Trong số các CCN nêu trên hiện mới chỉ có giai đoạn 1 của CCN Cẩm Lệ hoàn thành được 90%, tuy nhiên lại đang vướng cơ chế vận hành, cho thuê đất. Ông Ngô Ngọc Hậu, Phó Chủ tịch UBND Q.Cẩm Lệ cho biết cái vướng lớn nhất với CCN Cẩm Lệ hiện nay là cơ chế quản lý, vận hành, khai thác. TP đang xin T.Ư cơ chế giao cho TP quản lý CCN này để ký hợp đồng cho thuê hạ tầng với các nhà đầu tư. Lý giải rõ vướng mắc này, ông Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, do qui định hiện hành không được đầu tư công các khu, cụm công nghiệp (trừ những vùng đặc biệt khó khăn). CCN Cẩm Lệ đã được Đà Nẵng đầu tư bằng ngân sách từ trước đây, vì thế giờ vướng đến luật sử dụng, quản lý tài sản công, cho thuê, bố trí DN…

Hiện TP đang xin cơ chế đặc thù để xử lý vướng mắc này. Theo bà Lê Thị Kim Phương, sau khi có cơ chế đặc thù, gỡ vướng thì dự kiến cuối năm 2022 sẽ tiến hành cho nhà đầu tư thuê đất sản xuất, đưa CCN Cẩm Lệ giai đoạn 1 vào hoạt động. Còn giai đoạn 2 của CCN này hiện đã giải tỏa đền bù đạt 80%. Với CCN Hòa Nhơn, bà Phương cho biết, dự kiến sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng và chọn lựa nhà đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong năm nay, phấn đấu năm 2023 sẽ đưa CCN vào hoạt động

Tại CCN Hòa Khánh Nam rộng hơn 13 ha, ông Nguyễn Đăng Huy, Chủ tịch UBND Q.Liên Chiểu cho biết có 233 hồ sơ giải tỏa. Trong quá trình thực hiện CCN này vướng 1 phần đất quốc phòng, 1 phần trong ranh giới bán kính 1km của bãi rác Khánh Sơn. Hiện nay Q.Liên Chiểu đã thực hiện xong công tác thông báo thu hồi đất, triển khai kiểm định, trình TP phương án bố trí TĐC. Ông Huy cam kết giữa năm 2023 sẽ hoàn thành giải tỏa đền bù dự án CCN Hòa Khánh Nam.

Liên quan tiến độ đầu tư 3 KCN mới, ông Phạm Trường Sơn, Trưởng BQL Khu CNC và các KCN Đà Nẵng cho biết, hiện Thủ tướng đã phê duyệt chấp nhận chủ trương đầu tư KCN Hòa Cầm giai đoạn 2. BQL đang tham mưu TP kế hoạch triển khai, dự kiến giữa tháng 11 tới sẽ lựa chọn được nhà đầu tư, sau đó triển khai các thủ tục giải tỏa đền bù, đầu tư kết cấu hạ tầng. Về KCN Hòa Ninh hiện TP đang trình hồ sơ chấp thuật chủ trương đầu tư, các bộ ngành đang thụ lý, dự kiến quí 3 tới Thủ tướng sẽ xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư, đầu năm 2023 sẽ lựa chọn được nhà đầu tư. Về KCN Hòa Nhơn, BQL đề xuất tiến độ triển khai trong giai đoạn 2023-2025 sau khi rà soát lại qui hoạch phân khu và bố trí lại các cơ sở sản xuất phù hợp.

Rõ ràng tiến độ đầu tư các khu, cụm công nghiệp tại Đà Nẵng rất chậm chạp, chưa đáp ứng được mong mỏi của DN cũng như yêu cầu phát triển của TP. Theo ông Triết, phải xem thử tại sao các địa phương khác phát triển KCN nhanh và hiệu quả như thế mà Đà Nẵng thấy cái gì cũng khó khăn. Cần nghiên cứu lại cách làm, cách tiếp cận, phải chăng không phù hợp?

HẢI QUỲNH