ICC xét xử cựu Tổng thống Bờ Biển Ngà: Cuộc thử nghiệm quan trọng

Thứ sáu, 29/01/2016 09:56

(Cadn.com.vn) - Phiên tòa xét xử cựu Tổng thống Bờ Biển Ngà Laurent Gbagbo lần này được xem là bài toán thử nghiệm quan trọng cho Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC).

Mọi con mắt đổ dồn về trụ sở ICC tại The Hague, Hà Lan trong ngày 28-1- thời điểm tòa án này bắt đầu mở phiên xét xử đầu tiên nhằm vào cựu Tổng thống Bờ Biển Ngà Laurent Gbagbo – người bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại nhân loại. Đồng phạm của ông Gbagbo, cựu lãnh đạo lực lượng dân quân Charles Ble Goude, 44 tuổi, cũng bị đưa ra xét xử lần này.

Cựu Tổng thống Bờ Biển Ngà Laurent Gbagbo (ngồi giữa) xuất hiện tại tòa ICC hôm 28-1.
Ảnh: Reuters

Tại ngày mở màn phiên tòa vốn dự kiến sẽ kéo dài ít nhất 3 đến 4 năm, ông Gbagbo, 70 tuổi, xuất hiện khá thoải mái. Ông thậm chí mỉm cười và bắt tay những nhân viên an ninh tại đó. Theo BBC, sau khi nghe cáo trạng, vị cựu lãnh đạo này lập tức trả lời “tôi không có tội”. Theo cáo trạng, ông Gbagbo là nguyên nhân chính gây ra cuộc nội chiến đẫm máu ở nước này - vốn bùng nổ sau khi vị chính trị gia này thất bại trong cuộc bầu cử năm 2010. Cuộc xung đột dân sự kéo dài 4 tháng này khiến hơn 3.000 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.

Việc đưa ra xét xử cựu tổng thống và cựu thủ lĩnh lực lượng dân quân Bờ Biển Ngà trước ICC được coi là một bước tiến trong quá trình thực hiện dân chủ tại Châu Phi. Đây cũng được đánh giá là phiên tòa bước ngoặt, đánh dấu cuộc thử nghiệm quan trọng cho ICC – tòa án được thành lập nhằm mục tiêu truy tố các cá nhân phạm tội ác diệt chủng, chống lại loài người và tội ác chiến tranh, xâm lược. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, ICC cho đến nay vẫn chưa thể thực thi quyền tài phán xét xử các tội phạm xâm lược. Và trên thực tế, ông Gbagbo, 70 tuổi cũng là cựu lãnh đạo nhà nước đầu tiên trên thế giới bị xét xử tại ICC.

Vì vậy, còn đó rất nhiều thách thức cho ICC. Tại Bờ Biển Nga, cựu tổng thống Gbagbo vẫn còn ảnh hưởng rất lớn, làm dấy lên lo ngại, phiên xét xử này có thể khơi lại căng thẳng tại quốc gia Châu Phi này. Những người ủng hộ ông và nhiều nạn nhân của các vụ đụng độ năm 2010 đã cáo buộc giới chức điều tra ICC không công bằng khi chủ yếu nhắm mục tiêu vào ông Gbagbo mà bỏ qua “nhân tố Alassane Ouattara”. Tuy nhiên, Công tố viên trưởng ICC, Fatou Bensouda, bác bỏ những cáo buộc này. “ICC sẽ làm mọi việc để đảm bảo công lý và trách nhiệm giải trình của tất cả các bên”, bà cho biết trước khi diễn ra phiên tòa. Theo bà Bensouda, ICC cũng đã vào cuộc điều tra lực lượng thân ông Ouattara.

Ông Ouattara là nhân vật đã giành chiến thắng trước đương kim Tổng thống Gbagbo trong cuộc bầu cử vào tháng 11-2010. Thách thức đặt ra lúc đó là ông Gbagbo không thừa nhận kết quả bỏ phiếu với lý do có sự gian lận và vi phạm bộ luật bầu cử. Nhà lãnh đạo này ngay lập tức tiến hành các vụ bắt giữ, giam cầm và hành quyết những người ủng hộ ông Ouattara và các phe phái đối lập, gây ra cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất lịch sử Bờ Biển Ngà. Tổng thống Ouattara chỉ có thể tuyên bố nhậm chức nhờ sự can thiệp quân sự của chính quyền Pháp, chấm dứt cuộc chiến dân sự kéo dài 4 tháng.

Cựu Tổng thống Gbagbo, cựu giáo sư đại học, lên nắm quyền tại quốc gia sản xuất cacao lớn nhất thế giới này vào năm 2000 trong cuộc bỏ phiếu mà ông mô tả là “tai hại”. Sau đó, ông nắm quyền trong 10 năm mà không tổ chức bất kỳ cuộc bầu cử nào cho đến năm 2010. Trong cuộc đua năm 2010, ông Gbagbo dẫn đầu ở vòng bầu cử đầu tiên với 38% số phiếu ủng hộ trước khi bất ngờ để thua đối thủ Ouattara trong vòng 2. Sau đó, ông vẫn nuôi hy vọng có thể “đảo ngược tình thế” với việc liên tục cáo buộc bầu cử gian lận, không công bằng về yêu cầu hủy bỏ kết quả.

Lực bất tòng tâm. Và giờ đây, vị chính trị gia từng làm mưa làm gió ở Bờ Biển Ngà đang đối mặt với án tù chung thân nếu bị kết tội. Tuy nhiên, cho đến nay, vị cựu lãnh đạo này vẫn kiên quyết bác bỏ mọi tội danh.

Khả Anh