Israel xích lại gần Nga

Thứ sáu, 10/03/2017 10:09

(Cadn.com.vn) - Chuyến thăm Nga của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, bắt đầu hôm 9-3, cho thấy Moscow hiện nay quan trọng hơn bao giờ hết trong tính toán chiến lược của quốc gia Do Thái.

Tổng thống Nga Vladimir Putin có cuộc gặp gỡ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vào ngày 9-3 tại Moscow. Trọng tâm trên bàn thảo luận là cuộc chiến Syria và đặc biệt là lo ngại của Israel về nguy cơ đến từ nhóm vũ trang Hezbollah vốn được Iran hậu thuẫn.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) tiếp đón Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (trái)
tại Điện Kremlin hôm 9-3. Ảnh: AFP

Cuộc chiến Syria

Việc Nga can thiệp vào cuộc chiến Syria đã khiến các nhóm khủng bố trở nên yếu thế trong khi vị thế của Tổng thống Bashar Al-Assad ngày càng được củng cố. Điều này cho thấy, việc thay đổi chế độ ở Syria như đòi hỏi của Mỹ và các đồng minh phương Tây sẽ không sớm xảy ra. Chính nó cũng biến đổi môi trường chiến thuật hoạt động của Không quân Israel. Các cuộc tuần tra của Nga cùng với hệ thống radar phức tạp và các hệ thống phòng không rõ ràng làm hạn chế hoạt động của Không quân Israel ở vùng trời qua Syria.

Vì vậy, ông Netanyahu và Putin có rất nhiều điều để thảo luận. Thật vậy, họ đã có những cuộc họp quan trọng thường xuyên. Trên thực tế, Thủ tướng Netanyahu nhanh chóng chuyển hướng đến với Moscow sau khi Nga quyết định can thiệp quân sự tại Syria vào năm 2015. Tất nhiên, quan điểm của Moscow về Trung Đông luôn quan trọng đối với Tel Aviv. Nga là thành viên thường trực quyền lực của HĐBA LHQ. Moscow cũng có ảnh hưởng lớn trong khu vực, nhất là đối với Syria và Iran. Trên thực tế Nga đã thay thế Mỹ như là nhân tố chủ chốt để giải quyết khủng hoảng ở Syria.

Tương lai Israel sẽ bị ảnh hưởng bởi các đối tác chính bên ngoài như Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, nhưng quan trọng là Nga, quốc gia mà Israel tin tưởng có thể giúp họ giải quyết các mối quan tâm chiến lược.

Vấn đề Hezbollah

Thực ra, Israel hầu như không quan tâm nhiều đến số phận của Tổng thống Assad. Mối lo chính của Tel Aviv là những gì xảy ra ở khu vực biên giới gần Cao nguyên Golant do Israel nắm giữ. Quốc gia Do Thái lo ngại các nhóm cực đoan sẽ thâm nhập vào khu vực hoặc các lực lượng địa phương sẽ tuyên bố ủng hộ IS. Ví dụ điển hình là Lữ đoàn Yarmuk - lực lượng dân quân địa phương đang nắm giữ lãnh thổ đối trọng với Israel ở phần phía nam của Syria gần biên giới Jordan.

Trong chuyến đi đến Cao nguyên Golant gần đây, các chỉ huy quân sự cao cấp của Israel lo rằng, Hezbollah và các lực lượng dân quân Shitte khác có thể tiếp cận khu vực biên giới, mở ra mặt trận mới giữa Tehran và Tel Aviv. Các mặt trận trong cuộc chiến tranh trong tương lai giữa Israel và Hezbollah có thể được mở rộng từ bờ biển Địa Trung Hải dọc biên giới Israel và Lebanon đến Syria và khiến cuộc xung đột ngày càng khốc liệt hơn. Vì vậy, thông điệp chính của Thủ tướng Netanyahu trong chuyến đi đến Nga lần này là, trong bất kỳ thỏa thuận hòa bình mang tính giả định nào ở Syria, các lực lượng ủng hộ Iran nên trở về nhà hoặc ít nhất cũng bị bắt buộc phải tránh xa khu vực biên giới.

Ngoài ra, Israel rất mong muốn duy trì phối hợp quân sự với Nga để tránh va chạm trên không với Syria. Tel Aviv cũng muốn Nga giúp ngăn chặn các hệ thống vũ khí tinh vi được giao cho Hezbollah. Giới chuyên gia quân sự cho biết, hầu hết các loại vũ khí hiện đại mà Hezbollah có được là do Iran cung cấp. Vì vậy, Israel hy vọng Moscow có thể đóng vai trò phá vỡ ảnh hưởng ngày càng tăng của Tehran trong khu vực. Vai trò của Iran gần đây trở thành yếu tố then chốt trong cuộc đối thoại giữa ông Netanyahu và chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nhưng Israel xem ra vẫn rất cần đến sự giúp đỡ của Nga.

Khả Anh