Kể chuyện 7 Dũng sĩ Điện Ngọc

Thứ năm, 09/04/2015 08:00

* KỲ 1:  XUẤT THÂN

(Cadn.com.vn) - Ngày 27-3-2015, ngày huyện Điện Bàn trở thành thị xã của tỉnh Quảng Nam, tôi có dịp  đi qua Tượng đài kỷ niệm 7 Dũng sĩ Điện Ngọc uy nghi tọa lạc tại Ngã ba Điện Ngọc. 53 năm trôi qua, tôi may mắn gặp lại một trong 7 Dũng sĩ Điện Ngọc còn sống, còn nhớ những ngày hôm qua và kể lại những gì còn đinh ninh trong đầu...

Ông Nguyễn Tám hiện nay.

Năm 1954, khi Nguyễn Tám tròn 20 tuổi thì không may cha mẹ qua đời. Hai anh em Bảy và Tám sống trong căn nhà tranh ba gian cha mẹ để lại với 7 sào ruộng và một con trâu cày. Tám nhớ mẹ tên là Đồn, dân làng thường gọi theo tên người con gái đầu là ông Toại, bà Toại. Cha mẹ Tám làm nghề mổ heo, ở quê gọi là bảy đáp. Vì vậy, anh Bảy ở nhà gọi là Đáp lớn, Tám là Đáp nhỏ. Sau Hiệp định Genève năm 1954 hai anh em Tám có dịp tiếp xúc với những cán bộ nằm vùng ở quê lúc bấy giờ là anh Rùa (bí danh Phan Quy), anh Cát có tên mới là Trần Thận (nguyên Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà), anh Kỷ (Trần Ích), anh Hảo (Đào Hồng Anh), anh Thiều (Lưu Lộc, từng là Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên), anh Lê Đình Phúc, anh Phan Bổn.

Một trong những cán bộ trụ lại đó gây cho anh ấn tượng và nhớ mãi là Phan Bổn. Anh Bổn bị địch bắt đem vào Đèo Đá Mái chặt đầu treo trên cây, không người dân nào dám đến kể cả người thân trong gia đình. Để tiếp xúc làm liên lạc và giúp đỡ  cán bộ nằm vùng, hai anh em Bảy và Tám ngoài việc vào rừng chặt củi gánh xuống chợ Trà Kiệu bán mua mắm, muối, cùng con trâu cày cấy mấy sào lúa, trồng một đám khoai trong vườn còn có một cái nghề bắt cá bằng cái nhớ tay, như là cái vợt. Lội đồng bắt cá để có cá tươi ăn, nhưng quan trọng hơn là có thể đi lại một cách tự nhiên từ làng vào rừng, lội từ đồng này qua ruộng kia để mang thức ăn và tin tức cho cán bộ nằm vùng. Lúc bấy giờ sợ nhất là bọn “ngóc đầu dậy”. Nơi nào có lính bảo an, lính biệt kích đến đóng đồn là có người đến tiếp tay, cộng tác. Dân làng gọi số người này là bọn “ngóc đầu dậy”.

Bọn này mà theo dõi thì khó qua mắt chúng. Chúng đặc biệt chú ý đến những ai không cộng tác với chính quyền mới. Tên Ba Thi con bà Thi ở trong làng cứ hăm dọa và đòi bắt anh em Tám. Nguyễn Tám sinh năm 1935, đã đến tuổi quân dịch nên kiếm tiền chạy làm giấy khai sinh sinh năm 1940 để thoát đi lính. Hai năm sau thì tuổi quân dịch lại đến. Thấy khó sống hợp pháp bởi ở trong làng mà không cộng tác với chúng, hai anh em quyết định rời làng đi làm ăn. Để con trâu ở nhà cho ông anh họ, anh em Tám mượn ít tiền đem theo làm vốn, xuống Trà Kiệu mua một cái valy về đựng áo quần, nói với dân làng là vào Nam làm ăn. Chia tay làng Nhuận Sơn xã Xuyên Phú, hai anh em lội bộ xuống Ga Trà Kiệu mua vé tàu hỏa đi Quy Nhơn. Vào tới Ga Phù Cát thì xuống tàu vào một nhà dân tên là Hai Nu xin tá túc. Nhà gần sông nên hai anh em quyết định lấy tiền mua tre, dựng cái trại bên bờ sông, mua một trăm con vịt con về nuôi. Trúng liền hai vụ vịt thì nghe địch  tuyển quân dịch.

Sau khi bắt liên lạc được với các anh chị cán bộ ở quê, hai anh em bán hết vịt lại trở về quê. Đi thì công khai, về thì bán công khai vì trong va ly có dây dù cột võng và vải KT may võng. Xuống Ga Trà Kiệu, đi bộ lên đến chợ La Tháp thì không theo đường chính mà băng ruộng tránh xóm nhà sợ gặp người quen, về quê ngoại họ Trần ở Mỹ Sơn. Đó là xóm nhà của anh em các cậu Trần Đạo (sau này từng làm Phó Ban Tuyên huấn Quảng Đà), Trần Phong, Trần Sa, Trần Sơ. Ở nhà các cậu mợ, các anh chị làm thịt hai con gà làm mỳ Quảng liên hoan chia tay. Nhớ hôm liên hoan có anh Bé, tức anh Phan Cường, anh Phan Bổn. Các anh bố trí anh Cây làm người dẫn đường đưa hai anh em vào Khe Thẻ dưới chân Hòn Đền-chân Tháp Mỹ Sơn. Sau một thời gian tham gia Đội vũ trang tuyên truyền rồi Đội vũ trang H. Duy Xuyên dưới sự chỉ huy của Lưu Lộc đánh đồn Thu Bồn, cùng với Nguyễn Văn Dương (sau này từng làm Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên) diệt tên ác ôn Trần Toàn thì trên điều hai anh em Tám về H.29- Đại đội đặc công của tỉnh.

Nguyễn Tám còn nhớ tên những chiến sĩ cùng đơn vị ngày ấy: Nguyễn Thành Tư, Tấn, Lê Lung quê Bình Định, Bảy Búa, người Điện Thắng, Vân người Điện Hòa, Kiều Sơn Đen, Vấn từng là Chính trị viên. Người để lại cho Tám một ấn tượng đầu tiên khó phai là anh Bảy Búa. Gặp Nguyễn Tám, Bảy Búa nhìn đăm đăm. Tám hỏi “sao anh Búa nhìn em kỹ rứa?”. “Tau thấy mi giống thằng em của tau quá”. Từ đó, theo yêu cầu của đơn vị, mỗi người đặt cho mình một cái tên mới. Anh Bảy Búa bảo Tám đặt tên mới là Rìu, tên của em anh Bảy. Từ đó, Nguyễn Tám có tên mới là Tám Rìu. Hai anh em vẫn cùng đơn vị, anh Bảy làm liên lạc cho đơn vị, sau này làm liên lạc cho thủ trưởng Lê Lung đến đánh trận Ba Gia thì anh Bảy hy sinh.

Mỗi lần nhớ anh Bảy, nghĩ đến anh Bảy, Tám lại ứa nước mắt. Nhớ và thương nhất là lần Tám bị thương ở trận Điện Ngọc. Nghe đơn vị nói với nhau tổ của Lê Tấn Hiền đánh ở Điện Ngọc bị thương và chết gần hết, anh Bảy xin đơn vị xuống đồng bằng tìm thăm em Tám. Từ dưới chân Dốc Bút-cái dốc cao nối núi rừng Quảng Đà và rừng núi Thừa Thiên, lội xuống vùng A Đại Lộc. Nghe Đội trưởng Lê Tấn Hiền cũng bị thương nhưng nhẹ hơn được đưa qua vùng B. Còn Võ Như Hưng và Nguyễn Tám thì còn nằm lại Điện Hòa. Địch càn, đường tắt không tài nào vượt qua được Cái mới đành lui về chân Dốc Bút. Sau này Tám nghe anh em cùng đơn vị với anh Bảy kể lại, anh Bảy vừa đi vừa khóc từ bến đò Phú Thuận lên đến chân Dốc Bút. Thế rồi anh Bảy theo Lê Lung vào Quảng Ngãi chiến đấu đến năm 1965 thì hy sinh. Không biết trước khi chết anh Bảy có biết em Tám còn sống không?

Hồ Duy Lệ
(còn nữa)