Kẻ thù của Brexit bủa vây bà May

Thứ tư, 20/06/2018 12:31

Bà Theresa May đang bị bủa vây với nhiều thách thức. Một mặt, Thủ tướng Anh đối diện với Liên minh Châu Âu (EU), vốn đang “mài dao” để quyết tâm bảo vệ liên minh hiện còn lại 27 thành viên với mục tiêu chống lại London trong các cuộc đàm phán về Brexit (Anh rời khỏi EU). Ở phía bên kia là đảng Bảo thủ đối lập ở trong nước, chia thành hai “bộ tộc” thù hận, hoặc một trong số đó có thể lật đổ bà ra khỏi chiếc ghế quyền lực.

Mới đây, Bộ trưởng Tư pháp Phillip Lee trong chính phủ của Thủ tướng May đã từ chức trước thềm một cuộc tranh luận quan trọng của Quốc hội về dự luật liên quan Brexit. Bộ trưởng Phillip Lee theo đường lối bảo thủ đã từ chức để có thể phản đối chính sách Brexit. Ông Lee cho rằng, chính phủ hầu như không thể giúp mang lại đủ sự thay đổi cho tiến trình mà Anh đang bị ràng buộc.

Dự kiến, chính phủ mong manh của bà May sẽ cố gắng đánh bại một cuộc nổi loạn của các nghị sĩ ủng hộ EU và bãi bỏ sự thay đổi đối với phần quan trọng của dự luật Brexit khi vấn đề này được đưa ra thảo luận trước Hạ viện. Chính phủ hiện đang tìm cách chống lại các thay đổi này, vốn nhằm mục đích nới lỏng các điều khoản Brexit. Chính phủ lo ngại rằng, vị thế thương lượng bị suy yếu. Vấn đề ở đây là hồi đầu tháng 5, Thượng viện Anh bỏ phiếu thông qua điều khoản cho phép Quốc hội ngăn chặn hoặc trì hoãn thỏa thuận Brexit cuối cùng. Cơ quan lập pháp này cho rằng, dự luật rút khỏi EU chỉ là văn kiện kỹ thuật nhằm biến luật của EU thành luật Anh và đảm bảo tiến trình Brexit diễn ra thuận lợi. Chính phủ Anh bày tỏ thất vọng trước các quyết định có thể cản trở hoặc trì hoãn tiến trình này của Thượng viện Anh.

Và cuộc “nội chiến” này có nguy cơ làm bùng nổ khủng hoảng một lần nữa tại Quốc hội, với các cuộc đụng độ quan trọng sẽ quyết định có bao nhiêu nghị sĩ quyền lực có thể định hình được thỏa thuận Brexit cuối cùng. Có nhiều lo ngại cho rằng, cánh ủng hộ EU, do cựu Tổng chưởng lý Dominic Grieve dẫn đầu, sẽ giành chiến thắng. Một số người cảnh báo bà May có thể bị lật đổ nếu Quốc hội bỏ phiếu quyết định buộc bà quay trở lại bàn đàm phán, thay vì cho phép Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận nào. Những người ủng hộ Brexit nồng nhiệt nhất sẽ vui vẻ rời đi mà không cần có một thỏa thuận nào trong khi ông Grieve cảnh báo sẽ phản đối điều đó, ngay cả khi nó dẫn đến sự sụp đổ của chính phủ Thủ tướng May.

THANH VĂN