Kenya bầu Tổng thống, hy vọng thay đổi

Thứ tư, 09/08/2017 11:54

Ngày 8-8, người dân Kenya đến các điểm bầu cử trên cả nước để bỏ phiếu bầu tổng thống mới. Đây là cuộc đua giữa Tổng thống đương nhiệm Uhuru Kenyatta và cựu Thủ tướng Raila Odinga.

Cử tri Kenya đi bầu để lựa chọn ông Uhuru Kenyatta (trái) hoặc ông Raila Odinga
trở thành tổng thống nước này.
   Ảnh: CNN

"Tôi đã ở đây khoảng 2 giờ đồng hồ. Tôi đến từ 6 giờ để thực hiện quyền dân chủ và mang lại sự thay đổi cho đất nước này", một người đàn ông đứng xếp hàng tại một phòng phiếu ở Hạt Busia ở khu vực biên giới với Uganda cho biết. Phát ngôn viên của Ủy ban Bầu cử độc lập và Biên giới (IEBC), ông Andrew Limo, cho biết có hơn 40.000 điểm bỏ phiếu trong cả nước và số cử tri đi bầu "rất lớn".

Cuộc đua song mã

Đây là lần thứ tư ông Raila Odinga, từng là thủ tướng giai đoạn 2008-2013, tranh cử tổng thống. Ông là 1 trong 8 ứng viên tổng thống và là thách thức chính của tổng thống đương nhiệm. Trong khi đó, ông Kenyatta, 55 tuổi, lãnh đạo Liên minh Jubilee, đang tìm kiếm nhiệm kỳ 5 năm lần 2, là tổng thống trẻ nhất của Kenya. Nếu thua cuộc trong cuộc bầu cử lần này, ông Kenyatta là vị tổng thống đương nhiệm duy nhất của Kenya không giành chiến thắng trong cuộc tái tranh cử.

Hai ứng viên sáng giá này đều xuất thân từ các gia đình chính trị hàng đầu. Cha của ông Kenyatta, ông Jomo Kenyatta, là tổng thống đầu tiên của Kenya trong khi cha của ông Odinga, ông Jaramogi Odinga, từng là cấp phó của ông Jomo Kenyatta. Hai nhà lãnh đạo này đã dẫn dắt Kenya sau khi nước này giành được độc lập từ Anh năm 1963. Đây không phải là lần đầu tiên hai ông Kenyatta và Odinga là đối thủ của nhau. 5 năm trước, ông Odinga kiện lên Tòa án tối cao yêu cầu xem xét lại kết quả bầu cử sau khi ông Kenyatta đánh bại ông. Ông Odinga cáo buộc đảng của ông về gian lận bầu cử, nhưng tòa án đã bác bỏ cáo buộc này.

Hồi đầu tháng này, ông Kenyatta cáo buộc ông Odinga đang tìm cách gây chia rẽ quốc gia và kích động bạo lực, trong khi thủ lĩnh phe đối lập cho rằng, ông Kenyatta âm mưu dàn xếp cuộc bỏ phiếu lần này.

Trong các chiến dịch vận động tranh cử, cả hai ứng viên đều hứa cải thiện nền kinh tế và chống tham nhũng, một vấn đề chính của chính phủ hiện nay. Ông Kenyatta đã hứa sẽ tạo ra 1,3 triệu việc làm, giảm chi phí sinh hoạt và giải quyết bất bình đẳng về kinh tế. Ông Odinga tuyên bố chống tham nhũng, tạo việc làm cho thanh thiếu niên và thiết lập các chương trình để cải thiện an ninh lương thực.

Để giành chiến thắng hoàn toàn, ứng viên phải đạt 50% số phiếu, cộng với một - cũng như ít nhất 25% phiếu bầu trong một nửa của tổng cộng 47 hạt của Kenya.

Lo sợ bạo lực

Cuộc bầu cử năm 2013 diễn ra hòa bình, nhưng một thập kỷ trước, Kenya đã rơi vào tình trạng bạo động lan rộng sau cuộc bỏ phiếu năm 2007. Hơn 1.000 người thiệt mạng trong nhiều tháng sau cuộc bầu cử khi ông Odinga - bị Tổng thống Mwai Kibaki đánh bại - tuyên bố cuộc bỏ phiếu đã bị thao túng. Những người ủng hộ ông xuống đường, biểu tình sau đó leo thang thành bạo lực đẫm máu.

Việc một quan chức phụ trách giám sát công nghệ thông tin của IEBC thiệt mạng chỉ một tuần trước khi cuộc bầu cử bắt đầu, làm dấy lên lo sợ xảy ra bạo lực. Nhiều người dân Kenya lo tích trữ thức ăn và nước uống. Nhưng những người khác bày tỏ hy vọng bầu cử diễn ra hòa bình. Jane Wambugu, người sống ở Nairobi, cho biết: "Chúng tôi đã học được bài học năm 2007. Tôi đã mua đủ lương thực trong 2 tuần. Nhưng tôi hy vọng sẽ không cần đến chúng".

Cuộc bầu cử Tổng thống Kenya lần này được cho là rất quan trọng để duy trì sự ổn định kinh tế khu vực. Là nền kinh tế lớn nhất ở Đông Phi, Kenya là tuyến đường thương mại quan trọng đối với các khu vực còn lại của lục địa này. Sự ổn định của Kenya giúp mang lại sự ổn định cho một khu vực mà chính phủ Somalia đang gặp khó khăn, Sudan và Nam Sudan bất ổn về chính trị. Kenya cũng là một đồng minh quan trọng của Mỹ trong cuộc chiến chống phiến quân Hồi giáo ở Somalia, nơi quân đội của nước này chiến đấu chống các tay súng Al-Shabaab trong nhiều năm qua.

AN BÌNH (Theo CNN)