Kết thúc xét xử "đại án" tham nhũng tại Vinalines: Tuyên tử hình Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc

Thứ ba, 17/12/2013 09:14

(Cadn.com.vn) - Sau 3 ngày xét xử và hơn 1 ngày nghị án, chiều 16-12, HĐXX TAND TP Hà Nội đã tuyên án đối với bị cáo Dương Chí Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines) và đồng phạm về các tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản".

Các bị cáo nghe HĐXX tuyên án.

Vinalies- "Con tàu... rỗng" dưới thời Dũng, Phúc

Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) được thành lập ngày 29-4-1995, với vốn điều lệ 1.496 tỷ đồng. Ngày 25-6-2010, Thủ tướng Chính phủ có quyết định chuyển Cty mẹ (Vinalines) thành Cty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu. Từ năm 2000-2005, tổng vốn đầu tư cho đội tàu đạt 7.200 tỷ đồng, mức tăng trưởng bình quân sản lượng giai đoạn này (5 năm) đạt 10%/năm, doanh thu khai thác cảng biển bình quân 10%/năm. Đến ngày 31-12-2005 vốn Nhà nước tại Vinalines đạt 3.300 tỷ đồng (tăng 46% so với cuối năm 2000).

Từ tháng 8-2005, Dương Chí Dũng về "chấp chính" Vinalines, đến cuối năm 2008 đầu 2009 kết quả vận tải biển của Vinalines bắt đầu giảm sâu. Cuối năm 2010, tỷ lệ nợ của Vinalines bằng 4,27 lần vốn điều lệ, hiệu quả kinh doanh giảm dần do chi phí lãi vay, vốn đầu tư hiệu quả thấp. Đến cuối năm 2012, vốn chủ sở hữu của Vinalines là 9.411 tỷ đồng, tổng tài sản là 55.853 tỷ đồng, nợ phải trả 43.135 tỷđồng.

Trong vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản" tại Vinalines, cáo trạng của VKS nêu rõ: Từ đầu năm 2007 đến cuối năm 2008, Vinalines triển khai dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam và quyết định việc mua ụ nổi 83M (một hạng mục quan trọng trong dự án), gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 366 tỷ đồng, tham ô hơn 28 tỷ đồng. Cụ thể, các bị cáo trong vụ án đã móc ngoặc với Cty AP (Singapore) nâng giá khống số tiền mua ụ nổi (9 triệu USD). Tổng mức đầu tư chiếc ụ nổi này do Dương Chí Dũng ký quyết định phê duyệt là gần 20 triệu USD. Trên thực tế, ụ nổi 83M do Nhật Bản sản xuất từ năm 1965, đã 43 tuổi, bị hư hỏng nhiều và không còn hoạt động, được bán với giá 2,3 triệu USD. Dương Chí Dũng và các đồng phạm biết rõ chiếc ụ nổi này hư hỏng nhiều, không hoạt động được, không đủ điều kiện để lưu hành nhưng vẫn tìm cách móc nối với nhau để hợp thức hóa thủ tục đưa ụ nổi về Việt Nam.

Với thương vụ trên, Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều, Trần Hải Sơn được đối tác nước ngoài "lại quả" 1,66 triệu USD (khoảng hơn 28 tỷ đồng). Trong đó, Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc được chia mỗi người 10 tỷ đồng, Trần Hải Sơn hơn 7,8 tỉ đồng và Trần Hữu Chiều 340 triệu đồng...

Dương Chí Dũng                         ---                           Mai Văn Phúc

Hai án tử và 83 năm tù cho các bị cáo

Trong vụ án này, các bị cáo Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hải Sơn, Trần Hữu Chiều bị truy tố cả hai tội danh đã nêu; 6 bị cáo còn lại bị truy tố tội danh "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Trong đó, bị cáo Dương Chí Dũng được xác định là chủ mưu; Mai Văn Phúc xác định vai trò cầm đầu; Trần Hữu Chiều và Trần Hải Sơn được xác định là đồng phạm giúp sức tích cực trong việc mua ụ nổi 83M gây thiệt hại 367 tỷ đồng và tham ô 1,66 triệu USD.

Riêng Dương Chí Dũng sau khi biết bị khởi tố, đã trốn ra nước ngoài và bị bắt sau đó. Hành vi này thể hiện sự trốn tránh trách nhiệm và gây khó khăn cho công tác điều tra, HĐXX xem đây là tình tiết tăng nặng đối với bị cáo Dũng.

Sau khi đánh giá tính chất, mức độ nghiêm trọng hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ án, HĐXX tuyên phạt: tử hình hai bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc (cựu Tổng Giám đốc Vinalines) về tội "Tham ô tài sản" và "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Cùng phạm hai tội danh trên, các bị cáo: Trần Hải Sơn (nguyên Giám đốc Cty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines) bị phạt 22 năm tù giam; Trần Hữu Chiều (nguyên Phó Tổng Giám đốc kiêm Trưởng BQL dự án mua ụ nổi 83M) bị 19 năm tù.

Nhóm bị cáo bị tuyên phạm tội "Cố ý làm trái quy định Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng": Bùi Thị Bích Loan (nguyên kế toán trưởng Vinalines) bị phạt 4 năm tù, Lê Văn Dương (đăng kiểm viên) bị phạt 7 năm tù; Mai Văn Khang (cán bộ BQL dự án Vinalines) 7 năm tù; 3 bị cáo nguyên là cán bộ Chi cục Hải quan Tân Phong (Khánh Hòa) gồm: Lê Ngọc Triện, Lê Văn Lừng, Huỳnh Hữu Đức cùng bị phạt 8 năm tù/bị cáo.

"Tổng kết" đại án tham nhũng tại Vinalines. (ảnh: S.T)

Truy thu hàng trăm tỷ đồng

Về phần dân sự, tòa tuyên buộc các bị cáo đã tham ô tài sản phải nộp lại hơn 28 tỷ đồng đã chiếm đoạt, buộc các bị cáo phạm tội cố ý làm trái liên đới bồi thường thiệt hại cho Nhà nước. Cụ thể, buộc Dương Chí Dũng phải nộp lại 10 tỷ đồng tham ô tài sản, bồi thường 100 tỷ đồng về hành vi cố ý làm trái; bị cáo Mai Văn Phúc phải nộp lại 10 tỷ đồng tham ô tài sản, bồi thường 100 tỷ đồng về hành vi cố ý làm trái; bị cáo Trần Hải Sơn nộp lại 7 tỷ đồng tham ô tài sản, liên đới bồi thường 39 tỷ đồng về hành vi cố ý làm trái; bị cáo Trần Hữu Chiều nộp lại 340 triệu đồng tham ô tài sản, bồi thường 39 tỷ đồng do cố ý làm trái gây thiệt hại cho Nhà nước.

HĐXX cũng tuyên buộc các bị cáo phạm tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" còn lại phải liên đới bồi thường số thiệt hại gây ra gồm: Mai Văn Khang bồi thường 12 tỷ đồng, Bùi Thị Bích Loan 6 tỷ đồng, Lê Văn Dương 15 tỷ đồng. Các bị cáo Huỳnh Hữu Đức, Lê Văn Lừng và Lê Ngọc Triện mỗi người có trách nhiệm bồi thường 9 tỷ đồng.

N.T