"Kêu cứu" từ lòng đất

Thứ ba, 09/04/2019 12:05

- Hai nghĩ, ở khía cạnh nào đó mọi sự vật, hiện tượng đều có "tiếng nói" của nó. Đơn cử như chuyện "kêu cứu" của hệ thống làng hầm Vĩnh Linh (Quảng Trị) là một ví dụ.

Một căn hầm địa đạo có nguy cơ xuống cấp nghiêm trọng.

- Hai Vĩnh Linh có điều chi trăn trở?

- Là vầy, hiện nay nhiều căn hầm địa đạo nằm rải rác ở phía đông Vĩnh Linh đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh nhưng qua thời gian xuống cấp lắm rồi, lại nằm trong khu dân cư, trên đất sản xuất, cây cối um tùm nên gần như bị phủ lấp, khó nhận diện. Nhiều di tích khác ở rú, khe, đường sá khó khăn, ít ai tiếp cận dần như bị quên lãng mà việc tôn tạo, bảo vệ di tích cũng gặp khó khăn.

- Vì sao nên nỗi vậy Hai Vĩnh Linh?

- Một phần do trước đây nhiều di tích được công nhận đặc cách nên không lập hồ sơ khoa học và đất đai nên hiện nay gặp rất nhiều vướng mắc.

- Vướng như thế nào?

- Mặc dù người dân quê Hai rất ủng hộ việc tôn tạo, bảo tồn giá trị lịch sử của những di tích hầm địa đạo đã được công nhận tại địa phương nhưng cần có giải pháp hợp lý. Thực tế khi các di tích địa đạo nằm dưới lòng đất, xuyên qua nhiều vườn nhà dân, đất sản xuất thì công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích cần được cân nhắc kỹ, đảm bảo lợi ích cho người dân.

- Nếu không kịp tôn tạo, bảo tồn thì nhiều di tích sẽ xuống cấp nghiêm trọng hơn, nguy cơ thành... phế tích thì xót lắm!

- Bởi vậy Hai nghĩ ngành văn hóa và chính quyền địa phương cần phối hợp hành động ngay, từng bước tháo gỡ những vướng mắc. Trong một số trường hợp cũng có thể vận động người dân hiến đất để mở rộng bảo tồn, Hai tin chắc người dân sẽ ủng hộ.

- NXD cũng hy vọng và tin tưởng vậy, bởi đây là di sản lịch sử, văn hóa đặc thù, độc đáo có ý nghĩa vô cùng to lớn trong giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, đồng thời góp phần thu hút khách du lịch đối với địa phương.

N.X.D