Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII:

Khắc phục tình trạng thủ trưởng lảng tránh phiên tòa

Thứ tư, 24/06/2015 07:14

(Cadn.com.vn) - Ngày 23-6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật tố tụng hành chính (sửa đổi).

Tham gia phát biểu ý kiến, Trưởng đoàn ĐBQH Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa cho rằng, Điều 54 Luật tố tụng hành chính hiện hành cho phép đương sự được ủy quyền. Do đó, một số thủ trưởng cơ quan nhà nước khi bị kiện ra Tòa hành chính không trực tiếp tham gia tố tụng mà ủy quyền cho cấp dưới. Vì vậy, người được ủy quyền không xác định được quyền và nghĩa vụ của mình mà chỉ đến Tòa án cho có lệ nên thái độ đôi lúc không hợp tác khai báo, không cung cấp chứng cứ cần thiết, đồng thời cũng không có thẩm quyền quyết định, dẫn đến tình trạng kéo dài thời hạn xét xử và là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến án quá hạn luật định.

Để khắc phục tình trạng trên, đại biểu Huỳnh Nghĩa đề nghị luật cần quy định chặt chẽ theo hướng, thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước chỉ được ủy quyền cho cấp phó, có liên quan đến lĩnh vực khởi kiện, có chức năng quản lý về lĩnh vực mà người dân khởi kiện. Riêng đối với Ủy ban nhân dân các cấp thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân chỉ được ủy quyền cho Phó Chủ tịch hoặc Ủy viên Ủy ban nhân dân cùng cấp. Đồng thời, cần quy định chế tài đối với người tham gia tố tụng không chịu hợp tác, gây khó khăn, làm cho việc giải quyết vụ án hành chính của Tòa án kéo dài, quá hạn luật định. Đây là vấn đề cốt lõi, thể hiện sự công bằng giữa bên khởi kiện là người dân và bên bị kiện là người đại diện cho nhà nước, đã ra Tòa là có quyền và nghĩa vụ ngang nhau.

Thảo luận về những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân, nhiều ý kiến cho rằng Luật tố tụng hành chính được ban hành năm 2010 đã mở rộng thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân đối với các khiếu kiện hành chính. Vì vậy, cần giữ như quy định hiện hành.

Đối với một số ý kiến đề nghị cần mở rộng hơn nữa thẩm quyền của Tòa án đối với khiếu kiện hành chính, cụ thể là Tòa án có thẩm quyền giải quyết cả khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức kể cả các quyết định kỷ luật đối với cán bộ, công chức (mà không chỉ giới hạn quyết định kỷ luật buộc thôi việc như hiện nay), đại biểu Đặng Công Lý có quan điểm không cần quy định mở rộng hơn nữa, vì như vậy sẽ can thiệp quá sâu vào quản lý hành chính Nhà nước của cơ quan tổ chức. Quy định như dự thảo luật là hợp lý.

Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh đề nghị giữ nguyên như hiện hành là phù hợp, không nên quy định thêm về thẩm quyền giải quyết khiếu kiện về quyết định hành chính và hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan tổ chức. Theo đại biểu không nên quy định thêm vì phạm vi quá rộng, can thiệp quá sâu vào quản lý hành chính nhà nước của cơ quan tổ chức, ảnh hưởng tới hoạt động tự do, tự chủ, tự quản của cơ quan tổ chức này.

Đối với khiếu kiện quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc cơ sở cai nghiện bắt buộc, đã được quy định trong Pháp lệnh trình tự xem xét quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, nhiều ý kiến tán thành với việc loại trừ các khiếu kiện quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính của Tòa án ra khỏi đối tượng khởi kiện các vụ án hành chính như quy định trong dự thảo Luật.

Cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật trưng cầu ý dân.

Thu Thủy - Phạm Hữu Hoa