Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII: Xác định rõ các tiêu chí cảng biển

Thứ ba, 23/06/2015 09:20

(Cadn.com.vn) - Ngày 22-6, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam.

Về cơ quan chuyên ngành

Thảo luận về cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành hàng hải, một số đại biểu đề nghị làm rõ địa vị pháp lý, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và mối quan hệ của Cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành về hàng hải với Bộ Giao thông Vận tải, với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải; làm rõ Cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành hàng hải là Cục Hàng hải hay là Tổng cục.

Đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng) cho rằng: Khoản 3, Điều 10, dự thảo luật quy định: “Cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành hàng hải trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải, giúp Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải thực hiện quản lý Nhà nước về hàng hải trong phạm vi cả nước theo quy định của pháp luật" là chưa đầy đủ.

Theo đại biểu, Cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành hàng hải ở đây là cơ quan nào? Hiện nay, Cục hàng hải Việt Nam là cơ quan chuyên ngành trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải; là đơn vị thực hiện quản lý Nhà nước về chuyên ngành hàng hải. Do vậy, đề nghị, Ban soạn thảo bổ sung Cục Hàng hải Việt Nam là cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành hàng hải vào khoản 3, Điều 10 cho đầy đủ. Đồng thời sửa đổi khoản 3, Điều 10 như sau: "Cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành hàng hải, là Cục Hàng hải Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải, giúp Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải thực hiện quản lý Nhà nước về hàng hải trong phạm vi cả nước theo quy định của pháp luật.

Đại biểu Thân Đức Nam phát biểu ý kiến tại hội trường.

Thế nào là cảng biển?

Một nội dung khác cũng được nhiều đại biểu thảo luận là tiêu chí xác định cảng biển. Qua thảo luận, nhiều đại biểu đề nghị quy định rõ về tiêu chí, chức năng cảng biển; phân định rõ tiêu chí về cảng biển với cảng thủy nội địa. Đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng) đề nghị, Ban soạn thảo cần xác định rõ thế nào là cảng biển và cảng nội địa.

Theo đại biểu, thực tế hiện nay phần lớn các cảng biển của nước ta nằm sâu trong vùng nước đất liền, điều này không đúng với vị trí là cảng biển. Cảng biển phải nằm ở phần biển chứ không như quy định trong dự thảo luật là vùng nước nối liền với biển. Như vậy, không khuyến khích đưa cảng ra biển, mà sẽ tập trung làm cảng ở trong vùng nước đất liền. Điều này sẽ đỡ tốn về kinh phí, nhưng hoạt động kinh tế thì kém hiệu quả và không bảo đảm an ninh đối với các tàu nước ngoài.

Cho rằng quy định như trong dự án luật là chưa đảm bảo tính phân biệt giữa cảng biển và bến thủy nội địa, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) đề nghị: Dự án luật cần quy định chi tiết, chính xác cảng biển; đồng thời quy định rõ đối với khu vực vừa có thể xây dựng được cảng biển, vừa có thể xây dựng cảng thủy nội địa, thì cần ưu tiên xây dựng cảng biển nhằm phát huy lợi thế của cảng biển.

* Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, chiều 22-6, các đại biểu Quốc hội làm việc ở hội trường, biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần đối với người lao động, với 404 phiếu tán thành (chiếm tỷ lệ 81,78%).

Theo Nghị quyết, người lao động được bảo lưu thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm đảm bảo cuộc sống khi hết tuổi lao động theo quy định của Luật BHXH (năm 2014). Trường hợp người lao động tham gia BHXH bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia BHXH tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH khi có yêu cầu thì được nhận BHXH một lần.

Mức hưởng BHXH một lần đối với người tham gia BHXH bắt buộc được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau: 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014; 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.

Khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực hàng hải

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Thân Đức Nam (Đà Nẵng) đề nghị khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực hàng hải. Ngành hàng hải có thể chia thành một số lĩnh vực như vận tải biển, khai thác cảng, dịch vụ hàng hải, đóng mới, sửa chữa tàu... Tuy nhiên, Bộ luật Hàng hải 2005 chỉ quy định chủ yếu về vận tải biển như tàu biển, thuyền viên, bắt giữ tàu biển, an toàn hàng hải, cảng biển, hợp đồng vận chuyển, thuê tàu, bảo hiểm, đại lý tàu biển, môi giới hàng hải, hoa tiêu, lai dắt tàu biển, cứu hộ hàng hải, trục vớt tài sản chìm đắm, giải quyết tranh chấp hàng hải... Còn các lĩnh vực khác có liên quan thì chưa quy định hoặc quy định chưa đầy đủ.

Bộ luật quốc tế về an ninh tàu và cảng biển (Bộ luật ISPS) chỉ quy định về an ninh tàu và cảng biển nhằm phát hiện, đánh giá một mối đe dọa an ninh và có biện pháp ngăn ngừa đối với sự cố an ninh ảnh hưởng đến tàu, bến cảng được sử dụng trong quốc tế nhưng chưa có quy định cụ thể về an ninh hàng hải nói chung. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, tình hình an ninh biển Đông diễn biến phức tạp, các quốc gia liên quan tăng cường và chú trọng đến an ninh hàng hải.

Do đó, để có cơ sở phát triển vững chắc kinh tế biển, đóng góp vai trò to lớn về an ninh hàng hải trong khu vực, ĐB kiến nghị xây dựng ba chương riêng quy định về an ninh hàng hải; hợp tác quốc tế về hàng hải; đồng thời bổ sung quy định để hỗ trợ công tác nghiên cứu thị trường, hội nhập quốc tế, xúc tiến đầu tư, tạo cơ sở pháp lý để lập đại diện hàng hải tại các quốc gia phát triển về ngành hàng hải.

ĐB Thân Đức Nam tán thành việc bổ sung quy định về tàu lặn, kho chứa nổi, giàn di động vào phạm vi điều chỉnh của Bộ luật hàng hải. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu, bổ sung những quy định về chính sách cụ thể của Nhà nước để khuyến khích doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực hàng hải nhằm khai thác các tiềm năng của xã hội tham gia đầu tư vào lĩnh vực này.

Về cảng vụ hàng hải quy định tại Điều 144, ĐB đề nghị bổ sung chức năng, thẩm quyền của các cảng vụ đã được giao trong thời gian gần đây hoặc cần thiết để thực hiện nhiệm vụ như tổ chức trục vớt các phương tiện bị chìm đắm gây ảnh hưởng đến luồng, lạch, ách tắc luồng dẫn đến tình trạng đình trệ sản xuất, gây thiệt hại cho chủ hàng và các đối tượng có liên quan trong khu vực cảng biển.

Thu Thủy – Phạm Hữu Hoa