Khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh COP21: Nhiệm vụ khó khăn
(Cadn.com.vn) - Các nhà lãnh đạo trên thế giới đến Paris lần này với sứ mệnh duy nhất: đạt thỏa thuận lịch sử nhằm ràng buộc các nước cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nhất là Trung Quốc và Mỹ.
Ngày 30-11, 147 nhà lãnh đạo bắt đầu nhóm họp Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu toàn cầu lần thứ 21 (COP21) tại thủ đô Paris của Pháp dưới sự chủ trì của Tổng thống nước chủ nhà Francois Hollande, nhằm tìm kiếm cách tiếp cận mới để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu.
Sau phiên họp thượng đỉnh này, khoảng 40.000 đại biểu từ các nước sẽ nỗ lực đạt thỏa thuận mới về chống biến đổi khí hậu cho giai đoạn sau năm 2020 – gọi là Nghị định thư Paris 2015 – để thay thế Nghị định thư Kyoto sẽ hết hạn vào năm 2020.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị COP21 nhằm khẳng định cam kết mạnh mẽ của chính phủ Việt Nam trong nỗ lực chung cùng ứng phó với biến đổi khí hậu đang đe dọa trái đất.
Tổng thống Mỹ viếng các nạn nhân khủng bố Paris Rạng sáng 30-11, ngay khi đặt chân đến Paris, Tổng thống Barack Obama đã đến viếng các nạn nhân loạt khủng bố hôm 13-11, đặt hoa trắng trước nhà hát Bataclan - nơi các tay súng IS giết hại 90 người đang đi xem hòa nhạc. Theo CNN, đi cùng ông Obama có Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thị trưởng Paris Anne Hidalgo (trong ảnh). Đây là chặng dừng chân đầu tiên của ông chủ Nhà Trắng ở Paris sau khi ông đến đây để tham dự COP21. An ninh được thắt chặt tuyệt đối quanh khu vực này. |
Đụng độ biểu tình tại Paris
An ninh được thắt chặt trong bối cảnh Pháp vẫn được đặt trong tình trạng khẩn cấp sau loạt khủng bố Paris hôm 13-11.
Theo AFP, chính phủ Pháp triển khai 120.000 cảnh sát trong khi các hiến binh được huy động trên toàn quốc để đảm bảo an ninh cho COP21. Giới chức nước này cũng kiểm soát chặt chẽ các cuộc biểu tình chống biến đổi khí hậu đang bùng nổ ở Paris. Tuy nhiên, đụng độ đã xảy ra giữa người biểu tình với cảnh sát tại Quảng trường Place de la Republique. Những người biểu tình bạo lực ném giày, chai lọ và thậm chí cả nến được lấy từ đài tưởng niệm những người thiệt mạng trong loạt tấn công Paris, nhằm vào cảnh sát. Cảnh sát chống bạo động đáp trả bằng hơi cay. Hơn 200 người đã bị bắt giữ. Tổng thống Pháp Francois Hollande gọi các cuộc đụng độ này là “bê bối đầy tai tiếng”. Trong khi đó, Cảnh sát trưởng Paris, Michel Cadot cho rằng, việc dùng những nến như thế này chống lại cảnh sát cho thấy “sự thiếu tôn trọng đối với những người đã chết”.
Ở nhiều nước, người dân cũng xuống đường biểu tình chống lại biến đổi khí hậu.
Cảnh sát Pháp phun hơi cay ngăn chặn bạo lực từ những người biểu tình tại Paris hôm 30-11. Ảnh: CNN |
Tham vọng lớn
Hội nghị COP21 đặt ra tham vọng lớn: đạt thỏa thuận lịch sử mang tầm quốc tế và phù hợp với điều kiện cụ thể nhằm ràng buộc các nước cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Theo đó, các nước - nhất là Trung Quốc và Mỹ (hai quốc gia có lượng khí thải carbon nhiều nhất thế giới) - sẽ cam kết cắt giảm lượng khí thải để hạn chế nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng ở mức dưới 2 độ C vào cuối thế kỷ XXI so với thời kỳ tiền công nghiệp 1850-1990.
Theo kế hoạch gọi là “Nhiệm vụ đổi mới”, một nhóm 20 quốc gia - trong đó có Mỹ, Pháp và Ấn Độ - sẽ tìm cách tăng gấp đôi đầu tư cho nghiên cứu năng lượng sạch trong 5 năm tới. Các cá nhân, trong đó có tỷ phú Bill Gates, người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg, cũng sẽ đầu tư vào các dự án năng lượng sạch chi phí thấp trong mỗi năm, bắt đầu từ năm 2020. Trong sáng kiến khác, Pháp và Ấn Độ sẽ công bố liên minh toàn cầu nhằm đoàn kết 100 quốc gia giàu năng lượng mặt trời ở các vùng nhiệt đới nhanh chóng mở rộng sử dụng điện từ mặt trời. Trong khi đó, một số quốc gia Châu Âu, đang làm việc với Ngân hàng Thế giới (WB), công bố quỹ 500 triệu USD để giúp các nước đang phát triển cắt giảm lượng khí thải carbon. WB có thể hỗ trợ cho kế hoạch cắt giảm carbon đối với các nước loại bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch.
Paris đang được kỳ vọng là “ngọn hải đăng hy vọng của thế giới”. Nhưng vẫn còn đó những lo ngại cho các quốc gia nghèo nhất thế giới về nguy cơ bị “bỏ lại phía sau” trên con đường thúc đẩy một thỏa thuận mới như thế này. Hầu hết các cuộc thảo luận ở đây sẽ xoay quanh một thỏa thuận mới sẽ hạn chế tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức dưới 2 độ C. Tuy nhiên, 48 thành viên thuộc Các nước kém phát triển nhất (LDC) cho rằng, chỉ cần trái đất nóng hơn 1,5 độ C, họ đã phải nhận hậu quả rất thảm khốc.
Vì vậy, một nhiệm vụ đầy khó khăn đang đè nặng lên vai COP21, nhất là khi các nước phát thải khí nhà kính lớn nhất như Mỹ và Trung Quốc, vẫn chưa sẵn sàng cho một Nghị định thư Paris 2015.
Khả Anh