Khẳng định bản lĩnh Cộng đồng ASEAN

Thứ bảy, 27/06/2020 11:34

Bản lĩnh của Cộng đồng ASEAN được thể hiện rõ nét, gắn kết chặt chẽ các thành viên tạo nên sức mạnh tổng hợp để tranh thủ hiệu quả các cơ hội, vững vàng vượt qua thử thách.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị.  Ảnh: VGP

Sáng 26-6, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 tổ chức theo hình thức trực tuyến khai mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Hà Nội. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Cấp cao chính thức đầu tiên trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020.

Hội nghị với sự tham dự của lãnh đạo 10 nước ASEAN, Bộ trưởng phụ trách các trụ cột Cộng đồng Chính trị-An ninh, Văn hóa - Xã hội và Kinh tế của các nước ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi, Trưởng Quan chức cao cấp ASEAN tại 3 trụ cột (Chính trị-An ninh, Văn hóa - Xã hội và Kinh tế), các Đại sứ, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực các nước ASEAN, đại diện Ngoại giao đoàn tại Hà Nội... Nhiều hoạt động sẽ diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36. Tại đầu cầu Hà Nội, phiên khai mạc có sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch AIPA 41; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cùng khoảng 300 khách mời quốc tế và trong nước, hơn 200 phóng viên trong và ngoài nước.

“Gắn kết và Chủ động thích ứng”

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, lần đầu tiên trong hơn nửa thế kỷ, Hội nghị Cấp cao thường kỳ của ASEAN được tổ chức trực tuyến vì do thách thức chưa từng có: dịch Covid-19 trên toàn cầu. Dịch Covid-19 mới bùng phát, lan rộng từ đầu 2020 đã cuốn đi thành quả của loài người đã tích lũy trong nhiều năm, cướp đi sinh mạng và đe dọa cuộc sống của hàng triệu người. Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (8-6-2020), kinh tế toàn cầu năm 2020 sẽ suy giảm nghiêm trọng, ở mức âm 5,2%, thu nhập bình quân đầu người giảm 3,6% và khiến cho 70-100 triệu người rơi vào nghèo đói cùng cực, gia tăng nguy cơ mất ổn định xã hội. Hơn 40% các ngành sản xuất, kinh doanh của các quốc gia phải chịu tác động trực tiếp từ các biện pháp phong tỏa dịch bệnh.

Theo Thủ tướng, sự bùng phát của dịch bệnh càng thổi bùng thêm những thách thức vốn tiềm ẩn trong môi trường chính trị, kinh tế, xã hội của thế giới và mỗi khu vực. Các thể chế đa phương và quy định của luật pháp quốc tế chịu nhiều thách thức nghiêm trọng. Cọ xát chiến lược giữa các nước lớn đang bộc lộ rõ nét và bị đẩy lên cao. Trong khi cả thế giới đang phải gồng mình chống dịch, vẫn xuất hiện những hành động thiếu trách nhiệm, vi phạm luật pháp quốc tế, ảnh hưởng đến môi trường an ninh và ổn định ở một số khu vực, trong đó có khu vực của chúng ta. “Trong bối cảnh đó, các nước cần đề cao tinh thần đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Vai trò và sứ mệnh của các nước lớn, các tổ chức đa phương và khu vực càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết”, Thủ tướng nêu rõ.

Chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng” của ASEAN 2020 được triển khai trong bối cảnh môi trường khu vực và quốc tế đầy biến động. Trải qua 5 năm hình thành Cộng đồng, ASEAN đang đứng trước những cơ hội và thách thức do dịch chuyển địa chiến lược toàn cầu cũng như tác động của dịch Covid-19. Trong hoàn cảnh này, bản lĩnh của Cộng đồng ASEAN được thể hiện rõ nét, gắn kết chặt chẽ các thành viên tạo nên sức mạnh tổng hợp để tranh thủ hiệu quả các cơ hội, vững vàng vượt qua thử thách.

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

 “Chúng ta quyết  không chùn bước”

Trong những tháng đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã để lại những hệ lụy nặng nề với phát triển kinh tế và ổn định xã hội của các quốc gia thành viên ASEAN. “Chúng ta đau lòng trước mất mát của hàng chục ngàn gia đình có người thân ra đi do dịch bệnh. Chúng ta chia sẻ những thiệt hại, khó khăn của hàng trăm ngàn doanh nghiệp bị đình trệ, hàng triệu lao động mất đi nguồn sống, nhất là trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ”, Thủ tướng bày tỏ và nhấn mạnh thêm: “Tuy nhiên, chúng ta quyết không chùn bước”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng rằng “qua mỗi cơn phong ba, bó lúa vàng trên logo biểu tượng của ASEAN sẽ ngày càng thêm gắn bó, kết nối bền chặt, tiếp tục đem lại những hạt gạo đong đầy tình cảm đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau của đại gia đình ASEAN”. Thủ tướng hoan nghênh quyết tâm của các nước hoàn tất Hiệp định RCEP, qua đó gửi thông điệp mạnh mẽ về cam kết của ASEAN phối hợp với các đối tác thúc đẩy xây dựng hệ thống thương mại quốc tế tự do, rộng mở. Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn các nước sẽ hoàn tất và ký kết Hiệp định này trong 2020; đề nghị các nước nâng cao và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối ngoại của ASEAN. Thay mặt các nước, Thủ tướng hoan  nghênh và đánh giá cao sự ủng hộ của các đối tác, cộng đồng quốc tế với ASEAN trong đấu tranh chống Covid-19 và xây dựng Cộng đồng.

Thủ tướng lưu ý, để xây dựng thành công Cộng đồng, cải tiến phương thức, bộ máy làm việc của ASEAN có ý nghĩa quan trọng. Với tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị các nước rà soát công tác triển khai Hiến chương ASEAN, đề xuất các kiến nghị tại Cấp cao ASEAN 37. Đề cập đến tình hình quốc tế và khu vực, trong khi cả thế giới đang căng mình đối phó với đại dịch Covid-19, lãnh đạo Việt Nam bày tỏ quan ngại, ở một số khu vực vẫn tồn tại những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, gây mất ổn định, làm phức tạp tình hình, xói mòn lòng tin. Việt Nam nhấn mạnh mọi quốc gia cần đề cao tinh thần trách nhiệm, thượng tôn pháp luật, nhất là UNCLOS 1982, đẩy mạnh xây dựng lòng tin, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế. Thủ tướng khẳng định tầm quan trọng của việc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố DOC và xây dựng Bộ quy tắc COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển UNCLOS 1982.

Thông qua Tuyên bố Chủ tịch

Trong suốt hội nghị, lãnh đạo các nước đã rà soát tiến độ xây dựng Cộng đồng kể từ Hội nghị Cấp cao ASEAN 35, chỉ đạo hướng triển khai các trọng tâm hợp tác trong năm, quan hệ đối ngoại của ASEAN và trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Hội nghị đã nghe Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh, Chủ tịch Hội đồng Điều phối ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi báo cáo về nỗ lực ứng phó dịch bệnh Covid-19 của ASEAN, hợp tác ASEAN trong 6 tháng đầu năm trên cả 3 trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội. Đánh giá cao vai trò Chủ tịch của Việt Nam, các nước chia sẻ đánh giá, với những kết quả ban đầu đáng khích lệ trong cuộc chiến chống Covid-19 và các sáng kiến như lập Quỹ ứng phó Covid-19, lập kho y tế dự phòng, Quy trình chuẩn về ứng phó dịch bệnh, xây dựng Kế hoạch phục hồi toàn diện sau dịch bệnh…

 ASEAN gửi thông điệp mạnh mẽ về một tổ chức khu vực gắn kết, chủ động và đóng vai trò hạt nhân trong các tiến trình khu vực. Các nước cũng nhất trí cần nâng cao khả năng tự cường của ASEAN, vừa kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, vừa khôi phục các hoạt động kinh tế, thương mại quốc tế và khu vực, từ đó ổn định cuộc sống của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, các nhà lãnh đạo cho rằng hoàn tất và ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) trong 2020 sẽ là thông điệp mạnh mẽ khẳng định sự ủng hộ của ASEAN đối với hệ thống thương mại đa phương, tự do hóa thương mại và đầu tư và cũng là đóng góp quan trọng cho quá trình phục hồi sau dịch bệnh tại khu vực.

Trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực, các nước đề cao lập trường nguyên tắc của ASEAN trong bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, nhấn mạnh cần đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, đẩy mạnh hợp tác xây dựng lòng tin, sử dụng các biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế, thực hiện đầy đủ DOC và hướng tới Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982. Nhiều nước cho rằng dịch bệnh đã tác động tới quá trình đàm phán COC, tuy nhiên, ASEAN cần sớm nối lại tiến trình này, từ đó khẳng định vai trò trung tâm và đóng góp cho hòa bình, ổn định tại khu vực…

Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo đã công bố Tuyên bố Chủ tịch về kết quả Hội nghị Cấp cao ASEAN 36, thông qua Tuyên bố “Tầm nhìn về ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng: Vượt lên các thách thức và duy trì tăng trưởng” và Tuyên bố ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực cho một thế giới công việc đang đổi thay và ghi nhận 9 văn kiện khác.

C.P

THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC THÔNG BÁO KẾT QUẢ HỘI NGHỊ

Tối 26-6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp báo quốc tế, thông báo kết quả Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 và các hội nghị liên quan diễn ra tại Hà Nội bằng hình thức trực tuyến.

Phát biểu tại họp báo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 đã diễn ra thành côngtốt đẹp. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, một tinh thần đoàn kết, thống nhất trong việc đánh giá, đưa ra những biện pháp hòa bình, hữu nghị, thảo luận và tuân thủ luật pháp đã được đặt ra trong Hội nghị. Nhân dịp này, Thủ tướng bày tỏ cảm ơn bạn bè trong khu vực, quốc tế đã ủng hộ, hỗ trợ Việt Nam thắng lợi bước đầu trong phòng, chống dịch Covid-19; trở lại bình thường hóa kinh tế, xã hội. Việt Nam cam kết thực hiện tốt nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN 2020 trong bối cảnh có nhiều khó khăn chưa từng có hiện nay.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng bày tỏ mong muốn các phóng viên báo chí trong nước và nước ngoài truyền đi một thông điệp: Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 thành công, đạt được thống nhất cao, đưa ra được Tuyên bố chung của Hội nghị về một khu vực ASEAN an toàn, đoàn kết, gắn kết và chủ động thích ứng; đặc biệt là phòng ngừa dịch bệnh tốt, không để làn sóng dịch Covid-19 thứ hai trở lại khu vực này. Các thành viên ASEAN cùng đoàn kết để phát triển kinh tế- xã hội, phục hồi kinh tế sau đại dịch. ASEAN nhất trí cần đoàn kết hơn nữa, thống nhất cao hơn nữa để xây dựng một khu vực ASEAN hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, thịnh vượng.