Khe Đương lại nóng
(Cadn.com.vn) - Tình trạng khai thác vàng sa khoáng trái phép ở Khe Đương (xã Hòa Bắc, Hòa Vang, TP Đà Nẵng) vẫn diễn ra dai dẳng. Dù các ngành chức năng địa phương thường xuyên truy quét, đẩy đuổi, kể cả việc tăng cường bộ đội công binh đánh sập các hầm vàng… vẫn chưa làm cơn sốt đào đãi vàng hạ nhiệt.
Cũng như các lần trước, ngày 17-5, khi Đoàn kiểm tra liên ngành (KTLN) gồm Hạt Kiểm lâm, CAH, Quân sự huyện, xã Hòa Bắc do ông Lê Mạnh Hùng (Hạt trưởng Kiểm lâm làm Trưởng đoàn) lên đến nơi, các lán trại nằm sâu trong những cánh rừng ở Tiểu khu 27, 29 đều không một bóng người. Cơn mưa chiều đã xóa đi một phần dấu vết nhưng không thể xóa hết các tác động của con người. Các lán trại đều tạm bợ nhưng vật dụng sinh hoạt lại phục vụ đầy đủ cho hàng chục lao động ở các hầm vàng. Hệ thống điện mắc rải rác. Nước từ các ống dẫn đang chảy vào bể chứa. Sát các khu lán trại là những miệng hầm, đất đá đào ra còn chất thành đống... Nhiều dân quân xã xác nhận, trước đây “vàng tặc” khai thác bằng thủ công, giờ thì đưa cả máy nổ, cối xay quặng cồng kềnh, nặng hàng trăm ký vào rừng. Muốn vận chuyển các loại máy này, các “đầu nậu” phải tháo rời từng bộ phận linh kiện, vào bãi vàng mới lắp ráp lại. Để thuận tiện cho việc khai thác, các “đầu nậu” thường thuê người dân trong khu vực cõng hàng lên núi, tham gia đội ngũ đào đãi vàng.
Đoàn KTLN H. Hòa Vang trên đường truy quét.
Mở rộng địa bàn kiểm tra, lực lượng KTLN phát hiện, tiêu hủy 6 lán trại, 5 máy nổ, 2 máy thổi gió, 3 mô-tơ phát điện, 7 xe rùa, 1 tivi, 1.500m ống dẫn nước, 500m dây điện, 180 lít dầu diesel, 50kg gạo mà các “đầu nậu” tẩu tán, đào hố chôn giấu trước khi bỏ trốn. Theo ông Hùng, hiện nay, tình trạng khai thác vàng không còn “rầm rộ” như trước. Không ít “đầu nậu” đã có dấu hiệu ngao ngán bởi đầu tư tốn kém mà hiệu quả không cao, lại bị lực lượng chức năng liên tục đẩy đuổi, phá hủy máy móc, thiết bị; các con đường vận chuyển lương thực đều bị quản lý, giám sát chặt chẽ. Bên cạnh công tác nắm tình hình, Hạt tiếp tục kiến nghị với các cấp chính quyền liên tục trấn áp, không để tình trạng khai thác vàng trái phép kéo dài, ảnh hưởng đến tài nguyên môi trường trong khu vực...
Thu gom máy móc của “vàng tặc” cất giấu. |
Ông Bùi Văn Nở (cư dân địa phương) cho biết: “Nước từ các bãi vàng thải ra làm ô nhiễm các nguồn nước Khe Đương, Khe Áo, ảnh hưởng sinh hoạt của người dân. Chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần vào cuộc nhưng rồi đâu lại vào đấy”. Cũng theo ông Nở, ở thượng nguồn Hòa Bắc hiện có 90% là đồng bào dân tộc thiểu số. Nguồn nước sinh hoạt chủ yếu được lắp đặt từ hai nguồn chính là Khe Babi và Khe Áo. Các dự án này do Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão TP đầu tư. Năm 2010, đường ống bị lũ cuốn trôi. Sau nhiều lần làm đi sửa lại, bà con 2 thôn Tà Lang, Giàn Bí tưởng đã yên tâm với nguồn nước sạch. Nào ngờ, nguồn nước cung cấp cho bể chứa tại Khe Áo mấy ngày gần đây luôn trong tình trạng đen ngòm, có mùi hôi tanh; nhiều người bị bệnh đau bụng, tiêu chảy và sốt cao mà không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, việc nguồn nước có chứa nhiều chất độc hại, có hàm lượng cyanua cao trong nước hay không thì còn phải chờ kết quả xét nghiệm từ các cơ quan chuyên môn...
Tiêu hủy các vật dụng, thiết bị. |
Chiều 19-5, Đoàn KTLN huyện men theo những con đường mòn xuống núi. Đi qua các con suối chảy vào Khe Áo hôm trước giờ dòng nước đã trong hơn. Song, tất cả chỉ là bước đầu, 4 hầm khai thác vàng phát hiện trong đợt khảo sát này vẫn chưa bị đánh sập, cho nên cơ hội quay trở lại của “vàng tặc” cũng rất cao.
miệng hầm gần các lán trại vẫn chưa bị đánh sập. |
An Dương