Khi cựu Tổng thống Sarkozy "trở lại"

Thứ bảy, 05/07/2014 10:04

(Cadn.com.vn) - Cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy trở thành cái tên phủ sóng toàn bộ các hãng tin lớn trên toàn thế giới trong nhiều ngày qua sau 2 năm gần như biệt tăm.

Vị cựu lãnh đạo, vốn được đáng giá là được lòng dân hơn Tổng thống Pháp đương nhiệm Francois Hollande, đã trở lại thật rầm rộ. Tuy nhiên, điều gây bất ngờ là không phải ông Sarkozy trở lại với tư cách ứng cử viên tổng thống tiềm năng mà trở thành đối tượng bị truy tố với hàng loạt tội danh: tham nhũng, lạm quyền và vi phạm bí mật nghề nghiệp.

Án tham nhũng và lạm quyền

Ông Sarkozy, từng là lãnh đạo đảng trung hữu UMP và nắm quyền ở Điện Élysée từ năm 2007-2012 ông từ lâu đã bị cáo buộc nhận 50 triệu EUR từ cố lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi và nhận phong bì tiền mặt từ người phụ nữ giàu nhất nước Pháp, người thừa kế tập đoàn L'Oreal, Liliane Bettencourt, cho chiến dịch tranh cử năm 2007.

 Ông còn bị cáo buộc dùng quyền lực để gây áp lực lên thẩm phán - người điều tra vụ nhận tiền tài trợ tranh cử này. Vụ bê bối với gây quỹ tranh cử của ông Sarkozy được gọi là "vụ Bygmalion" này buộc Chủ tịch đảng UMP Jean-Francois Cope phải từ nhiệm hồi tháng trước.

Trong bối cảnh đảng UMP không có người dẫn dắt, ông Sarkozy đang muốn trở lại nắm quyền để từng bước tiếp tục tranh cử tổng thống năm 2017, song dường như những cáo buộc này khép lại cánh cửa quyền lực của ông.

Mặc dù vậy, cựu Tổng thống này phủ nhận mọi cáo buộc và cho rằng, hệ thống luật pháp của đất nước bị lợi dụng vì các mục đích chính trị. Trả lời phỏng vấn Kênh truyền hình LCI và Đài Europe 1 tối 2-7, ông Sarkozy nói: "Tôi không bao giờ phạm phải bất kỳ hành động nào đi ngược lại các giá trị của nền cộng hòa hoặc pháp quyền". "Tôi muốn nói với tất cả những ai đang nghe hoặc xem rằng tôi không bao giờ phản bội họ", ông nhấn mạnh thêm.

Ông Sarkozy không phải là nhà lãnh đạo đầu tiên của Pháp bị buộc tội tham nhũng. Cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac từng bị kết án vào năm 2011 về tội danh này, nhưng thoát án tù do bệnh tật. Tuy nhiên, ông Sarkozy trở thành cựu nguyên thủ đầu tiên trong lịch sử Pháp hiện đại bị bắt để thẩm vấn.

Ông Sarkozy (giữa) là cựu lãnh đạo đầu tiên trong lịch sử hiện đại Pháp bị bắt giữ. Ảnh: Reuters

Con bài chính trị của ông Sarkozy?

Nhưng trong suy nghĩ của nhiều người khác, đây chỉ là con bài chính trị của ông Sarkozy nhằm đánh dấu sự trở lại thật ấn tượng.

Kể từ khi rời Điện Élysée vào năm 2012 sau thất bại ê chề trước Tổng thống đương nhiệm Hollande, ông Sarkozy gần như không xuất hiện trước công chúng. Giới phân tích cho rằng, ông dùng tất cả thời gian đó để lên kế hoạch trở lại. Câu hỏi duy nhất đặt ra là khi nào. Và bây giờ có lẽ ai cũng đã rõ.  Người ta cho rằng, các thẩm phán đặt ông vào cuộc điều tra để ông có một chỗ đứng. Hoặc ông chờ đợi để được xóa án hoặc phản công - hành động có thể đưa ông trở lại tuyến đầu chính trị. Và ông đã lựa chọn phương án thứ hai. Liệu người Pháp sẽ chào đón vị chính trị gia mà họ từng nói lời chia tay với năm 2012 như thế nào lại là vấn đề khác.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn tối 2-7, ông Sarkozy công kích sự độc lập của ngành Tư pháp? Tại sao ông dám làm vậy? Đó là chiến thuật để hướng sự chú ý. Nếu đúng là ông đã quyết tâm trở lại, việc trả lời phỏng vấn sau bê bối bị bắt giữ thật sự thu hút người dân.

Hơn 9 triệu người Pháp đã chuyển kênh theo dõi cuộc phỏng vấn này cho thấy thành công bước đầu của vị chính trị gia đầy kinh nghiệm. Một chi tiết nhỏ có thể cung cấp đầu mối quan trọng cho sự trở lại lần này. Một vài tháng trước, khi bị những người bạn quấy rầy "sự yên tĩnh trong 2 năm" - những người muốn biết khi nào ông sẽ quay lại chính trường - ông Sarkozy nói "Hãy xem bộ râu của tôi".

Kể từ năm 2012, cứ 3 ngày, ông Sarkozy lại thay đổi một bộ râu. Đó dường như là thú vui đối với vị chính trị gia này. Nhưng khi lên phỏng vấn truyền hình tối 2-7, ông Sarkozy  "mày râu nhẵn nhụi". Ông đã thật sự trở lại.

Thanh Văn