Khi "đất hóa tâm hồn"

Thứ bảy, 31/12/2016 12:22

1. Chuyện của dòng sông

(Cadn.com.vn) - Sông Hàn bắt đầu từ ngã ba sông giữa Quận Cẩm Lệ, Hải Châu và Ngũ Hành Sơn tới vịnh Đà Nẵng. Đi cùng tháng năm, sông Hàn chảy giữa lòng thành phố và chứng kiến những thay đổi diệu kỳ của Đà Nẵng trong mấy thập kỷ qua. 

Dấu ấn thay đổi đầu tiên của sông Hàn phải kể về câu chuyện những chiếc cầu. Trước đây, cầu Nguyễn Văn Trỗi và chiếc phà trên bến Bạch Đằng bao thập niên cõng nhiệm vụ lớn lao đưa người qua lại "bên ni bên nớ". Chuyện ngăn sông cách đò tạo ra sự khác biệt, hằn sâu đến nỗi đi vào cả ca dao, hò vè: "Con gái quận Ba (Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn), không bằng bà già quận Nhứt (Hải Châu) - Thanh Khê). Dù không phải là lời chỉ trích nhưng vô hình trung người ta nghĩ về Hàn Giang như là nguyên nhân của sự khác biệt ấy. Tháng 9-1998, sau khi Đà Nẵng trực thuộc Trung ương hơn một năm, cầu quay Sông Hàn được khởi công và hoàn thành vào ngày 29-3-2000. Cầu Sông Hàn nối đường Lê Duẩn với đường Phạm Văn Đồng xuôi về biển lớn, tạo một vóc dáng thanh tân cho Sơn Trà. Để bây giờ, câu ca dao xưa đã trở thành cổ tích, Sơn Trà đã khoác lên mình màu áo mới diễm lệ, như nàng Tiên Sa trở về căng tràn sức sống tuổi đôi mươi. Cùng với cầu Sông Hàn, nhiều cây cầu hiện đại, độc đáo tiếp tục được xây dựng tạo ra một diện mạo mới mẻ cho phố xá: cầu Rồng, Thuận Phước, Trần Thị Lý, Tuyên Sơn, Hòa Xuân, Cẩm Lệ, Nguyễn Tri Phương. Sông Hàn giờ đây không còn cách trở mà lung linh thơ mộng. Chưa hết, trong hai mươi năm ấy, dòng sông còn chứng kiến sự đổi đời của hàng trăm hộ dân vạn chài sống trong nhà chồ nhếch nhác, tạm bợ. Bây giờ đứng bên này sông nhìn sang, sự đổi thay kỳ diệu cho chúng ta cảm giác ngỡ ngàng như trong mơ.

Bên bờ tây sông Hàn, trong ký ức người Đà Nẵng là đường Bạch Đằng cũ từ Bảo tàng Điêu khắc Chăm về Thuận Phước với những địa danh quen thuộc như bến phà, bến củi, bến cá cùng những mái nhà xiêu vẹo run bần bật khi đông về. Đến nay đường Bạch Đằng mở rộng tráng lệ. Khá khen cho những người làm công tác quy hoạch kiến trúc đã mở rộng về phía sông mà không lấn dòng chảy, tạo ra nhiều điểm nhấn ấn tượng mà vẫn giữ nguyên được khung cảnh phố xá gắn liền với kỷ niệm lâu đời của người dân thành phố. Và sông Hàn thực sự diễm lệ trong những đêm trình diễn pháo hoa quốc tế. Trong những giai điệu du dương hữu tình, dòng sông đầy hoa đăng lững lờ trôi lung linh sắc màu, rồi những màn pháo hoa đặc sắc mê đắm lòng người, cảm giác như cánh đồng hoa bạt ngàn vươn lên từ lòng sông, trổ những nhành hoa rực rỡ sắc màu trên bầu trời cao rộng.

Cùng với sự đổi thay ngỡ ngàng hai bên sông Hàn, trong hai mươi năm ấy, ranh giới đô thị Đà Nẵng đã lên tới khoảng gần 20.000 ha, gấp hơn 3 lần ranh giới cũ. Hệ thống hạ tầng được nâng cấp và phát triển khá đồng bộ, các khu dân cư mới được quy hoạch khang trang, hiện đại. Với sức mạnh của sự đồng thuận, Đà Nẵng đã làm được những việc mà nhiều năm trước đó ít ai dám nghĩ: giải tỏa hàng vạn ngôi nhà để mở những tuyến đường huyết mạch như đường Nguyễn Tất Thành, Bạch Đằng Đông, Sơn Trà- Điện Ngọc, Điện Biên Phủ, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Trường Sa, thu hồi chuyển đổi hàng nghìn hec-ta đất để mở rộng các khu đô thị Tây Bắc; Nguyễn Tri Phương - Trường Sa, Thuận Phước, Bắc Mỹ An, Hòa Hải, Hòa Quý… Trong sự đổi thay đó, xin dành những đánh giá đặc biệt nhất cho sự đổi thay của đôi bờ sông Hàn. Bởi, như KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam nhìn nhận: "Trên thế giới, các thành phố lớn của nhiều nước phát triển như Nga, Pháp, Ý, Úc, Anh đều có các con sông làm điểm nhấn tạo nên văn hóa và bộ mặt đô thị. Trong khi tại Việt Nam, những con sông làm nên cảnh quan của thành phố chưa nhiều, chỉ mới có sông Hàn tại Đà Nẵng là nổi trội hơn cả".

2. Chuyện của tình người

Đầu thập niên 80 thế kỷ trước, tôi từ quê Quảng Nam ra Đà Nẵng học trung học phổ thông. Sau mấy năm đi học xa, tôi lại về đây công tác cho đến bây giờ, tính ra phần lớn đời mình gắn bó với thành phố này. Dù vậy, cũng như tâm trạng nhiều người quê ra phố, sống ở nơi đâu cũng đau đáu một nỗi nhớ quê hương.

Trong khi đó, Đà Nẵng lặng lẽ làm tất cả những điều có thể để thực hiện sứ mệnh phục vụ dân sinh bằng câu chuyện thấm đẫm tình người. Sau thời điểm trực thuộc trung ương (1997), cùng với việc mở mang phố xá, Đà Nẵng ghi thêm nhiều dấu ấn đậm nét về các chương trình an sinh xã hội ấn tượng và độc đáo. Đà Nẵng không chỉ xây dựng thành phố yêu thương của mình bằng việc mở mang phố xá, tạo dựng nơi ăn chốn ở ổn định cho dân, mà như ai đó đã nhận xét: Đà Nẵng đã xây dựng được những giá trị nhân văn mới, luôn khao khát vươn tới mục đích vì chất lượng cuộc sống. Đó là những chủ trương "Năm không - ba có" (không có người đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng và không có cướp của giết người); hỗ trợ ngư dân bám biển; hỗ trợ 100% viện phí cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo; trải thảm đỏ thu hút nhân tài; lập Quỹ vay vốn làm ăn dành cho đối tượng hình sự hết hạn cải tạo; lập Quỹ vay vốn dành cho phụ nữ nghèo bị nạn bạo hành gia đình; cấp tiền cho những người hành nghề xe ôm ăn Tết…

Nên thơ sông Hàn.

Có thể nói, với cách làm "chẳng giống ai" như vậy, Đà Nẵng hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một thành phố hấp dẫn và đáng sống. Nối tiếp những thành tựu về kinh tế - xã hội của các nhiệm kỳ trước, lãnh đạo thành phố đương nhiệm đề ra, thực hiện "Năm Văn hóa, văn minh đô thị" và gần đây nhất là xây dựng thành phố "4 an" (an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm và an sinh xã hội). Để thực hiện tốt mục tiêu này, từ lãnh đạo TP đến các sở ban ngành quyết liệt cải cách hành chính; tạo ra nhiều kênh thu nhận thông tin như công bố số điện thoại của lãnh đạo, đường dây nóng, email, lập trang facebook… Sự tương tác với dân được lãnh đạo thành phố cụ thể bằng những chủ trương, quyết sách; còn các cơ quan, đơn vị chức năng tiếp nhận ý kiến của dân để chỉnh sửa khắc phục tồn tại. Thế mới có chuyện Đà Nẵng nhanh chóng xử lý từ việc nhỏ như thay từng viên gạch lát đường, xóa từng ổ gà, lát lại từng tấm đanh gập ghềnh nơi hè phố đến việc  xử lý các vụ vi phạm trật tự ATGT, thỏa ước mơ làm CSGT cho cháu bé bị ung thư hoặc điều chỉnh quy hoạch dự án cho phù hợp với cảnh quan chung… Những việc làm thiết thực, nghĩa cử đẹp đẽ ấy đã lay động trái tim người Đà Nẵng, người xa xứ, người dân các tỉnh thành và khách thập phương. Và rồi, như dòng chảy tự nhiên của cuộc sống, những lời khen tặng dành cho Đà Nẵng lại thôi thúc mọi người nuôi dưỡng lòng tự hào, góp sức xây dựng TP ngày càng khang trang, tươi đẹp hơn.

Nhà thơ Chế Lan Viên có những câu thơ nhiều người thuộc nằm lòng: "Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn". Đà Nẵng cũng vậy, khi có dịp vào Nam ra Bắc, hay có những chuyến đi xa hơn, mới hiểu rằng thành phố này không chỉ là "nơi đất ở" mà đã quyện chặt tâm hồn mỗi người. Còn với tôi, tự bao giờ chẳng rõ, Đà Nẵng đã là duyên là nợ. Để rồi khi không nén nổi tình yêu thương nơi mình học tập, công tác và trưởng thành, những câu thơ đã bật lên từ lồng ngực, bổi hổi nói hộ lòng tôi:

Những tháng năm buồn vui,

khắc khoải đợi chờ

Tôi sống nơi đây thật nhiều mà cứ ngỡ

cơn mơ chập chờn đâu đó

Phố hồn nhiên mỗi ngày mở cửa đón

bình minh và gió

Chợt nhận ra mình đã nhuốm một

niềm yêu...

(trích bài thơ "Đà Nẵng" của tác giả)

Nguyễn Đức Nam