Khí đốt - “quân bài” để Nga tiến vào Châu Âu?

Thứ hai, 11/11/2019 14:55

Việc xây dựng Dòng chảy Phương Bắc 2, tuyến đường ống khí đốt tự nhiên kết nối khu vực Leningrad của Nga với phía Bắc nước Đức thông qua khu vực Baltic, gần như đã hoàn tất, nhưng những tranh cãi về dự án vẫn chưa chấm dứt.

Nga nỗ lực hoàn thành Dòng chảy Phương Bắc 2 vào cuối năm 2019.

Các tuyến đường mới

Tuần trước, Gazprom đã nhận được sự cho phép xây dựng tuyến cuối của Dòng chảy Phương Bắc 2 thông qua vùng lãnh hải của Đan Mạch. Được thiết kế để hỗ trợ Dòng chảy Phương Bắc 1 đã hoạt động, Dòng chảy Phương Bắc 2 sẽ bao gồm một cặp đường ống song song chạy dọc dưới đáy biển Baltic, với công suất hàng năm là 55 tỷ mét khối. Trong khi đó, Dòng chảy Nga- Thổ - chạy qua Biển Đen, kết nối miền nam nước Nga với Thổ Nhĩ Kỳ và sau đó tiếp tục chạy qua Bulgaria và Serbia và vào Hungary - sẽ đi vào hoạt động vào năm 2020 với công suất 31 tỷ mét khối.

Hai tuyến đường ống này là thành phần cốt lõi của Gazprom, nhằm tăng công suất cung cấp khí đốt cho các thủ đô giàu có nhưng nghèo năng lượng của Châu Âu. Gã khổng lồ dầu khí của Nga hiện cung cấp khoảng 40% tổng lượng dầu khí nhập khẩu của Châu Âu, thông qua ba tuyến hiện có: Dòng chảy Nga- Thổ 1, đường ống qua Ukraine, và đường ống qua Belarus. Với khả năng của các tuyến đường ống dẫn hiện có, nhiều câu hỏi được đặt ra về các tuyến đường ống mới. Dmitry Marinchenko, nhà phân tích về dầu khí tại Fitch chỉ ra rằng, cơ sở hạ tầng hiện có đủ để đáp ứng nhu cầu khí đốt hiện tại của Châu Âu. “Ngay cả khi nhu cầu của Châu Âu về khí đốt của Nga tăng lên, thì tất cả các tuyến cung ứng này đều có thể hoạt động hết công suất”, ông Marinchenko nói. Trên thực tế, Gazprom đang thực hiện một chương trình tối ưu hóa, mà đến năm 2020 sẽ giảm nguồn cung tuyến đường ống qua Ukraine xuống còn khoảng 10% mức hiện tại. Vậy thì, lý do đằng sau việc tăng khả năng cung cấp ở các tuyến đường mới trong khi giảm nguồn cung ở nơi khác là gì?

Giám đốc điều hành của Gazprom, ông Andreassey Miller cho biết, Dòng chảy Phương Bắc 2 tiết kiệm chi phí gấp 1,6 lần so với tuyến đường ống qua Ukraine. Cổ phiếu Gazprom đã tăng mạnh kể từ khi xuất hiện thông tin Đan Mạch đã bật đèn xanh cho Dòng chảy Phương Bắc 2, đạt giá trị cao nhất kể từ tháng 8-2008. Cty hiện có giá trị vốn thị trường là 98,8 tỷ USD.

Ai hưởng lợi?

Dòng chảy Phương Bắc 2 đang gây chia rẽ giữa các quốc gia EU. Nước được hưởng lợi chính của tuyến đường ống mới này là Đức, nhờ nguồn thu phí vận chuyển khí đốt, và Áo, điểm đến cuối cùng của tuyến đường cung cấp khí đốt mới, củng cố vị trí của nước này là trung tâm khí đốt chính của Châu Âu. Hungary cũng được lợi. Tổng thống Hungary Victor Orban gần đây cho biết sẽ tham gia vào Dòng chảy Nga- Thổ. Ba Lan, các nước vùng Baltic và Slovakia cũng sẽ bị tước thuế quan quá cảnh khi tuyến đường Ukraine dần mất đi ý nghĩa.

Dòng chảy Phương Bắc cũng khiến Mỹ, quốc gia có lợi ích đối đầu với Nga, lo lắng. Mỹ luôn tìm cách tăng doanh số bán khí đốt hóa lỏng của mình sang Châu Âu. Một số thượng nghị sĩ Mỹ đã đề nghị trừng phạt các Cty Châu Âu tham gia xây dựng tuyến đường ống mới của Nga. Đáp lại, Berlin đã cảnh báo Washington không nên can thiệp. “Những vấn đề liên quan đến chính sách năng lượng của Châu Âu phải được quyết định ở châu Âu, chứ không phải ở Mỹ”, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas gần đây khẳng định.

Hướng Đông

Doanh thu từ dầu khí chiếm khoảng 40% ngân sách nhà nước của Nga, một quốc gia nhìn cả về phía Đông lẫn phía Tây. Không có gì đáng ngạc nhiên khi quan điểm Đông-Tây cũng thể hiện trong việc xuất khẩu khí đốt của Gazprom. Cty này hiện đang nhắm đến cả hai đầu của lục địa Á-Âu. Sức mạnh của Siberia, tuyến đường ống dài 3.000 km nối Đông Siberia của Nga với Trung Quốc dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. Dự án, với chi phí ước tính 55 tỷ USD, là khoản đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của Moscow tại khu vực phía đông.

AN BÌNH