Khi Mỹ -Trung hằm hè ở biển Đông

Thứ ba, 19/05/2015 08:33

(Cadn.com.vn) - Khi Mỹ quyết định điều tàu chiến USS Fort Worth đến biển Đông tham gia tuần tra duyên hải, Washington ắt hẳn đã vạch ra chiến lược rõ ràng về vấn đề tranh chấp nóng bỏng ở vùng biển này.

Hình ảnh cho thấy hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc ở biển Đông. Ảnh: CSIS

Tín hiệu của Washington gửi đến Bắc Kinh là quá rõ ràng dù tàu chiến USS Fort Worth hoạt động tại vùng biển gần quần đảo Trường Sa nhưng chưa đi vào khu vực 12 hải lý (22km) quanh các đảo Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và đang tiến hành cải tạo đất. USS Fort Worth là một trong những tàu chiến hiện đại nhất của Hải quân Mỹ, chuyên dụng cho các khu vực biển cạn với hỏa lực mạnh có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng lúc.

Trong khi Hải quân Mỹ - lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới - không đề cập đến những tuyên bố cải tạo đất nhanh chóng của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa, việc điều tàu chiến USS Fort Worth đến biển Đông cho thấy rõ lo ngại của Lầu Năm Góc về khả năng Trung Quốc thiết lập Vùng Xác định Phòng không (ADIZ) trong vùng biển tranh chấp này. “Đó không phải là điều không thể tránh khỏi. Nhưng nếu đặt cược, tôi sẽ đặt cược vào cửa Bắc Kinh sẽ tuyên bố ADIZ ở biển Đông. Tôi chỉ không biết là khi nào”, Reuters dẫn lời một chỉ huy cấp cao của Mỹ nhận định.

Giới phân tích cho rằng, Bắc Kinh đang có những hành vi hung hăng tại biển Đông, chủ yếu với mục tiêu là thiết lập ADIZ, tương tự như Trung Quốc đã làm trên biển Hoa Đông từ năm 2013, vốn làm bùng nổ chỉ trích mạnh mẽ của Nhật và Mỹ. Nguy cơ này tăng cao khi hôm 7-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố không loại trừ khả năng thiết lập ADIZ trên các vùng biển tranh chấp và các đảo ở biển Đông. Việc thiết lập ADIZ sẽ giúp Trung Quốc mở rộng quyền kiểm soát bên ngoài biên giới quốc gia, yêu cầu máy bay dân sự và quân sự báo cáo lịch trình nếu không đối mặt nguy cơ bị đánh chặn.

Dù chưa rõ về âm mưu thiết lập ADIZ trên biển Đông, nhưng việc họ ráo riết bồi đắp tạo đảo nhân tạo của Trung Quốc đã khiến nhiều nước lo ngại. Các nước cũng rất quan ngại trước nguy cơ Trung Quốc hạn chế quyền tự do lưu thông qua khu vực này, một khi Bắc Kinh hoàn tất công việc bồi đắp và xây dựng cơ sở trên các hòn đảo nhân tạo.

Tuy nhiên, một nghiên cứu độc lập của Quốc hội Mỹ vào đầu năm nay ghi nhận, trong khi lực lượng không quân của Trung Quốc chủ động giám sát khu vực phòng không bằng radar mặt đất từ bờ biển của họ, Bắc Kinh nhìn chung thể hiện sự kiềm chế trong thực thi ADIZ ở biển Đông. Các máy bay của Trung Quốc dường như không có khả năng duy trì sự hiện diện liên tục ở khu vực này.

Dù không có nhiều nguy cơ về việc thiết lập ADIZ, biển Đông vẫn đầy nóng bỏng bởi tính chất phức tạp trong các tranh chấp, những tuyên bố vô lý của Trung Quốc và khả năng thách thức từ các lực lượng hải quân và không quân Mỹ. Trong vụ việc vô lý mới nhất, Trung Quốc ngang nhiên ra thông báo phạm vi và thời gian nghỉ đánh bắt cá ở biển Đông, hành động rõ ràng vi phạm chủ quyền của Việt Nam và các quy định Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982.

Vì những mối quan ngại trước hành động của Trung Quốc, Mỹ đã phải tỏ ra kiên quyết hơn. Nguy cơ đối đầu Trung-Mỹ là điều được nói đến nhiều trong thời gian qua, nhất là sau khi Washington có kế hoạch điều tàu chiến và máy bay đến biển Đông. Nguy cơ này càng hiện rõ khi tờ New York Times cho biết, Trung Quốc đã nâng cấp một nửa trong số 20 tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-5 để mỗi tên lửa như thế này có thể mang theo 3 đầu đạn thay vì 1 đầu đạn như trước đây.

Theo giới phân tích, đây là lần đầu tiên Trung Quốc bắt đầu nâng cấp kho tên lửa hạt nhân sau nhiều thập kỷ, động thái được đánh giá là nhằm phô trương sức mạnh trong bối cảnh Bắc Kinh-Washington có mâu thuẫn liên quan loạt đảo tranh chấp, kể cả ở biển Đông và biển Hoa Đông.

Khả Anh