Khí thế tiến công của những ngày lịch sử

Chủ nhật, 30/04/2023 07:47
Trong ký ức còn vẹn nguyên, ông Lê Thanh Vân, nguyên Bí thư Khu 3 Hòa Vang như sống lại những giờ phút hối hả thực hiện mệnh lệnh “giải phóng Đà Nẵng”. Để từ đó góp phần quan trọng vào chiến thắng 30-4-1975 lịch sử.
Nhân dân Đà Nẵng đón mừng Quân Giải phóng tiến vào thành phố ngày 29-3-1975. (Ảnh tư liệu)
Trung đoàn 38, Sư đoàn 2, Quân khu 5 cùng với Trung đoàn 97 Quảng Đà tiến công giải phóng sân bay Nước Mặn trong chiến dịch mùa xuân 1975. (Ảnh tư liệu)

Năm nay đã 86 tuổi, nhưng tinh thần và trí lực của ông Vân còn mẫn tiệp. Nhớ lại thời khắc chuẩn bị giải phóng thành phố, để từ đó mở ra hàng loạt chiến công trong Chiến dịch Mùa Xuân 1975, cứ như thước phim quay chậm trong tâm trí ông Vân, về thời điểm nhận lệnh “giải phóng Đà Nẵng” vào tối 26-3-1975, và công tác triển khai, tổ chức cho nhân dân nổi dậy.

Ông Vân thoát ly làm cách mạng từ năm 1961. Đến năm 1967-1970, được sự phân công của Đặc Khu ủy Quảng Đà, ông về hoạt động ở vùng quận 3 Sơn Trà, cho đến năm 1970 bị địch bắt, tù giam. Đến năm 1974, ông trở lại hoạt động tại Sơn Trà, với vai trò Phó Bí thư Quận ủy. Sau đó ông được phân công về làm Bí thư Khu 3 Hòa Vang, lãnh đạo nhân dân nổi dậy khởi nghĩa, cho đến khi thành phố giải phóng vào ngày 29-3-1975. Sau giải phóng, ông về làm Phó Bí thư Huyện ủy Hòa Vang. Đến năm 1976 được cử đi học, rồi trở về làm Phó ban, lên Trưởng ban Tổ chức chính quyền tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (tại Đà Nẵng, từ 2005, Ban Tổ chức chính quyền đổi thành Sở Nội vụ) cho đến lúc nghỉ hưu.

“Khu 3 là bàn đạp, vùng tiếp giáp của Đà Nẵng lúc bấy giờ. Để giải phóng Đà Nẵng, phải giải phóng Khu 3, giải phóng Hòa Vang để mở đường cho quân chủ lực tiến vào giải phóng thành phố”, ông Vân kể. Chiều 26-3, sau khi vượt qua nhiều đồn bốt của địch, tại thôn Quang Hiện, xã Điện Hòa (huyện Điện Bàn) ông được trực tiếp gặp đồng chí Trần Hưng Thừa, Ủy viên Ban Thường vụ Đặc Khu ủy Quảng Đà truyền mệnh lệnh “giải phóng Đà Nẵng”. “Cấp trên giao nhiệm vụ cho chúng tôi là huy động lực lượng tại chỗ nổi dậy bao vây, gọi hàng, bức rút làm tan rã toàn bộ quân địch đóng trên địa bàn, mở đường cho quân chủ lực tấn công giải phóng Đà Nẵng. Thời gian chậm nhất là đến ngày 30-3”, ông Vân nhớ lại.

Khu 3 lúc bấy giờ gồm 6 xã Hòa Phước, Hòa Đa (nay là phường Hòa Xuân), Hòa Lân, Hòa Phụng (nay là phường Hòa Quý), Hòa Long, Hòa Hải (nay là phường Hòa Hải). Tại đây, địch có một tiểu đoàn dù thuộc quân dự bị chiến lược được điều động từ Sài Gòn ra đánh chiếm lại Thượng Đức nhưng thất bại, lui về đây củng cố quanh núi Ngũ Hành Sơn. Một tiểu đoàn thủy quân lục chiến án ngữ cửa ngõ đông nam để bảo vệ Đà Nẵng.

Ngoài ra, còn có đại đội bảo an quận Hòa Vang đóng tại đồn Rơ Ni, một trung đội dân vệ của ngụy đóng ở Cồn Niêu (Hòa Hải), một đại đội thuộc Trung đoàn 51 đóng tại khu dồn Cống Tiềm (Hòa Long), một trung đội biệt phái của Trung đoàn 51 đóng tại khu dồn Khái Tây (Hòa Lân), một trung đội Bảo an đóng tại khu dồn Bình Kỳ (Hòa Phụng). Phía tây sông Mân Quang có sở chỉ huy Trung đoàn 51 đóng ở quán Tứ trên quốc lộ 1. Một đại đội bảo an, một trung đội dân vệ đóng tại Miếu Bông thuộc xã Hòa Phước. Địa bàn Hòa Đa còn có một trung đội bảo an đóng tại quán Đoai nam cầu Cẩm Lệ.

Thời điểm này, địa bàn Khu 3 Hòa Vang dân số khoảng 30.000 người. Phía ta, ngoài lực lượng chính trị, vũ trang của 6 xã còn có một đại đội độc lập trực thuộc Khu. Nhưng đến ngày 27-3, Bộ Tư lệnh Mặt trận 44 Quảng Đà có quyết định điều động để thành lập Tiểu đoàn 97, một đơn vị đảm nhận mũi tiến công phía đông nam vào thành phố.

Nhân dân Đà Nẵng đón mừng Quân Giải phóng tiến vào thành phố ngày 29-3-1975. (Ảnh tư liệu)

“Thời điểm nhận lệnh, tôi vừa phấn khởi, vừa âu lo. Phấn khởi là bởi ước mơ suốt hơn 20 năm chiến đấu, biết bao đồng bào, đồng chí đã hy sinh, gian khổ để chờ ngày giải phóng quê hương, thống nhất đất nước đang đến cận kề. Còn lo là bởi, lực lượng trong tay mỗi xã chỉ có một tiểu đội du kích với vũ khí thô sơ. Nhớ lại những ngày nổi dậy mùa xuân Mậu Thân 1968, nhân dân Khu 3 rầm rập bỏ ăn Tết để xuống đường, hàng ngũ chỉnh tề tiến vào thành phố để đấu tranh, lòng tôi tràn đầy tin tưởng. Với hơn 30.000 người dân trong phạm vi lãnh đạo của mình, tin tưởng vào hàng trăm đảng viên, đoàn viên cộng sản luôn sẵn sàng xả thân vì đại nghĩa.

Trên đường trở về, tôi hình thành kế hoạch triển khai. Tại buổi làm việc với xã Hòa Phước, tôi đã phổ biến tinh thần, quyết tâm: không trông chờ, ỷ lại lực lượng bên ngoài, mà phải huy động cho được lực lượng quần chúng, đi đầu là cán bộ, đảng viên, đoàn viên, du kích, trong đêm 28, chậm nhất là ngày 29-3 nổi dậy bao vây, bức rút cụm cứ điểm tại sở chỉ huy Trung đoàn 51 của địch từ quán Tứ ra đến chợ Miếu Bông, mở đường cho quân ta tiến vào giải phóng thành phố”, ông Vân kể. Tiếp đó, ông Vân lần lượt làm việc với các xã Hòa Đa, Hòa Lân để truyền đạt mệnh lệnh, phổ biến kế hoạch tiến công trên tinh thần tự lực, thông qua nòng cốt vận động quần chúng nổi dậy làm ta rã quân địch. Khi Hòa Lân hoàn thành nhiệm vụ, hỗ trợ cho Hòa Đa nổi dậy giải phóng, chậm nhất vào sáng ngày 29-3.

Tiếp đó, ông Vân đến xã Hòa Long để họp với 3 xã còn lại là Hòa Phụng, Hòa Long và Hòa Hải để phổ biến kế hoạch giải phóng các căn cứ, khu đồn của địch trên địa bàn. Từ kế hoạch cụ thể triển khai tại các xã, trong khí thế sục sôi, nhân dân các xã Khu 3 Hòa Vang đã đoàn kết, đồng loạt nổi dậy tấn công binh lính địch. Kết hợp với công tác binh vận, uy hiếp bằng vũ lực và sức mạnh quần chúng, quân và dân Khu 3 đã hoàn thành giải phóng các căn cứ, khu dồn của địch, bức rút, gọi hàng toàn bộ địch đóng tại các khu vực trên địa bàn Khu 3.

Đến 8 giờ sáng ngày 29-3, không còn ai trong địa bàn Khu 3 Hòa Vang còn cố thủ, tất cả hạ vũ khí. Nhân dân Khu 3 Hòa Vang, dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà nòng cốt là lực lượng cán bộ, đảng viên cả hợp pháp và bất hợp pháp đã phối hợp chặt chẽ với chiến trường chung nổi dậy quét sạch gần 2 trung đoàn địch cả chủ lực, cả bảo an dân vệ, giải phóng hoàn toàn Khu 3, mở đường cho hai cánh quân phía nam và đông nam tiến vào giải phóng thành phố. Cũng trong thời điểm này, Đảng ủy Khu 3 Hòa Vang dưới sự chỉ đạo của Thường vụ Đặc Khu ủy Quảng Đà đã chọn hàng chục cán bộ tăng cường cho quận 3 để tiếp quản. Sau khi giải phóng thành phố, nhiệm vụ của chính quyền cách mạng là vận động, kêu gọi lính ngụy ra trình diện, từ đó phân loại để quản lý; kêu gọi nhân dân trở về quê hương để khai hoang, phục hóa, xây dựng, khôi phục triển sản xuất…

Cùng với đó, công tác vận động, huy động nhân vật lực cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn được gấp rút triển khai. “Tại Khu 3, tôi trực tiếp vận động các gia đình thương nhân giàu có, các hãng xe tư nhân ủng hộ các chuyến xe đò để chở người, binh lực, cùng với các đoàn xe khác tiến về Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Những ngày tháng 4 năm 1975 không thể quên được, về một hào khí anh hùng. Hình ảnh từng dòng người, xe cộ, xe tăng, xe pháo rầm rập kéo về miền Nam, chuẩn bị cho trận đánh cuối cùng. Nhân dân khắp nơi hồ hởi, phấn khởi trước niềm tin về trận đánh lớn cuối cùng này sẽ diễn ra thắng lợi”, ông Vân kể.

Theo Báo Đà Nẵng