Khi thiếu nhi hát nhạc người lớn

Thứ ba, 31/05/2016 08:55

(Cadn.com.vn) - Ca khúc dành cho lứa tuổi thiếu nhi ở nước ta vốn rất hưng thịnh trong suốt chiều dài lịch sử âm nhạc của nước nhà. Từ trong chiến tranh đến ngày hòa bình, xây dựng đất nước, đã có không ít nhạc sĩ tên tuổi gắn với những ca khúc thiếu nhi như Phong Nhã, Hoàng Long-Hoàng Lân, Hàn Ngọc Bích, Nghiêm Bá Hồng, Bùi Đình Thảo, Phan Nhân..., với những tác phẩm để đời từ trước và sau năm 1975. Đó là chuyện đã qua, còn giờ đây, có một thực tế là ngày càng vắng bóng ca khúc hay dành cho thiếu nhi. Dẫn chứng là cách đây chưa lâu, khi Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam 2015 được công bố với nhiều giải ở hạng mục ca khúc, nhưng không tìm ra giải A cho ca khúc thiếu nhi.

Việc thiếu vắng dần ca khúc hay cho lứa tuổi măng non dẫn đến tình trạng “trưởng thành sớm” của các giọng ca thiếu nhi. Phổ biến là tình trạng các “ca sĩ nhí” hát nhạc người lớn. Thực trạng này càng thấy rõ thêm khi trong các sân chơi âm nhạc dành cho thiếu nhi, các ca sĩ nhí phải “gồng mình” thể hiện những bài hát viết cho người lớn. Từ đó dẫn đến chuyện “tuổi... không đuổi kịp ca khúc” là vậy. Mới đây người viết có xem trong Game show “Người hùng tí hon”-chương trình tìm kiếm tài năng dành cho trẻ em từ 4 -13 tuổi trong các lĩnh vực ca hát, khiêu vũ và biểu diễn tài năng, có một cô bé mới 9 tuổi  nhưng lại hát mấy bài hát của người lớn khá điệu nghệ như bài Tàu anh qua núi của Phan Lạc Hoa, rồi là Ngẫu hứng lý ngựa ô của Trần Tiến... Các tiết mục khác là của mấy bé từ 4 đến 12-13 tuổi, trong đó có cả những bé mới hơn tuổi mẫu giáo mà hát những bài nhạc nhạc trẻ, tình yêu trai gái, hoàn toàn không phù hợp với lứa tuổi của các em. Vậy mà được ban giám khảo rất “nghiêm túc” gồm những nhân vật nổi tiếng chấm điểm, tung hô, khen ngợi cùng với những tràng pháo tay tán thưởng của khán giả.

Cuộc thi Giọng hát Việt nhí tràn ngập các bài hát người lớn.

Nhìn lại các game show khác trên truyền hình, như The Voice Kids, Đồ Rê Mí... những mùa đầu còn giữ lập trường trung thành với các ca khúc cho thiếu nhi, nhưng dần về sau, các thí sinh nhí lần lượt thử sức với những ca khúc “nặng ký” như Bóng cây K’nia, Và tôi cũng yêu em, Đêm Trường Sơn nhớ Bác, Nobody của nhóm nhạc Hàn Quốc Wonder Girls… Các nhạc sĩ bậc đàn anh, đàn chị đã huấn luyện cho các bé hát về yêu đương trai gái, nhạc trẻ thời thượng và cả những bài ca mang tính hàn lâm. Không phủ nhận một số bé giọng rất tốt, nhưng khi hát những bài của người lớn, nhiều bé hát phải “lên gân” mướt mồ hôi, không còn gì nét hồn nhiên của trẻ thơ. Và chắc chắn rằng các bé làm sao hiểu hết được ý nghĩa của những ca từ mà đến cả người lớn nhiều khi cũng chưa chắc hiểu hết. Thiết nghĩ, chúng ta không nên khuyến khích và tạo điều kiện cho các cháu hát những bài hát người lớn như thế bởi giọng các cháu còn quá non nớt, lại chưa qua lớp thanh nhạc nào mà cứ cố mãi như thế e sẽ “vỡ” giọng lúc nào không hay. Đó là chưa nói đến việc tạo ra những ca sĩ “chín ép”.

Hai hiện tượng trên, nếu xâu chuỗi lại sẽ thấy có vẻ “ăn ý” với nhau. Một bên là ca khúc thiếu nhi nghèo nàn, vế kia là hiện tượng ca sĩ nhí thích và hát bài người lớn. Không ít cá nhân, đơn vị khi đứng ra tổ chức các game show ca nhạc thiếu nhi đã tâm sự rằng, thiếu bài hát thiếu nhi là vấn đề nan giải nhất khi thực hiện chương trình. Các hội nhạc sĩ từ trung ương đến địa phương tuy có phát động sáng tác cho thiếu nhi nhưng tác phẩm tham gia rất ít và đa số là không đạt yêu cầu. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân- Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam chia sẻ, tác phẩm dành cho trẻ em là trăn trở của hội, rất nhiều lần giải thưởng định kỳ hằng năm của hội thiếu vắng giải dành cho ca khúc thiếu nhi. Ông nhìn nhận, tác giả trẻ hiện không mặn mà với đối tượng này, bởi ca khúc thiếu nhi không đem lại cơ hội thành “top” thành “hit” trên thị trường, tạo danh tiếng và kiếm ra tiền. Bên cạnh đó, việc sáng tác thế nào để thiếu nhi ngày nay tiếp nhận và yêu thích cũng là một thách thức không nhỏ. Trong khi đó, trẻ em hiện nay có nhiều cơ hội tiếp cận cái mới, nhanh nhạy hơn và cái tôi, sự độc lập cũng bộc lộ sớm hơn. Do đó, nếu vẫn viết theo lối nhẹ nhàng, chậm rãi, giản đơn... như trước sẽ không còn được trẻ tiếp nhận.

Thiếu bài hát cho thiếu nhi không còn là chuyện mới và thực tế này, một lần nữa gióng lên cảnh báo về “vùng trũng” trong sáng tác ca khúc cho thiếu nhi.

Dân Hùng