Khoác áo mới cho Bảo tàng Điêu khắc Chăm

Thứ sáu, 19/02/2016 10:37

(Cadn.com.vn) - Ngày 18-2, Sở VH-TT và DL TP Đà Nẵng tổ chức khởi công nâng cấp, cải tạo Bảo tàng điêu khắc Chăm. Như vậy, Bảo tàng điêu khắc Chăm sẽ thoát cảnh mặc áo chật để đáp ứng nhu cầu phát triển.

Khi bàn về phương án xây mới hay trùng tu, nâng cấp Bảo tàng điêu khắc Chăm, từ các phiên họp HĐND đến các hội thảo đều thu hút sự quan tâm lớn của người dân và các nhà khoa học, nghiên cứu. Điều này rất dễ hiểu bởi Bảo tàng điêu khắc Chăm không chỉ là nơi trưng bày những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc lớn nhất thế giới của Vương quốc Chămpa cổ, có không gian kiến trúc đẹp nhất ở Việt Nam mà còn là một dấu ấn văn hóa riêng có của Đà thành. Chính vì lẽ đó, bất kể sự thay đổi nào dù nhỏ hay lớn ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm luôn được mọi người quan tâm.

Bảo tàng điêu khắc Chăm được xây dựng năm 1915, đến nay đã hơn trăm tuổi. Dù được nâng cấp và mở rộng vào những năm 1930, 1970 và năm 2000, tuy nhiên hiện nay Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã xuống cấp, không đáp ứng được yêu cầu phát triển, mà nhiều người ví von như “một cô gái đẹp mặc chiếc áo chật”.  Do kết cấu thiếu đồng bộ nên kiến trúc bảo tàng bộc lộ sự hư hỏng, mái thấm dột, tường ẩm mốc.  Tình trạng mở rộng, chắp nối kiến trúc qua các thời kỳ không chỉ gây khó khăn cho việc thiết lập lộ trình tham quan hợp lý cho du khách mà còn không đáp ứng được yêu cầu về bảo quản, bảo vệ hiện vật. Nhưng với việc UBND thành phố Đà Nẵng quyết định đầu tư nâng cấp, cải tạo Bảo tàng Điêu khắc Chăm, vấn đề này từng bước sẽ được giải quyết.

Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng tham gia lễ khởi công dự án nâng cấp, cải tạo Bảo tàng điêu khắc Chăm.

Dự án nâng cấp, cải tạo Bảo tàng Điêu khắc Chăm có tổng kinh phí đầu tư là 44,6 tỷ đồng, trong đó hạng mục cải tạo và xây lắp là hơn 22,1 tỷ đồng, hạng mục nội thất trưng bày là 22,4 tỷ đồng. UBND TP Đà Nẵng giao Sở VH-TT và DL điều hành dự án, Cty TNHH MTV 319 Miền Trung được chọn là đơn vị thi công. Về phương án nâng cấp, cải tạo bảo tàng, ông Trần Quang Thanh- Phó Giám đốc Thường trực Sở VH-TT và DL TP cho biết: Để trùng tu công trình hơn 100 tuổi này, ngành văn hóa và lãnh đạo thành phố đã cân nhắc rất nhiều phương án, tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, nhà văn hóa, cuối cùng đã chọn được phương án tối ưu.

“Nguyên tắc chung trong việc nâng cấp, cải tạo Bảo tàng Điêu khắc Chăm là bảo tồn nguyên trạng hình dạng kiến trúc của tòa nhà xây dựng 100 năm trước, tập trung thực hiện các hạng mục chống thấm, chống xuống cấp, tôn tạo bổ sung những hạng mục kiến trúc phụ trợ nhằm có thêm không gian chức năng để phát triển bảo tàng nhưng vẫn giữ được vẻ hài hòa với cảnh quan, đường nét kiến trúc chung. Việc nâng cấp, cải tạo nội thất trưng bày cũng được chú trọng để bảo quản và tôn thêm vẻ đẹp của hiện vật, sắp xếp lộ trình tham quan hợp lý, thuận tiện cho khách đến tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Việc thi công sẽ được thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, vừa thi công nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm của du khách. Công trình dự kiến hoàn thành vào tháng 3-2017”, ông Thanh nói.

Phát biểu tại buổi lễ khởi công, ông Đặng Việt Dũng- Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho rằng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm là công trình kiến trúc hết sức độc đáo, là một trong 12 bảo tàng trên cả nước được xếp hạng 1 và điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi đến với Đà Nẵng. Vì vậy việc nâng cấp, cải tạo bảo tàng có ý nghĩa quan trọng, ngoài yêu cầu phục vụ phát triển, thì dự án cũng là công trình văn hóa để chào mừng “Tuần lễ cấp cao APEC” tại Đà Nẵng vào năm 2017. Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND TP Đặng Việt Dũng yêu cầu trong quá trình nâng cấp, cải tạo, các sở, ngành, đơn vị thi công cần tập trung triển khai thực hiện tốt các hạng mục, chú trọng đến yếu tố chất lượng, tính thẩm mỹ để Bảo tàng Điêu khắc Chăm trở thành bảo tàng vừa mang dáng dấp kiến trúc cổ vừa hiện đại trong cách bố trí, trưng bày, xứng đáng là điểm nhấn văn hóa của Đà Nẵng. Trong thời gian thi công, bảo tàng vẫn hoạt động đón khách bình thường nên đơn vị thi công cần đảm bảo an toàn cho du khách tham quan.

Cùng với những công trình văn hóa trọng điểm khác như Bảo tàng Mỹ thuật, Cung thiếu nhi... việc Bảo tàng Điêu khắc Chăm được thành phố đầu tư kinh phí lớn để nâng cấp, cải tạo đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc xây dựng thiết chế văn hóa. Đó là niềm vui lớn cho văn hóa Đà Nẵng.

Hoàng Anh