Giải thưởng văn học nghệ thuật năm 2017:

Khoảng cách giữa các cây bút chuyên và không chuyên ngày càng rút ngắn

Thứ sáu, 19/01/2018 15:11

59 tác phẩm văn học nghệ thuật (VHNT) xuất sắc năm 2017 được vinh danh tại lễ trao giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam diễn ra ngày 17-1, tại Hà Nội.

Vở kịch "Kiều" của tác giả Nguyễn Hiếu trên sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam.  

Giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2017 đã lựa chọn được những tác phẩm xuất sắc trong năm. Các hội văn học nghệ thuật chuyên ngành ở trung ương, địa phương gửi tham dự những tác phẩm xuất sắc nhất đã được xuất bản, tham gia triển lãm, công bố, trình diễn, được công chúng mến mộ.

Qua Giải thưởng năm 2017 có thể thấy tác phẩm văn học nghệ thuật của các hội viên vẫn duy trì theo khuynh hướng truyền thống; các tác giả trẻ có thể hiện sự tìm tòi, đổi mới nhưng nội dung, chủ đề vẫn bám sát đời sống, truyền thống đạo lý của dân tộc. Đặc biệt, nhiều tác phẩm khai thác đề tài thời sự của đất nước, như vấn đề bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo. Mỗi chuyên ngành văn học nghệ thuật đều có đặc thù riêng nên chất lượng giải thưởng các chuyên ngành năm 2017 cũng thể hiện nhiều tính riêng biệt.

Năm nay, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trao 2 hệ thống giải cho các tác giả, tác phẩm xuất sắc. Trong đó, 8 giải thưởng được trao cho các tác giả là hội viên hội VHNT chuyên ngành trung ương. Đó là các tác phẩm: Vở kịch "Kiều", tác giả Nguyễn Hiếu, đạo diễn Phạm Văn Tú (Nhà hát kịch Việt Nam); công trình Nhà thiếu nhi TP Hồ Chí Minh của kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu; 2 bộ phim tài liệu "Hai đứa trẻ", đạo diễn Tạ Quỳnh Tư-Nguyễn Quốc Khánh và "Bức thông điệp lịch sử" của đạo diễn Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Minh Chuyên; công trình "Nhạc lễ dân gian người Việt ở Nam bộ", tác giả Nguyễn Thị Mỹ Liên; ảnh bộ "Nghi thức dựng cây Nêu của đồng bào Cơ Tu H. Tây Giang, tỉnh Quảng Nam" của Lê Trọng Khang; công trình nghiên cứu và đào tạo "Âm nhạc dân tộc Việt Nam" do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Toàn chủ biên; tập truyện ngắn "Búp thông xanh" của Đinh Su Giang; tuyển tập bài viết về nghệ thuật múa Việt Nam do Nghệ sĩ Nhân dân Chu Thúy Quỳnh chủ biên. 51 Giải thưởng được trao cho các tác giả là hội viên các hội VHNT địa phương, trong đó có 2 giải A, 9 giải B, 15 giải C, 20 giải Khuyến khích và 5 giải dành cho tác giả trẻ. Hai giải A được trao cho: Truyện và ký "Trầm" của Phạm Phát (Đà Nẵng); ảnh bộ "Ươm cà-phê bằng phương pháp nhân giống hữu tính" của tác giả Trần Thị Mùi (Đắc Lắc).

Theo nhận xét của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam: điều đáng mừng là khoảng cách giữa các cây bút nghiệp dư và hội viên hội VHNT chuyên ngành ngày càng được rút ngắn. Hy vọng rằng, trong thời gian không xa, các cây bút nghiệp dư sẽ tham gia vào đội ngũ làm VHNT chuyên nghiệp của đất nước.

Mỹ Bình