Khơi thông “ốc đảo” nghèo

Thứ sáu, 12/08/2022 18:46
Trở lại “ốc đảo” Trường Định, xã Hòa Liên, H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng) hôm nay, chúng tôi khá ấn tượng trước những đổi thay của vùng quê này.
Nông dân Trường Định phấn khởi thu hoạch vụ tôm nước lợ. Ảnh: Vy Hậu
Hạ tầng giao thông thôn Trường Định được phát triển đồng bộ.

Từ một miền quê nghèo, cơ sở hạ tầng thấp kém, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, đến nay, Trường Định đã có một diện mạo tươi mới với kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ; hình thức sản xuất nông nghiệp phù hợp, phát triển theo hướng hàng hóa gắn với thương mại dịch vụ; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, nâng cao.

Nhiều cư dân địa phương cho biết, cách đây 20 năm, Trường Định vẫn là vùng quê nghèo một mặt giáp sông, một mặt tựa vào núi, giao thông cách trở, trình độ dân trí chưa cao và các hoạt động nông nghiệp chủ yếu canh tác theo tập quán cũ, làm nhiều nhưng hiệu quả thấp. Giờ đây, mọi thứ đổi thay đến ngỡ ngàng. Nhà văn hóa, đường sá vào thôn, nhiều ngôi nhà mới kiên cố được xây dựng, những chiếc xe tải chở hàng hóa vào đến tận thôn đã giúp cuộc sống bà con nơi đây nhộn nhịp, sôi động hơn nhiều. Đặc biệt, các sản phẩm nông nghiệp sản xuất tại đây tiếp tục được người tiêu dùng vùng nội thành ưa chuộng…

Được biết, Trường Định là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của xã Hòa Liên. Không chỉ chạy theo xu thế thị trường, người dân đã biết chọn loại cây trồng, con vật nuôi phù hợp, trồng theo quy hoạch của địa phương và biết ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất. Các vùng chân ruộng cao không đủ nước tưới cho vụ lúa hè thu được nông dân chuyển sang trồng cây ăn quả theo hướng luân canh cho năng suất cao. Vùng màu mỡ, đủ nước thì duy trì trồng lúa 2 vụ. Vùng chân ruộng thấp, các ao hồ hay đầm nước canh tác không ổn định và bỏ hoang thì cải tạo lại để nuôi trồng thủy sản. Các mô hình kinh tế phát triển bền vững như nuôi tôm nước lợ có tổng diện tích mặt nước 24ha với 36 hộ canh tác, sản lượng hằng năm đạt 84 tấn với nguồn thu gần 29,2 tỷ đồng/năm; dưa hấu Hắc mỹ nhân theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 20ha đã giúp người dân thu nhập cao gấp 4-5 lần so với trồng lúa. Có thể nói, thịt tôm, dưa hấu nước lợ ở đây rất ngon, ngọt nên bán được giá đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người nông dân. Ngoài ra, vùng đất này còn đang mở rộng thêm nhiều mô hình mới như trồng lúa hữu cơ, nuôi cua, cá dìa xen kẽ vụ mùa để hạn chế rủi ro do thiên tai…

Theo Trưởng thôn Trường Định Võ Văn Thành, khởi đầu của sự vươn lên thoát nghèo bền vững ở “ốc đảo” này chính là sự hòa quyện của “Ý Đảng - lòng dân”. Cụ thể, năm 1999, Nhà nước đầu tư đường điện đến thôn, kể từ đó người dân bắt đầu có điện thắp sáng, phát triển sản xuất. Năm 2010, chiếc cầu bắc qua sông Cu Đê nối thôn với tuyến ĐT601 được đưa vào sử dụng. Song, phải đến khi H. Hòa Vang triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tuyến đường đất ven núi dài 6km kết nối với P.Hòa Hiệp Bắc (Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng) và các đường giao thông kiệt xóm, nội đồng được thảm nhựa, bê-tông hóa thì Trường Định mới thật sự chuyển mình.

Nông dân Trường Định phấn khởi thu hoạch vụ tôm nước lợ. Ảnh: Vy Hậu

Việc giao thương hàng hóa, dịch vụ với đất liền chính thức được khơi thông, không còn cách trở đò ngang, mở ra cơ hội thuận lợi cho người dân đi lại và các em học sinh được đến trường an toàn, không còn thấp thỏm trong mỗi mùa mưa lũ. Hộ nghèo giảm dần, nông dân phấn khởi mỗi khi bước vào thời vụ mới. Các sản phẩm nông nghiệp phong phú, được nuôi, trồng theo quy hoạch, người dân tuy vẫn phải lao động vất vả nhưng thu nhập cao hơn hẳn trước đây. Những hộ nuôi tôm lãi từ 50-70 triệu đồng/vụ, dưa hấu lãi từ 15-20 triệu đồng/vụ….

Có thể thấy, vùng đất ven sông này đang vươn vai đứng dậy với một tâm thế mới, sức sống mới và không còn là “ốc đảo” nghèo.

Vy Hậu