Không cần quy định về Hội đồng Hiến pháp trong dự thảo
(Cadn.com.vn) - Thực hiện các nghị quyết của T.Ư Đảng, Quốc hội về sửa đổi Hiến pháp năm 1992, thời gian qua, cán bộ, đảng viên và đông đảo các tầng lớp nhân dân đã nhiệt liệt hưởng ứng, tích cực tham gia góp ý vào việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Hoạt động lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (DTSĐHP1992) đã thực sự là đợt sinh hoạt chính trị dân chủ, sâu rộng trong toàn xã hội. Đồng bào, chiến sĩ cả nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã có nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn và trách nhiệm về cả nội dung và kỹ thuật lập hiến đối với hầu hết các chương, điều của Dự thảo, trong đó có nhiều ý kiến không đồng tình với việc quy định về Hội đồng Hiến pháp.
Với trách nhiệm công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tôi đồng tình với các ý kiến cho rằng với điều kiện cụ thể của nước ta, không cần quy định Hội đồng Hiến pháp trong DTSĐHP1992, mà tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành, tăng cường trách nhiệm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan khác của Nhà nước trong việc bảo vệ Hiến pháp. Bởi lẽ, vấn đề bảo vệ Hiến pháp ở nước ta đã được quy định rất rõ và cụ thể ở tất cả các bản Hiến pháp được ban hành trong lịch sử. Đó là Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992. Trong Hiến pháp năm 1992 hiện hành, các Điều 79, 84, 91, 103, 112, 114... đã quy định cụ thể về vấn đề bảo vệ Hiến pháp. Điều 84 Hiến pháp năm 1992 đã quy định: "Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây: 1. Làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp, làm luật và sửa đổi luật; quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; 2. Thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội..."; Điều 91 Hiến pháp năm 1992 quy định: "Ủy ban Thường vụ Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây: ...3. Giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh... 5. Giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; giám sát hoạt động của Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC...".
CATP Đà Nẵng tổ chức lấy ý kiến CBCS góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ảnh: K.T |
Cụ thể hóa các quy định trên của Hiến pháp năm 1992, nhiều đạo luật đã được ban hành, trong đó có các quy định bảo vệ Hiến pháp, như: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân... Ví dụ: Điều 27 Luật Tổ chức Quốc hội quy định: "Ủy ban Pháp luật có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây: ... 3. Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật đối với các dự án luật, dự án pháp lệnh trước khi trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua... 6. Giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, văn bản quy phạm pháp luật liên tịch giữa các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ở trung ương hoặc giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách".
Như vậy, các quy định của Hiến pháp và các luật này đã giao nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp cho nhiều cơ quan đảm nhiệm, mà trách nhiệm cao nhất thuộc về Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, Tòa án, Viện kiểm sát, chính quyền địa phương các cấp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội. Những quy định này rất chặt chẽ, cụ thể để kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong các hoạt động và quyết định của các cơ quan, tổ chức và cá nhân.
Thực tiễn thi hành Hiến pháp năm 1992 cho thấy, trong những năm qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ... đã thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mà Hiến pháp quy định, trong đó đã làm tốt nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp, pháp luật, góp phần quan trọng vào việc tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Nếu như thành lập thêm Hội đồng Hiến pháp thì rõ ràng sẽ chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ... và phải sửa đổi các luật có liên quan, gây tốn kém, lãng phí.
Từ góc độ quán triệt thực hiện các quan điểm chỉ đạo của Đảng đối với việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khóa XI) về việc triển khai thực hiện chủ trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 đã xác định quan điểm sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992: "Tiếp tục kế thừa những quy định của Hiến pháp năm 1992 và các bản hiến pháp trước đây còn phù hợp; đồng thời, chỉ sửa đổi, bổ sung những vấn đề thực sự cần thiết, phù hợp với tình hình mới và những nội dung đã được Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng xác định"; Kết luận Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và những nội dung cơ bản về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 cũng chỉ rõ: "Tiếp tục kế thừa những quy định của Hiến pháp năm 1992 và các bản hiến pháp trước đây còn phù hợp. Chỉ sửa đổi những vấn đề đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, đã có đủ cơ sở, được sự thống nhất cao".
Quán triệt các quan điểm chỉ đạo trên của Đảng, cần tiếp tục kế thừa những quy định của Hiến pháp năm 1992 và các bản hiến pháp trước đây, cũng như các quy định trong Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân... về cơ chế bảo vệ Hiến pháp đang còn phù hợp, mà không cần quy định Hội đồng Hiến pháp trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Lê Minh