Không khí lạc quan trước thềm Hội nghị Mỹ – Triều

Thứ ba, 12/06/2018 11:21

Nhà Trắng ngày 11-6 phản ứng lạc quan trước thông tin Triều Tiên sẵn sàng thảo luận về vấn đề phi hạt nhân hóa và hòa bình trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, diễn ra ngày 12-6 tại Singapore.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (ảnh trái) đến Singapore trong ngày 10-6, trước Tổng thống Donald Trump (ảnh phải) vài giờ đồng hồ.  Ảnh: AP

Chỉ còn vài giờ nữa, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử ở Singapore. Mọi công đoạn chuẩn bị cho hội nghị quan trọng này đã sẵn sàng. An ninh được thắt chặt ở mức “siêu tuyệt đối”. Và điều quan trọng hơn, có rất nhiều kỳ vọng lạc quan về hội nghị lần này.

Nhiều kỳ vọng

Cả hai lãnh đạo Mỹ-Triều đã đến “đảo quốc sư tử” từ ngày 10-6, sẵn sàng cho cuộc gặp mặt song phương trực tiếp đầu tiên kể từ sau cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

Nhà Trắng phản ứng lạc quan trước thông tin Triều Tiên sẵn sàng thảo luận về vấn đề phi hạt nhân hóa và hòa bình. Trong tuyên bố đưa ra hôm 11-6, chỉ một ngày trước khi diễn ra cuộc gặp quan trọng với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Trump cho rằng, hội nghị lần này ở Singapore sẽ “có kết quả rất tốt”. “Chúng tôi sẽ có cuộc họp đặc biệt thú vị vào ngày mai, và tôi nghĩ mọi việc sẽ đạt kết quả rất tốt”, ông Trump nói trong cuộc họp  trưa với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.

Trong chiều 11-6, tại Singapore, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo họp báo để thông báo một số chi tiết liên quan cuộc gặp thượng đỉnh. Trong đó, ông Pompeo nhấn mạnh, việc giải trừ hạt nhân hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược là “kết quả duy nhất” mà Mỹ có thể chấp nhận, đồng thời nhấn mạnh, Washington “háo hức chờ xem” liệu Bình Nhưỡng có thái độ chân thành đối với vấn đề phi hạt nhân hóa hay không. Ông Pompeo cũng cho biết thêm Washington sẵn sàng cung cấp cho Triều Tiên những đảm bảo an ninh “thiết yếu độc nhất vô nhị”, nếu Bình Nhưỡng khởi động quá trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược.

Tại Triều Tiên, trong bài viết đầu tiên về hội nghị thượng đỉnh, hãng tin KCNA của Triều Tiên cho biết, hai bên sẽ trao đổi “các quan điểm rộng lớn và sâu sắc” để thiết lập lại các mối quan hệ. Và KCNA cũng đặt kỳ vọng, hội nghị thượng đỉnh như là một phần của “thời đại đã thay đổi”. Nhưng vấn đề đặt ra là Triều Tiên vẫn luôn bác bỏ bất kỳ sự giải trừ hạt nhân đơn phương nào, và tuyên bố của KCNA lần này về phi hạt nhân hóa có nghĩa là Bình Nhưỡng muốn Mỹ loại bỏ “chiếc ô hạt nhân” mà Mỹ vẫn dùng để bảo vệ Hàn Quốc và Nhật Bản.

Nhưng vẫn còn hoài nghi

Trong cuộc gặp này, Washington được cho sẽ tập trung việc đề nghị Bình Nhưỡng cần phi hạt nhân hóa một cách hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược. Theo giới phân tích, dù phía Mỹ đang bước vào các cuộc đàm phán với cảm giác rất lạc quan nhưng họ cũng vẫn còn đó những hoài nghi. Cộng đồng quốc tế cũng chia làm hai phe.

Iran ngày 11-6 nhấn mạnh, vẫn còn hoài nghi về triển vọng đối thoại Mỹ - Triều, đồng thời cảnh báo Bình Nhưỡng cần nêu cao cảnh giác trước những lời hứa hẹn từ phía Washington. Tehran còn nhấn mạnh, hành động của Tổng thống Trump trong việc từ bỏ thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Tehran với các cường quốc thế giới, chứng tỏ ông ấy là một đối tác không đáng tin cậy.

Tuy nhiên, từ Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-in bày tỏ tin tưởng vào sự thành công của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều. Ông Moon Jae-in mong muốn cuộc gặp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Trump sẽ giúp loại bỏ mối quan hệ thù địch và đạt được một thỏa thuận tuyệt vời để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, từ Malaysia, Thủ tướng Mahathir Mohamad kêu gọi các nước không nên hoài nghi về thái độ hòa giải gần đây của Triều Tiên. Ông Mahathir cho rằng nỗ lực của Bình Nhưỡng nhằm cải thiện quan hệ với Mỹ cũng như từ bỏ vũ khí hạt nhân cũng sẽ giúp xoa dịu căng thẳng ở Đông Nam Á.

Thành công hay không thành công?

Trong khi chi tiết cuộc gặp thượng đỉnh không được công bố, các nhà thương lượng dường như muốn làm sáng tỏ vấn đề có khả năng xóa tan hoài nghi liên quan các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa trong quá khứ: Biện pháp ngay tức thì nào cần được thực hiện để đảm bảo tiến trình phi hạt nhân hóa được thực thi một cách bền vững?

Trên thực tế, dù hoài nghi nhưng cả thế giới đều đặt rất nhiều kỳ vọng vào bàn hội nghị thượng đỉnh lần này. Bởi lẽ, sự thất bại của hội nghị Mỹ - Triều sẽ gây nên “sự thất kinh khiếp đảm” trên vũ đài thế giới. Một chuyên gia lo ngại, nếu các cuộc đàm phán với ông Kim Jong-un thất bại, phản ứng của ông Trump sẽ là một cuộc chiến ngay tức thì. Trên thực tế, đội ngũ hoạch định chính sách đối ngoại của ông Trump hiện nay toàn những gương mặt “diều hâu”. Ông chủ Nhà Trắng đã loại bỏ tất cả những người “chín chắn” và những nhân vật còn lại như Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton hay Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley đều có thể khiến thế giới phải “sửng sốt”.

Một kết cục thất bại nhiều khả năng cũng sẽ làm tái diễn sự thù địch ở mức độ cao hơn giữa Washington và Bình Nhưỡng, hơn cả những gì thế giới từng chứng kiến hồi năm ngoái khi cả hai liên tục đe dọa lẫn nhau liên quan đến các vụ thử tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.

KHẢ ANH