Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội đàm với Thủ tướng nước Lào Thongsing Thammavong:

Không làm thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông nếu tác động lớn đến môi trường và nhân dân

Thứ bảy, 18/07/2015 07:53

(Cadn.com.vn) - Chiều 17-7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng nước CHDCND Lào Thongsing Thammavong đang có chuyến thăm làm việc nội bộ tại Việt Nam. Hai Thủ tướng đã trao đổi và nhất trí cao các phương hướng lớn và biện pháp cụ thể để tăng cường, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai nước trong thời gian tới.

Theo đó hai bên sẽ tập trung phối hợp, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các thỏa thuận đạt được tại Cuộc gặp thường niên giữa hai Bộ Chính trị năm 2015, tại Kỳ họp lần thứ 37 Ủy ban Liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam - Lào tháng 1-2015; tổ chức các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao với nhiều hình thức; phối hợp tổ chức tốt kỷ niệm các ngày lễ trọng đại của hai nước trong năm 2015 và trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Thủ tướng Thongsing Thammavong.

Về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, hai Thủ tướng nhất trí hai bên phối hợp chặt chẽ để triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại mới và Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào; đẩy mạnh trao đổi thương mại trong 6 tháng cuối năm 2015, phấn đấu thực hiện được mục tiêu đạt 2 tỷ USD vào năm 2015.

Cuộc họp của Nhóm Công tác Liên hợp Việt Nam - Campuchia

Thực hiện thỏa thuận giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia, ngày 16-7, Nhóm Công tác Liên hợp Việt Nam - Campuchia đã đến thực địa (khu vực giữa mốc số 202 - 203 thuộc ấp Bình Bắc, xã Bình Hòa Tây, H. Mộc Hóa, tỉnh Long An, Việt Nam), nơi xảy ra vụ bạo lực do một số phần tử quá khích Campuchia gây ra ngày 28-6-2015.

Tại thực địa, hai bên đã kiểm tra, làm rõ nơi xảy ra xô xát, đồng thời nghe ý kiến của các nhân chứng hai bên và xác định nguyên nhân của vụ việc. Nhóm công tác phía Campuchia bày tỏ sự thăm hỏi và mong nhận được sự thông cảm của những người Việt Nam bị thương.

Sau khi kết thúc làm việc trên thực địa, hai bên tiến hành hội đàm tại tỉnh Svay Rieng, Campuchia và nhất trí kiên quyết không để sự việc tương tự vụ việc xảy ra ngày 28-6-2015 tái diễn, đồng thời khẳng định tôn trọng các Hiệp ước và Hiệp định đã ký kết và Thông cáo báo chí chung ký ngày 17-1-1995.

TTXVN

Trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, biên giới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên phối hợp chặt chẽ để ngăn chặn kịp thời các âm mưu khủng bố, phá hoại; tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm; vận động nhân dân tham gia quản lý đường biên giới; tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân ở các tỉnh biên giới, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển. Phối hợp trong đấu tranh phòng chống buôn bán ma túy; tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam.

Về hợp tác về giao thông vận tải, hai Thủ tướng nhất trí phối hợp vận động tài trợ để sớm triển khai một số tuyến giao thông nối liền giữa hai nước; thực hiện tốt mô hình kiểm tra “một cửa, một lần dừng” tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Densavan, tổng kết để xem xét áp dụng tại các cặp cửa khẩu khác. Thúc đẩy kết nối năng lượng giữa hai nước.

Bên cạnh đó, hai bên cũng nhất trí triển khai hiệu quả Đề án hợp tác song phương về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020. Đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tăng cường giao lưu, hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, thông tin truyền thông, khoa học và công nghệ, du lịch. Tăng cường giáo dục về truyền thống quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, nhất là cho các thế hệ trẻ.

Về các vấn đề khu vực và quốc tế, hai Thủ tướng đều nhấn mạnh tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến phức tạp, khó lường. Cho rằng việc giữ vững hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông, nơi có tuyến hàng hải toàn cầu đi qua là lợi ích và trách nhiệm chung của tất cả các nước trong khu vực và trên thế giới. Hai bên nhất trí tăng cường đoàn kết, phối hợp chặt chẽ tại diễn đàn ASEAN, khu vực và quốc tế trong thúc đẩy giải quyết hòa bình các tranh chấp ở biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và các thỏa thuận khu vực. Việt Nam khẳng định sẽ nỗ lực cao nhất để hỗ trợ Lào đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2016.

Về vấn đề thủy điện trên dòng chính Mê Kông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Việt Nam hết sức ủng hộ việc khai thác thủy điện để phát triển KT-XH của Lào. Tuy nhiên Việt Nam là nước cuối nguồn nước sông Mê Kông, cuộc sống của 20 triệu người dân đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguồn nước Mê Kông.

Do vậy, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đặc biệt quan tâm đến vấn để sống còn này; đồng thời mong muốn các bạn Lào chia sẻ, thấu hiểu sự quan tâm, lo lắng của Việt Nam. Về vấn đề này, Thủ tướng Thongsing Thammavong bày tỏ nhất trí với ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và nhấn mạnh hai bên cần tiếp tục trao đổi cũng như sẽ cùng lắng nghe kết quả nghiên cứu chung về tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông dự kiến công bố vào tháng 12-2015.

“Nếu thực sự việc xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính Mê Kông có ảnh hưởng, tác động lớn tới môi trường và đời sống của nhân dân thì nhất định chúng ta không nên làm” - Thủ tướng Thongsing Thammavong nói.

TTXVN