Không nhiều kỳ vọng về Hội nghị hòa bình cho Ukraine

Thứ hai, 17/06/2024 14:21

Ngày 15-6, Hội nghị thượng đỉnh về hòa bình cho Ukraine đã bắt đầu ngày họp đầu tiên tại khu nghỉ dưỡng Burgenstock ở Lucerne, Thụy Sĩ. Hội nghị được kỳ vọng sẽ đặt ra lộ trình để cả Ukraine và Nga tham gia vào tiến trình hòa bình trong tương lai, chấm dứt cuộc xung đột hiện nay ở quốc gia Đông Âu này. Tuy nhiên, việc thiếu sự tham gia của Nga đã khiến cho hội nghị này khó có cơ hội thành công.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (giữa) đến Thụy Sĩ tham dự Hội nghị thượng đỉnh về hòa bình cho Ukraine. Ảnh: AFP
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (giữa) đến Thụy Sĩ tham dự Hội nghị thượng đỉnh về hòa bình cho Ukraine. Ảnh: AFP

Theo kế hoạch, hội nghị về Ukraine diễn ra trong 2 ngày 15, 16-6. Trước đó, Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ cho biết nước này đã mời hơn 160 phái đoàn tham dự hội nghị, trong đó có các quốc gia thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và một số tổ chức quốc tế. Nga không nằm trong danh sách được mời tham dự hội nghị lần này. Ngoài ra, Trung Quốc cũng nằm trong số các nước chọn không tham dự.

Mục đích của hội nghị thượng đỉnh lần này là nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình trong tương lai và xác định các yếu tố thực tế, cũng như các bước có thể giúp hiện thực hóa tiến trình như vậy. Ukraine kỳ vọng hội nghị thượng đỉnh ở Thụy Sĩ sẽ gây đủ áp lực buộc Nga chấm dứt xung đột, song giới quan sát không lạc quan về điều này. Ukraine và Nga đang mắc kẹt trong cuộc chiến đẫm máu bùng phát kể từ tháng 2-2022. Nga được cho là đang giữ thế chủ động trên chiến trường, khi Ukraine phải lui về phòng thủ và hứng chịu nhiều tổn thất do nhiều tháng thiếu hụt đạn dược, vũ khí do phương Tây viện trợ. Khi xung đột bước sang năm thứ ba, ông Zelensky cũng hy vọng đưa vấn đề của Ukraine trở lại tâm điểm ngoại giao toàn cầu, sau nhiều tháng thế giới bị phân tâm vì xung đột ở Dải Gaza.

Mặc dù không có mặt nhưng Tổng thống Vladimir Putin đã đưa ra các đề xuất hòa bình từ quan điểm lập trường của Moscow. Hôm 14-6, ông Putin nói "các điều kiện rất đơn giản". Nga sẽ ngừng bắn và tham gia đàm phán hòa bình nếu Ukraine rút toàn bộ lực lượng ra khỏi bốn khu vực Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia ở miền đông và miền nam Ukraine mà Moscow tuyên bố chủ quyền. Tổng thống Putin cũng cho biết Nga đang tìm kiếm "tình trạng trung lập, không liên kết, phi hạt nhân, phi quân sự hóa và phi phát xít hóa của Ukraine". Ông Putin cũng không quên đưa ra cảnh báo: "Nếu Kiev và các thủ đô phương Tây từ chối, đó là lựa chọn của họ, là trách nhiệm chính trị và đạo đức của họ đối với việc tiếp tục đổ máu". Tổng thống Putin cho rằng tình hình quân sự của Kiev sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu Ukraine từ chối đề nghị.

Ngay lập tức, nhà lãnh đạo Ukraine và giới chức Tây phương cự tuyệt thẳng thừng "Đây là thông điệp tối hậu thư không khác gì những thông điệp trước đây", Tổng thống Ukraine Zelensky tuyên bố. Ukraine cho biết bất kỳ yêu cầu nào về phi quân sự hóa hoặc tính trung lập trong tương lai sẽ khiến nước này phải đối mặt với các cuộc tấn công tiếp theo của Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói với các phóng viên tại trụ sở Khối liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở thủ đô Brussels (Bỉ) rằng ông Putin "không ở vị thế có thể ra lệnh cho Ukraine những gì họ phải làm để mang lại hòa bình". Còn Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói: "Đây không phải là một đề xuất được đưa ra một cách thiện chí". Ông Stoltenberg nói thêm: "Đây là một đề xuất Nga hy vọng rằng người Ukraine sẽ từ bỏ nhiều đất đai hơn so với những gì Nga có thể chiếm giữ cho đến nay".

Giới chuyên gia tin rằng hội nghị hòa bình ở Thụy Sĩ sẽ là cơ hội để Ukraine và các nước phương Tây lôi kéo sự ủng hộ quốc tế lớn hơn với Kiev, từ đó tăng áp lực ngoại giao với Moscow. Hội nghị được coi là một nỗ lực mang tính biểu tượng hơn là mang tính thực chất của Kiev, nhằm tập hợp cộng đồng quốc tế để đối phó lại nước Nga có sức mạnh quân sự và nhân lực tốt hơn. Đây cũng là cố gắng trong một loạt các nỗ lực mang tính đa phương của phương Tây để hỗ trợ cho Ukraine và nhằm cô lập nước Nga, hơn là nhắm tới mục tiêu tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình cho cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về hòa bình cho Ukraine diễn ra ở Thụy Sĩ ngày 15-6, Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan Al Saud cho rằng để giải quyết tình hình ở Ukraine, cần thực hiện mọi nỗ lực nhằm cải thiện đối thoại giữa Kiev và Moscow. Ngoại trưởng Al Saud cũng cho rằng bất kỳ cuộc đàm phán đáng tin cậy nào nhằm tìm kiếm hòa bình cho Ukraine cũng đều cần có sự tham dự của Nga.

Cũng tại hội nghị, Thủ tướng Đức Olaf Scholz lưu ý không thể đạt được hòa bình nếu không có sự tham gia đối thoại của Nga và có thể đạt được điều này trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc. Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Charles Michel nhận định hòa bình sẽ chỉ đạt được thông qua đối thoại, do đó, Kiev phải tự quyết định khi nào họ sẵn sàng cho một bước đi như vậy. Đồng quan điểm, Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd cho rằng nếu muốn hòa bình, đến một lúc nào đó Nga cần phải tham gia vào quá trình đàm phán. Tổng thống Chile, ông Gabriel Boric nhận định rằng sự hiện diện của Nga có ý nghĩa then chốt trên bàn đàm phán.

Cùng ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết sẽ trình bày với Nga đề xuất chấm dứt xung đột sau khi được cộng đồng quốc tế nhất trí. Ông Zelensky đưa ra cam kết trên trong bài phát biểu tại hội nghị. Tổng thống Zelensky bày tỏ hy vọng hội nghị thượng đỉnh này sẽ đặt nền móng cho một giải pháp "công bằng và lâu dài" với Moscow. Tuy nhiên, ông không đề cập đến khả năng sẵn sàng đàm phán trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

AN BÌNH

Cánh cửa NATO ngày càng hẹp với Ukraine

Ukraine luôn thúc đẩy tham vọng gia nhập NATO để đảm bảo an ninh tương lai, song cánh cửa này đang đóng lại vì điều đó sẽ làm suy yếu cơ hội tái đắc cử của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Nga đang cân nhắc ý tưởng tổ chức hội nghị quốc tế hòa bình về xung đột Ukraine

Ngoại trưởng Sergey Lavrov cho biết Nga đang cân nhắc ý tưởng tổ chức hội nghị quốc tế hòa bình về giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine với sự tham gia của cả Moscow và Kiev, như sự tiếp nối những nỗ lực của Trung Quốc nhằm tạo điều kiện giải quyết cuộc khủng hoảng này.

Tổng thống Putin lên tiếng về khả năng Liên bang Nga sử dụng vũ khí hạt nhân

Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo phương Tây rằng Moskva có thể sử dụng mọi phương tiện sẵn có để tự vệ nếu chủ quyền hoặc toàn vẹn lãnh thổ của nước này bị đe dọa.