Nga đang cân nhắc ý tưởng tổ chức hội nghị quốc tế hòa bình về xung đột Ukraine

Thứ sáu, 31/05/2024 15:30

Ngoại trưởng Sergey Lavrov cho biết Nga đang cân nhắc ý tưởng tổ chức hội nghị quốc tế hòa bình về giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine với sự tham gia của cả Moscow và Kiev, như sự tiếp nối những nỗ lực của Trung Quốc nhằm tạo điều kiện giải quyết cuộc khủng hoảng này.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: Reuters
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: Reuters

Về ý tưởng tổ chức hội nghị hòa bình quốc tế kịp thời để đảm bảo sự tham gia bình đẳng của Nga và Ukraine, cũng như thảo luận về tất cả các sáng kiến hòa bình hiện có, chúng tôi coi đây là sự tiếp nối những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tạo điều kiện giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine. Chúng tôi chia sẻ quan điểm rằng, trước hết, cần loại trừ nguyên nhân gốc rễ, bảo đảm lợi ích chính đáng của các bên", Sputnik dẫn tuyên bố của ông Lavrov cho hay.

Ngoại trưởng Nga nói thêm các thỏa thuận trong tương lai về việc giải quyết cuộc xung đột Ukraine phải dựa trên nguyên tắc an ninh bình đẳng và không thể tách rời nhau. Ông Lavrov cũng lưu ý Nga tin rằng Mỹ đã trở thành đồng phạm với tội phạm của Kiev, khi đề cập đến các cuộc tấn công tên lửa của Ukraine vào các thành phố của Nga. "Trong chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ, Nga được gọi là mối đe dọa trước mắt. Mỹ và NATO tuyên bố rõ ràng rằng mục tiêu của họ là gây ra 'thất bại chiến lược' đối với đất nước chúng ta. Trong bối cảnh này, số phận dân thường các thành phố của Nga không được Nhà Trắng lưu tâm", ông Lavrov nói.

Theo Ngoại trưởng Nga, Mỹ thực sự đang làm trầm trọng thêm cuộc xung đột ở Trung Đông bằng cách đưa ra cam kết về một giải pháp công bằng cho vấn đề Palestine. "Người Mỹ tiếp tục công khai nói về cam kết của họ đối với một giải pháp công bằng cho vấn đề Palestine. Trên thực tế, họ đang đổ thêm dầu vào ngọn lửa đối đầu vũ trang", ông Lavrov cho hay.

Trong khi đó, theo Reuters, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cáo buộc Nga tìm cách ngăn cản hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine và gây áp lực để các nước tránh dự sự kiện này. "Nga sẽ không thể cản trở hội nghị thượng đỉnh dù họ đang rất nỗ lực làm điều đó. Nga đang gây áp lực lên các lãnh đạo, công khai đe dọa về sự bất ổn tới nhiều quốc gia", Tổng thống Zelensky nói hôm 29-5.

Ông Zelensky đề cập đến hội nghị thượng đỉnh hòa bình về xung đột Ukraine dự kiến diễn ra tại thành phố Lucerne ở Thụy Sĩ ngày 15, 16-6. Ukraine muốn coi hội nghị là nơi để gây áp lực lên Nga và thúc đẩy hòa bình theo sáng kiến của mình. Đề xuất hòa bình 10 điểm mà ông Zelensky đưa ra yêu cầu Nga rút quân khỏi lãnh thổ được quốc tế công nhận của Ukraine, đồng nghĩa Moscow phải từ bỏ cả 4 khu vực mà họ sáp nhập hồi năm ngoái, cùng bán đảo Crimea. Tổng thống Zelensky cho biết Ukraine đang nỗ lực đảm bảo hội nghị có đông đảo các nước tham dự. Chính phủ Thụy Sĩ cho biết đã mời 160 phái đoàn, nhưng không mời Nga. Ông Zelensky tuần trước nói hơn 80 quốc gia đã xác nhận tham gia hội nghị.

Điện Kremlin tuyên bố sẵn sàng đàm phán chấm dứt xung đột với Kiev và nói rằng dự thảo hòa bình được Nga - Ukraine thảo luận vào đầu xung đột năm 2022 có thể là khởi đầu cho tiến trình đàm phán hiện nay. Dự thảo có 18 điều khoản, đề cập tới tình trạng trung lập và giới hạn quy mô lực lượng vũ trang Ukraine, cũng như các bảo đảm an ninh cho nước này khi xung đột kết thúc.

Theo đó, Ukraine cam kết đưa trạng thái "trung lập vĩnh viễn" vào hiến pháp, trong khi Nga, Mỹ, Anh, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Belarus sẽ là những quốc gia bảo đảm an ninh cho nước này. Dự thảo cũng yêu cầu hoãn đàm phán về tình trạng của các khu vực đang do Nga kiểm soát. Nga cũng bác bỏ công thức hòa bình của ông Zelensky và cho rằng bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng phải tính đến "thực tế mới". Nga đã sáp nhập 4 tỉnh Ukraine gồm Kherson, Zaporizhzhia, Donetsk, Lugansk và tuyên bố sẽ không bao giờ từ bỏ 4 tỉnh này.

AN BÌNH

Mở đường cho Ukraine dùng vũ khí Nato tấn công lãnh thổ Nga

Nhà ngoại giao hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho biết, ngoại trưởng các nước thành viên EU tại cuộc họp hôm 27-5 đã thảo luận về việc dỡ bỏ các hạn chế ngăn chặn Ukraine sử dụng vũ khí do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cung cấp để tấn công bên trong lãnh thổ Nga.

Châu Âu lo ngại nếu ông Trump tái đắc cử

Viễn cảnh ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ khiến nhiều đồng minh và các quốc gia châu Âu không khỏi lo lắng, trong bối cảnh khu vực đang đối mặt nhiều rối ren.