Khủng hoảng kinh tế, Lebanon hợp pháp hóa cần sa y tế

Thứ năm, 23/04/2020 19:38

Đối mặt với sự sụp đổ tài chính, chính phủ Lebanon muốn tìm kiếm các nguồn thu mới.

Thung lũng Beqaa của Lebanon, nơi những người nông dân trồng cần sa đã sống ngoài vòng pháp luật trong nhiều thập kỷ, có thể sẽ sớm xuất khẩu cây trồng của họ một cách hợp pháp.   Ảnh: Asia Times

Hôm 21-4, Quốc hội Lebanon bỏ phiếu hợp pháp hóa việc trồng cần sa sử dụng cho y tế, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế tại nước này đang trở nên trầm trọng hơn do đại dịch Covid-19.

Việc bỏ phiếu hợp pháp hóa  việc trồng cần sa cho mục đích y tế là nhằm có thêm doanh thu cho nền kinh tế đang bị tê liệt. Trước đây, Lebanon từng cấm trồng,    bán và tiêu thụ cần sa, nhưng việc sản xuất cần sa bất hợp pháp tại khu vực phía đông nước này đã phát triển qua nhiều thập kỷ, trở thành một ngành công nghiệp trị giá hàng triệu USD. Trong bối cảnh đất nước phải vật lộn với nền kinh tế bị suy giảm nghiêm trọng, trong cuộc họp Quốc hội, các nghị sĩ    đã chấp thuận phân bổ lại khoản vay 40 triệu USD từ Ngân hàng  Thế giới để chống dịch Covid-19. Hiện Lebanon đã có 677 người nhiễm SARS-CoV-2 và 21 người thiệt mạng.

Biểu tình chống chính phủ

Bên ngoài Quốc hội, hàng chục người biểu tình đã tìm cách hồi sinh phong trào phản kháng chống chính phủ khổng lồ từng làm rung chuyển Lebanon từ tháng 10-2019, trước khi dịch Covid-19 buộc nước này phải phong tỏa trên toàn quốc.

Một mục đích khác trong chương trình nghị sự của phiên họp Quốc hội 3 ngày lần này là đưa ra những đề xuất về luật ân xá chung, nhưng động thái này đã không được tiến hành. Jad Assaileh, một người biểu tình trẻ cho biết, hôm nay, thay vì thông qua luật ân xá chung, họ nên thông qua luật về sự độc lập của ngành tư pháp. “Chúng tôi muốn thu hồi số tiền bị đánh cắp”, người này cho biết, đề cập đến cáo buộc rằng giới thượng lưu Lebanon đã chuyển hàng tỷ USD ra khỏi đất nước trong khi công dân thường xuyên bị ngân hàng ngăn không cho rút tiền tiết kiệm. Các cuộc biểu tình tương tự đã diễn ra tại các thành phố Sidon và Tripoli.

Đồng tiền sụt giảm giá trị

Lebanon đang rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ sau cuộc nội chiến 1975-1990. Giờ đây tình hình càng thêm tồi tệ do nước này đang phải vật lộn để ngăn chặn sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Theo ước tính chính thức, tỷ lệ người nghèo đói trong dân số, đã tăng lên 45%.

Là một trong những quốc gia mắc nợ nhiều nhất thế giới với khoản nợ tương đương 170% GDP, Lebanon đã không thể thanh toán lần đầu tiên vào tháng trước. Khi đất nước phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng thanh khoản, các ngân hàng đã cấm chuyển tiền ra nước ngoài và dần dần hạn chế sau đó cấm hoàn toàn việc rút đồng USD vào tháng trước. Đồng bảng Lebanon trong những tháng gần đây đã mất một nửa giá trị chính thức của nó trên thị trường chợ đen. Đầu tháng này, các ngân hàng đã đưa ra tỷ giá ở mức 2.600 bảng Lebanon cho 1 USD, nhưng hôm 21-4, những người đổi tiền trên thị trường chợ đen đã đưa ra mức hơn 3.200 bảng Lebanon cho 1 USD.

Bất hòa về kế hoạch ân xá

Dự luật ân xá chung nhằm trả tự do cho hàng ngàn người bị giam giữ và đình chỉ lệnh bắt giữ đối với hàng ngàn người khác vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi.

Những người ủng hộ - bao gồm các phong trào Hezbollah của người Shiite và Amal cũng như Phong trào Tương lai của người Sunni – cho biết Dự luật ân xá mới có thể làm giảm sự quá tải của các nhà tù với 9.000 tù nhân hiện nay. Nhưng những người chống đối, trong đó có khối các nghị sĩ Cơ đốc giáo của Tổng thống cho rằng, dự luật chỉ là một nỗ lực nhằm tăng cường sự ủng hộ của dân chúng.

AN BÌNH