Khuyến cáo của Cảnh sát PCCC sau vụ hỏa hoạn 4 người thiệt mạng
Vụ cháy ở phố Tôn Đức Thắng (phường Hàng Bột, quận Đống Đa, Hà Nội) giữa đêm 4/4/2021 và một số vụ hỏa hoạn thương tâm gần đây là nỗi ám ảnh, nỗi đau khôn nguôi với không chỉ gia đình các nạn nhân mà cả cộng đồng. Mỗi người dân cần ý thức và tự trang bị kiến thức, kỹ năng PCCC để ngăn cháy và thoát hiểm khi "bà hỏa" ghé thăm...
Trở lại diễn biến vụ cháy, khi xảy ra cháy khoảng 0h20 và mấy phút sau lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Đống Đa đã có mặt. Lúc này đám cháy đã bốc cao, hàng xóm xung quanh phát hiện sự việc cũng đã tìm cách dập lửa, phá cửa để cứu người. Tuy nhiên, do căn nhà thiết kế dạng nhà ống, để nhiều hàng hóa là bỉm, đồ trẻ sơ sinh, thùng các-tông... toàn vật liệu dễ cháy nên khi diễn biến vụ cháy xảy ra rất nhanh.
Xe thang được điều đến nhưng không thể tiếp cận đám cháy. |
"Cấu tạo ngôi nhà phía trước chỉ có tầng 1 và gác xép, các tầng 2,3 và tầng tum chỉ được xây lên phía bên trong, nên xe thang được đưa đến nhưng chúng tôi không thể tiếp cận từ bên ngoài. Đằng sau tum thiết kế khung sắt, không có lối thoát nên anh em chỉ có thể phun chống cháy lan chứ không thể vào bằng đường này", Trung tá Nguyễn Minh Thành, Phó Trưởng Công an quận Đống Đa (Hà Nội) lý giải. Chính ngôi nhà chỉ có lối thoát hiểm duy nhất ở tầng 1 đã gây khó khăn rất lớn cho việc kịp thời giải cứu người và tài sản, cũng như công tác cứu nạn, cứu hộ sau này.
Do đó, hàng năm, lực lượng Cảnh sát PCCC Đống Đa vẫn tuyên truyền, phổ biến pháp luật, khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp an toàn PCCC, đề nghị mỗi gia đình cần xây dựng một lối thoát nạn thứ hai cho mình. Như căn nhà 311 Tôn Đức Thắng, khu vực tầng tum có khung sắt nhưng được hàn kín, không hề có cửa để thoát sang nhà bên cạnh. Do đó, dù gia đình ông Thi biết cháy nhưng khi chạy lên tum cũng không có lối ra, trong khi khói theo cầu thang bốc lên nơi cao nhất.
Căn nhà hình ống bịt kín lối thoát hiểm của gia đình. |
"Công an quận Đống Đa thường xuyên đến tận nhà tuyên truyền, phát tờ rơi, yêu cầu người dân ký cam kết bảo đảm an toàn về PCCC. Đầu tháng 2-2021, UBND phường, Công an phường Hàng Bột cũng phối hợp các cơ quan kiểm tra, yêu cầu các hộ dân ký cam kết, song người dân vẫn chủ quan", Trung tá Nguyễn Minh Thành thông tin. Chính gia đình nạn nhân Nguyễn Thạc Thi cũng đã ký cam kết đầy đủ, nên vụ cháy thương tâm cũng khiến lực lượng chức năng cảm thấy xót xa khi hậu quả đã được báo trước mà vẫn không tránh được.
Theo Đại úy Dương Minh Hoàng, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC Công an quận Đống Đa, gia đình nạn nhân sử dụng diện tích nhà ở để kinh doanh, để rất nhiều bỉm, đồ trẻ em có nhiều chất liệu bông vải sợi, các vật liệu dễ cháy, thùng các-tông... ở nhiều khu vực trong nhà: tầng 1, gác xép bằng gỗ, khu vực cầu thang, tầng tum nên khi cháy thì dễ cháy lan, kéo dài.
Do đó, cơ quan Công an khuyến cáo mỗi gia đình trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày cần bố trí, sắp xếp vật dụng, hàng hóa cụ thể rành mạch đâu là phòng ăn, phòng ở, phòng thờ, phòng để hàng..., tránh lẫn lộn không gian giữa các phòng. Đồng thời khi xảy ra cháy dù nhỏ hay lớn đều phải biết cách xử lý, dập tắt dám cháy và thoát nạn.
Bên trong ngôi nhà bị cháy chứa rất nhiều bỉm, đồ sơ sinh, vật liệu dễ cháy. |
Đại tá Lê Văn Hiến, Phó Trưởng Công an quận Đống Đa cho rằng, mặc dù lực lượng Công an đã phối hợp các cơ quan liên quan tuyên truyền, tổ chức ký cam kết đến từng hộ dân, nhưng đối với những ngôi nhà ống không có lối thoát hiểm như thế này thì nguy cơ xảy ra cháy sẽ vẫn còn chực chờ, và còn cháy thì còn thương vong. "Thiết kế nhà kín mít, khói hun lên trên thì người dân sẽ chết ngạt trước khi chết cháy. Nếu mỗi người dân không tự ý thức PCCC thì cơ quan chức năng có làm tốt, cảnh báo đến mấy nguy cơ cháy cũng rất cao", ông nhấn mạnh.
Theo Đại tá Lê Văn Hiến, trong vụ cháy trên, việc dập lửa diễn ra rất nhanh do xảy ra buổi đêm đường vắng, khoảng cách từ nơi lực lượng Cảnh sát PCCC đến hiện trường khá gần, kết hợp với tính chuyên nghiệp của lực lượng làm nhiệm vụ. Tuy nhiên nguy hiểm nhất là việc chết ngạt diễn biến chỉ trong mấy phút.
"Không chỉ vụ cháy này mà nhiều vụ khác, chưa cháy xong thì nạn nhân đã tử vong rồi, vì họ không còn lối thoát nên khói hun lên đặc quánh là có thể ngất lịm đi, sau đó tử vong. Tức có thể vừa mới cháy nhưng hậu quả nặng nề đã xảy ra", Phó Trưởng Công an quận Đống Đa giải thích. Từ đó anh kiến nghị mỗi gia đình cần chú trọng thiết kế để không bịt kín lối thoát hiểm của nhà mình.
Tầng tum bịt kín bởi khung sắt, nơi phát hiện 4 thi thể. |
Quá trình chỉ huy anh em CBCS tổ chức chữa cháy và giải cứu thi thể nạn nhân mắc kẹt trong đám cháy, Thiếu tá Thịnh Vũ Khanh, Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Đống Đa cũng cho hay, CBCS của Đội đang trong đợt cao điểm tăng cường làm nhiệm vụ cấp Căn cước công dân (CCCD). Tuy nhiên những người lính chữa cháy vẫn không quên nhiệm vụ, chỉ cần thấy lửa bốc lên ở nhà dân là sẵn sàng lao vào đám cháy để cứu nạn cứu hộ, giúp dân dập lửa.
Đó là hình ảnh đẹp của Thiếu úy Nguyễn Ngọc Lâm, cán bộ Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Đống Đa. Ngày 3-4, đồng chí cùng một số CBCS trong Đội được cắt cử theo tổ làm CCCD ở Trường Tiểu học Tam Khương (phường Khương Thượng, quận Đống Đa). Hơn 0h trên đường về nhìn thấy dám cháy, Thiếu úy Lâm đã đến hiện trường cùng người dân hỗ trợ công tác xử lý ban đầu.
Lực lượng Công an đang tiếp tục điều tra nguyên nhân vụ cháy. |
"Ngày hôm qua đồng chí Lâm không biên chế trong ca trực chữa cháy, vì chúng tôi xác định thời gian làm công tác cấp CCCD suốt từ sáng đến đêm nên phân công những đồng chí khác. Nhưng nhìn thấy cháy thì đồng chí đã chủ động đến hiện trường xử lý, đây cũng là một trong những CBCS tham gia chữa cháy từ đầu", Thiếu tá Thịnh Vũ Khanh thông tin.
Ngoài tinh thần "vì dân phục vụ", chính hành động nhanh nhẹn phối hợp người dân xung quanh phá cửa ban đầu (trước khi xe chữa cháy đến) của Thiếu úy Lâm đã giúp lực lượng chức năng nhanh chóng đưa 3 chiếc xe máy để ở tầng 1 ra ngoài, ngăn chặn hậu quả cháy nổ lớn có thể xảy ra khi các phương tiện này đang bị om nóng ở tầng 1 căn nhà. Đến 4h đồng chí được nghỉ thay ca, để rồi sáng nay, 4/4 tại tiếp tục tăng cường cho tổ cấp CCCD...
"Công an quận Đống Đa cũng khuyến cáo mỗi gia đình nên có phương án PCCC cho riêng mình. Trong đó cần trang bị những phương tiện chống cháy ban đầu (bình chữa cháy) và chống khói ban đầu (mặt nạ phòng độc). Chẳng hạn mặt nạ phòng độc trùm kín đầu không chỉ giúp chống ngạt khói mà vật liệt sử dụng có amiăng chống cháy, kể cả lửa tạt vào cũng không bị ảnh hưởng. Cùng với đó cần quản lý tốt nguồn lửa trong đun nấu, hệ thống thiết bị điện trong khi sử dụng... để tránh xảy ra cháy nổ, gây hậu quả đáng tiếc" - Trung tá Nguyễn Minh Thành, Phó Trưởng Công an quận Đống Đa lưu ý. |
>> Clip: Chỉ huy Công an quận Đống Đa thông tin vụ cháy xảy ra tại số nhà 311 phố Tôn Đức Thắng