"Kiếm sống" ở đường 9 (2)

Thứ năm, 27/02/2014 09:14

* Kỳ cuối: Hàng lậu nhét tay

(Cadn.com.vn) - Nếu hàng lậu muốn vận chuyển với số lượng lớn lọt QL9 phải xây dựng cho mình một hệ thống cửu vạn, địa điểm tập kết hàng, đường tiểu ngạch... khá phức tạp thì trái lại những người chuyên "tay xách, nách mang" phải đơn phương độc mã.

Chuyến xe khách từ Lao Bảo về Bến xe Đông Hà hôm ấy đông nghịt. Đang lơ mơ hưởng thụ cảm giác thay đổi tốc độ đột ngột bởi bác tài liên tục lên ga xuống thắng để đón thượng đế. Giọng của người ngồi bên nói nhỏ vào tai: "Chú em cho chị gửi gói hàng này nhé. Qua khỏi Trạm Kiểm soát liên ngành phía trước chị xin lại", rồi chị ta tiện tay gửi mỗi người một ít. Hỏi thăm cái gì thì chị bảo: "Vài ba gói Jet đấy mà, chú cứ bảo lên đây chơi mua về hút hay biếu người nhà thì ai làm gì chú chứ. Nhìn ăn bận lịch sự thế kia ai mà bảo là con buôn chú hè".

Xe dừng lại ở Trạm kiểm soát liên ngành. Sau một hồi kiểm tra, thoát. Chiếc xe lao đầu cắm cổ chạy về xuôi. Chị phụ nữ mở lời lịch sự xin lại số hàng. Đi được một quãng vài trăm mét, chiếc xe cơ động của lực lượng kiểm tra phía trên chạy tít xuống dưới xuôi để "tái kiểm" cho chắc chắn chờ sẵn. Nhanh như cắt chị gửi lại số hàng với lời dặn chắc như đinh đóng cột rằng bảo em mua về hút nhé. Tôi ầm ờ cho qua chuyện.

Tất cả hành khách đều được hỏi thăm, cái kiện đen để sát mép ghế tôi được chú ý. Một người kiểm tra ghé sát vào cửa kính hỏi: "Cái kia là của anh à?". Tôi vẫn nín thinh. Sinh nghi, câu hỏi lần trước được nhắc lại. Lần này thì tôi phải lắc đầu vì nó có phải là của tôi đâu, đành thất hứa với người chị ngồi bên cạnh. Người giấu giếm bị lật tẩy. Chị hết đường, bèn van xin: "Chỉ có vài bao thuốc thôi mà, không đáng giá là bao đâu các anh. Em chỉ kiếm cơm qua ngày thôi mà". Nhưng, luật đã quy định thì không thể làm trái được. Ánh mắt chị đượm buồn vì xót của.

Hành khách thường được nhờ vả mang dùm ít hàng để che mắt lực lượng chức năng.

Xe vẫn chạy, mọi người an ủi. Tôi phải thành thật xin lỗi chị vì nếu trong đó không phải là thuốc lá bình thường mà thứ khác thì sao, tai họa có thể ập đến bất cứ lúc nào. Chị cười: "Cũng phải chú à! Chắc chú lần đầu đi xe mà có người lạ gửi đồ thế này phải không? Tôi làm nghề này kiếm cơm thôi, chả giàu có được đâu vì buôn lẻ tẻ đó mà. Ngày nào cũng đi nên đâm ra quen mặt, nhìn thấy mình là họ biết con buôn nhỏ rồi mà". Tôi đánh bạo: "Sao chị không nhờ đội ngũ cửu vạn phía trên khu vực kiểm soát vận chuyển qua đường tiểu ngạch mà chịu mất hàng thế này. Lúc ngang qua thấy chúng chạy đầy đường đó mà". "Buôn rau cải, về tiện tay nhét túi một vài bao thuốc lá, cân đường, lon bò húc làm lộ phí thôi. Buôn lớn thì vốn ở đâu ra hả chú. Mà nói thật nhé, buôn có bạn bán có phường, người ta buôn lớn mới cần đến cửu vạn, tập kết, vận chuyển chứ mình thì nhằm nhò gì".

Làm ăn kinh tế đều có lớn nhỏ cả, hàng lậu cũng thế. Kẻ nhiều tiền lắm của thì tổ chức buôn lớn, lãi lớn, mà mất cũng lớn. Người vốn nhỏ thì làm nhỏ nhưng cái mất của họ quả thực làm nhiều người phải xé lòng. Nhìn cảnh người phụ nữ "con buôn nhỏ" mang dáng dấp một nông dân mà mọi người trên xe thương cảm. Trách thì ít mà thương thì nhiều.

Có người trên chuyến xe khuyên chị đừng có dây dưa với ba loại hàng đó nữa. Người ta ăn bạc đống chán chê chưa ăn thua gì huống hồ mình cóp nhặt từng tí một. Lời đâu chả thấy mà có khi còn dính dáng đến pháp luật là khổ lắm. Chị tâm sự rằng buôn rau cải thì có lời lãi bao nhiêu đâu, mình phải bỏ thêm một ít để kiếm tiền xe đò chứ.

Hàng lậu được ngụy trang trong những lô hàng nông sản cồng kềnh lọt về xuôi.

Tôi hỏi rằng có nhiều người buôn nhỏ lẻ như chị trên các chuyến xe khách về xuôi không chị bảo rằng đa số đều có cả. Nhưng đã ngồi xe khách thì số lượng hàng đếm trên đầu ngón tay thôi, dựa vào may mắn là chủ yếu. Có trường hợp bạn của chị thường lấy tinh bột sắn về cung cấp cho miền xuôi. Không biết lần mò thế nào mà bỏ vào đó vài cân đường cát Thái Lan. Bao bì chọc thủng để kiểm tra thế là về đến Bến xe Đông Hà cả bột cả đường lẫn lộn vào nhau. Lỗ nặng, thế là lần sau nhất quyết không làm nữa.

Trước lúc chia tay, người phụ nữ còn kịp kể cho tôi nhiều câu chuyện về những chuyến buôn xuyên QL9. Từng thớ hàng miền núi về xuôi được xếp lên xe ôm, nhưng cũng có những cái đã mất hẳn. Quả thực người xưa thường bảo rằng đã là con buôn thì không sinh lợi không làm. Nhưng trong trường hợp này có nhiều người chấp nhận trắng tay và đôi khi dính dáng đến pháp luật để xuyên thủng QL9.

Vỹ thanh

Từ Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đến Trạm kiểm soát liên ngành H. Hướng Hóa, Quảng Trị chỉ vỏn vẹn 20 km nhưng có đến ba, bốn nơi đóng chốt chắc chắn trên QL9. Tình trạng hàng lậu ở đây hết sức nhức nhối mặc dù lực lượng chức năng vẫn túc trực trên cung đường này nhưng hàng lậu vẫn nhởn nhơ chất đống ở sát nách. Có lẽ đây là một điều bình thường trên những cung đường bất thường vùng biên ải?

Bùi Đức Tú