Kiến nghị xử lý tro xỉ và môi trường tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân
Ngày 8-5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận làm việc với UBND tỉnh để ghi nhận những kiến nghị đối với Trung ương. Liên quan đến vấn đề tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân (đóng tại H. Tuy Phong), ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cho biết: Theo quy hoạch đã được phê duyệt, tỉnh Bình Thuận có năm dự án nhà máy nhiệt điện (Vĩnh Tân 1, 2, 3, 4 và 4 mở rộng) thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân tại xã Vĩnh Tân. Để đảm bảo hoạt động của các nhà máy nêu trên, tỉnh đã quy hoạch khu vực bãi thải xỉ để đổ tro, xỉ với diện tích khoảng 181ha. Khi các nhà máy ở Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân đi vào hoạt động thì theo thiết kế bãi xỉ dự kiến chỉ chứa được khoảng hơn 2 năm là đầy.
Lượng tro xỉ khổng lồ do nhiệt điện Vĩnh Tân thải ra. |
Hiện nay, để tiêu thụ nhanh và hiệu quả lượng tro, xỉ còn tồn tại tại bãi và thải ra trong thời gian tới, phương án sử dụng làm vật liệu san lấp công trình hạ tầng giao thông, kè, cảng là khả thi nhất. Tuy nhiên, để triển khai thực hiện, vẫn còn thiếu một số tiêu chuẩn, chỉ dẫn kỹ thuật và các định mức kinh tế kỹ thuật liên quan.
Theo ý kiến của Bộ Xây dựng tại Công văn số 2897/BXD-KHCN ngày 19-11-2018 các hướng dẫn, chỉ dẫn kỹ thuật sẽ được ban hành trong thời gian tới nên hiện nay chưa thể làm vật liệu san nền. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng không nung còn gặp nhiều khó khăn nên chưa triển khai đẩy mạnh sản xuất để tiêu thụ đáng kể lượng tro xỉ theo công suất dự kiến. Đến nay, lượng tro xỉ phát sinh từ quá trình hoạt động của các nhà máy chủ yếu được vận chuyển, lưu trữ ở bãi thải xỉ, chưa được sử dụng làm vật liệu xây dựng, vật liệu san nền... nên gây áp lực quá tải bãi xỉ, tạo nguy cơ ô nhiễm môi trường. Đây là vấn đề rất bức xúc của tỉnh và nhân dân khu vực này.
Để giải quyết vấn đề xử lý tro xỉ và môi trường tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn quốc gia, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật đối với sử dụng tro, xỉ nhiệt điện làm nguyên liệu san lấp, đắp nền đường; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu và đề xuất các phương án sử dụng tro, xỉ với khối lượng lớn trong các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, kè, cảng, theo tinh thần đã làm việc với tỉnh Bình Thuận và Thông báo số 136/TB-BXD.
UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm hướng dẫn việc xử lý tro, xỉ, thạch cao trong sản xuất vật liệu xây dựng, coi quá trình sản xuất vật liệu xây dựng có sử dụng tro, xỉ, thạch cao trực tiếp là quá trình xử lý tro, xỉ, thạch cao; hướng dẫn việc chôn lấp tro, xỉ, thạch cao trong trường hợp tro, xỉ, thạch cao không thể sử dụng được.
Tại buổi làm việc ông Huỳnh Thanh Cảnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, ghi nhận những kiến nghị về các vấn đề bức xúc của tỉnh. Tùy theo từng nội dung kiến nghị của UBND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội sẽ sắp xếp làm việc với các bộ, ngành liên quan để sớm giải quyết những vướng mắc khó khăn, tạo điều kiện sớm triển khai các dự án, tạo đà cho kinh tế-xã hội tỉnh phát triển.
NGUYỄN THANH