Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV: Thông qua Nghị quyết về kế hoạch tài chính 2016-2020
(Cadn.com.vn) - Ngày 9-11, với 86,64% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm (trong đó có nội dung mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020). Nghị quyết đề ra mục tiêu phấn đấu tổng thu ngân sách nhà nước cả giai đoạn 2016-2020 khoảng 6.864 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 1,65 lần so với giai đoạn 2011-2015; bảo đảm tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước không thấp hơn 23,5% GDP, trong đó thuế, phí, lệ phí khoảng 21% GDP; tỷ trọng thu nội địa bình quân khoảng 84-85% tổng thu ngân sách nhà nước. Từng bước cơ cấu lại chi ngân sách theo hướng tích cực. Tổng chi ngân sách nhà nước cả giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 8.025 nghìn tỷ đồng, trong đó, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển chiếm bình quân khoảng 25-26% tổng chi ngân sách nhà nước; giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống dưới 64% tổng chi ngân sách nhà nước. Ưu tiên đảm bảo chi trả nợ, chi dự trữ quốc gia.
Cần xem lại tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa Sáng 9-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các đại biểu cho rằng Việt Nam đang hướng tới vai trò Nhà nước kiến tạo, Nhà nước tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển. Nếu thiết kế không tốt vai trò Nhà nước trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ dẫn tới méo mó yếu tố thị trường, có thể dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp nhỏ và vừa khai thác các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, Nhà nước không ứng đúng nguồn lực, làm cho chính sách này khó khả thi. Do vậy, cần xác định đúng vai trò Nhà nước trong hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cải thiện môi trường kinh doanh về mặt pháp lý, hỗ trợ thông qua việc nâng cao công nghệ, giảm hỗ trợ trực tiếp, đáp ứng theo đúng quy luật thị trường. |
Tổng chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 tối đa khoảng 2.000 nghìn tỷ đồng. Trong đó, chi từ nguồn trái phiếu Chính phủ là 260 nghìn tỷ đồng (bao gồm 60 nghìn tỷ đồng còn lại của giai đoạn 2014-2016), từ nguồn vốn ngoài nước là 300 nghìn tỷ đồng, từ nguồn bán bớt phần vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp là 250 nghìn tỷ đồng (bao gồm cả 10 nghìn tỷ đồng dự kiến bù hụt thu ngân sách trung ương năm 2015 nhưng chưa sử dụng). Phân bổ 1.800 nghìn tỷ đồng, dành 10% dự phòng chưa phân bổ để xử lý rủi ro về thu và các yêu cầu cấp bách về đầu tư trong điều hành. Căn cứ tình hình thực tế, số bố trí chi đầu tư phát triển sẽ được Quốc hội xem xét, quyết định trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm.
Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước cả giai đoạn 2016-2020 không quá 3,9% GDP, trong đó bội chi ngân sách trung ương không quá 3,7% GDP và bội chi ngân sách địa phương không quá 0,2% GDP. Phấn đấu giảm mạnh bội chi ngân sách nhà nước để đến năm 2020 không quá 3,5% GDP, nhằm thực hiện cân đối ngân sách nhà nước tích cực, bảo đảm nợ công trong giới hạn cho phép.
Nghị quyết cũng đặt ra yêu cầu bảo đảm an toàn nợ công, với mục tiêu nợ công hằng năm không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP. Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia dưới 25% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không bao gồm cho vay lại) không quá 25% so với tổng thu ngân sách nhà nước hằng năm.
Định hướng về vấn đề bội chi ngân sách nhà nước trong Nghị quyết là giảm mạnh bội chi ngân sách, cơ cấu lại các khoản nợ công, giảm tỷ trọng nợ nước ngoài, tăng tỷ trọng nợ trong nước. Xây dựng thị trường trái phiếu, hạn chế phát hành trái phiếu quốc tế, giữ kỳ hạn trái phiếu chính phủ trên 5 năm là chủ yếu, nâng kỳ hạn trung bình trái phiếu Chính phủ phát hành trong giai đoạn 2016 - 2020 lên khoảng 6 - 8 năm.
Thu Thủy – TTXVN