Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV: Chất vấn đối với 4 nhóm nội dung

Thứ tư, 14/06/2017 06:26

(Cadn.com.vn) - Ngày 13-6, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: so với những kỳ họp trước đây, Quốc hội đã dành thêm nửa ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn để đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại Kỳ họp này, Quốc hội quyết định tiến hành chất vấn đối với 4 nhóm nội dung liên quan đến những vấn đề bức xúc của xã hội được Nhân dân và cử tri cả nước quan tâm như sau: Tái cơ cấu nền nông nghiệp hướng tới xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa bền vững, phát triển nguồn lợi thủy sản; Quản lý hoạt động văn hóa, vấn đề đạo đức xã hội, chất lượng du lịch; Vấn đề khám bệnh, chữa bệnh, giá thuốc chữa bệnh, y tế cơ sở; Huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực đầu tư phát triển KT-XH.

Quốc hội tiến hành phiên chất vấn các thành viên Chính phủ.

Nguyên nhân “khủng hoảng thừa” thịt lợn

Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường là người “đăng đàn” đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội. Nội dung chất vấn tập trung vào giải pháp đột phá và lộ trình thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong thời gian tới; biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, phát triển nông nghiệp bền vững; công tác bảo tồn, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, quản lý các hoạt động khai thác thủy sản.

Vấn đề về khủng hoảng thừa đàn lợn là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) chất vấn về căn cứ đưa ra quy hoạch ngành chăn nuôi với 32 triệu con lợn vào năm 2015, trong khi đến năm 2016 thị trường mới có 27 triệu con lợn nhưng đã xảy ra khủng hoảng, người chăn nuôi gặp khó khăn. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, có hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất, do sức sản xuất của Việt Nam trong những năm qua tăng trưởng quá nhanh. Sản lượng thịt nói chung đã tăng trên 3,6 lần; sữa tăng 15 lần... Đặc biệt, ngành chăn nuôi lợn có sức tăng trưởng nhanh hơn các ngành hàng khác, chỉ sau 10 năm đã đạt 23 triệu tấn, lợn nái từ hơn 2 triệu con đến nay đạt khoảng 4,2 triệu con... Thứ hai, do việc tổ chức ngành hàng của Việt Nam hiện nay chưa tốt. Việc liên kết giữa khâu sản xuất và khâu chế biến còn kém, chỉ đạt khoảng 20%. Các doanh nghiệp có quy trình chế biến sâu từ giống, chăn nuôi, giết mổ, phân phối còn rất ít. Ngoài ra, khâu tiêu thụ hiện nay chủ yếu trên 90% vẫn là tiêu thụ theo phương thức truyền thống, không phù hợp với chuyển đổi cơ cấu tiêu dùng của xã hội. Bộ trưởng đánh giá, khâu tổ chức thị trường có thể nói là khâu yếu nhất trong ngành hàng hiện nay.

Đối với vấn đề “giải cứu” đàn lợn, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, ngành chăn nuôi đã chứng kiến sự tăng trưởng cao trong thời gian qua. Tuy nhiên, công tác phát triển thị trường chưa thực sự hiệu quả. Bộ trưởng cho rằng Việt Nam có dư địa rất lớn để xuất khẩu, trong đó có mặt hàng thịt lợn nhưng về hàng rào kỹ thuật, hàng hóa nông sản chưa đảm bảo những tiêu chuẩn theo yêu cầu của các nước nhập khẩu. Về công tác phối hợp trong thúc đẩy xuất khẩu thịt lợn, Bộ trưởng cho biết, hai Bộ đã triển khai trong năm 2016 và 2017, như triển khai thương mại với Trung Quốc, hai Bộ đã phối hợp làm việc với nhà chức trách Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, Tổ chức Thú y Thế giới để thông qua hàng rào tiêu chuẩn về xuất khẩu thịt lợn.

Phạt nặng hướng dẫn viên  “chui”

Là Tư lệnh ngành thứ hai đăng đàn trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện nhận được nhiều câu hỏi của đại biểu liên quan đến việc quản lý, cấp phép các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; khai thác, sử dụng các công trình văn hóa, thể thao; tổ chức lễ hội; giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử; xây dựng nếp sống văn hóa và bảo tồn, phát triển văn hóa xã hội cũng như công tác quản lý và các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch ngành du lịch.

Phát biểu trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã thẳng thắn nhìn nhận công tác quản lý nhà nước của Bộ còn nhiều tồn tại. Sự việc vừa qua xảy ra tại Tổng cục Du lịch, Cục Nghệ thuật biểu diễn dù vì bất cứ nguyên nhân và lý do gì cũng thực sự đáng tiếc. Đây là bài học sâu sắc về công tác quản lý nhà nước của ngành. “Là Bộ trưởng, tôi xin nhận trách nhiệm của người đứng đầu đối với sự việc vừa qua. Chúng tôi cũng đã và đang tập trung quyết liệt để chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, hạn chế, đổi mới tư duy và phương pháp quản lý, kiện toàn công tác cán bộ, nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức công vụ và phương pháp điều hành của công chức thực thi công vụ để công tác quản lý nhà nước của ngành ngày càng hiệu quả hơn” - Bộ trưởng cho biết.

Quan tâm đến vấn đề hướng dẫn viên du lịch hoạt động chui, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, thời gian qua, tình trạng hướng dẫn viên du lịch chui đã làm xói mòn vẻ đẹp và nét văn hóa du lịch Việt Nam, đồng thời làm giảm nguồn thu ngân sách đất nước. Đại biểu chất vấn về trách nhiệm và giải pháp để khắc phục vấn đề trên.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, tình trạng hướng dẫn viên du lịch chui xảy ra ở Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Ninh, đặc biệt vào mùa vụ du lịch nở rộ, lượng khách du lịch một số nước tăng đột biến, một số thị trường khách sử dụng ngôn ngữ hiếm. Hiện nay, cả nước có 18.960 hướng dẫn viên du lịch, trong đó có hơn 11.000 hướng dẫn viên quốc tế và gần 8.000 hướng dẫn viên nội địa. So với lượng khách quốc tế trên 10 triệu hiện nay và 62 triệu lượt khách nội địa, số này là đủ, nhưng mất cân đối nhiều về ngôn ngữ. Có nhiều thị trường khi khách vào hầu như không có ngôn ngữ nên công tác lữ hành xảy ra tình trạng thiếu hụt hướng dẫn viên cục bộ. Để xử lý tình trạng đó, Bộ trưởng cho biết đã thực hiện giải pháp quản lý cấp thẻ hướng dẫn viên và công khai danh sách hướng dẫn viên được cấp thẻ trên trang web hướng dẫn viên; ban hành các văn bản chấn chỉnh hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn du lịch trên toàn quốc. Bộ sẽ phạt nặng các công ty lữ hành sử dụng hướng dẫn viên không cấp phép.

Nhiều vấn đề khác liên quan đến xây dựng các thiết chế văn hóa cho công nhân trong các khu công nghiệp, chấn chỉnh các chương trình biểu diễn nghệ thuật phản cảm, các giải pháp căn cơ giải quyết thực trạng xuống cấp đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử, bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống... cũng được nhiều đại biểu chất vấn Bộ trưởng VH-TT&DL. Theo Bộ trưởng, bảo tồn nghệ thuật truyền thống hiện khó khăn vì khán giả rất ít đến với loại hình này. Vừa qua, Bộ chủ trương giới thiệu, quảng bá các loại hình nghệ thuật truyền thống, tổ chức biểu diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Khán giả đến đông nhưng kết quả bước đầu chưa nói lên tương lai đối với loại hình nghệ thuật truyền thống.

 T.Thủy – T.Vân – P.Phương