Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV: Không để “cái sảy nảy thành cái ung”

Thứ bảy, 10/06/2017 08:00

(Cadn.com.vn) - Chiều 9-6, trong phiên thảo luận tại Hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2017 , Đại biểu Nguyễn Bá Sơn, Phó Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng đã tham gia phát biểu thảo luận, góp ý về 04 vấn đề.

Các tiêu chí đánh giá kết quả tăng trưởng

ĐB Sơn cho rằng, để đánh giá về tình hình phát triển kinh tế - xã hội có thể có nhiều tiêu chí khác nhau. Có tiêu chí là bắt buộc phục vụ cho quản lý điều hành vĩ mô nhưng cũng cần tiêu chí dành cho nhân dân, cho cử tri. Theo ĐB, mức sống của người dân có lẽ là yếu tố phản ảnh sinh động nhất kết quả phát triển kinh tế - xã hội và hiệu quả quản lý điều hành của Chính phủ. ĐB nhận định, chắc chắn rằng nhân dân, cử tri sẽ phấn khởi hơn và niềm tin sẽ được củng cố tốt hơn khi mà trong Báo cáo thường niên của mình, Chính phủ trả lời trước nhân dân về chất lượng cuộc sống, mức sống bình quân của nhân dân năm 2017 có gì cải thiện khác hơn, tốt hơn so với năm 2016. Theo ĐB, cũng vì thế mà Chính phủ sẽ luôn tự đặt cho mình quyết tâm ngày càng cao hơn, có trách nhiệm hơn với nhân dân trong vai trò kiến tạo và phục vụ nhân dân. Do đó, ĐB đề xuất Chính phủ xem xét, bổ sung tiêu chí này vào Báo cáo phát triển kinh tế - xã hội thường niên của mình.

ĐB Nguyễn Bá Sơn phát biểu tham luận tại Hội trường.

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài

ĐB Sơn bày tỏ phấn khởi về kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2016 và 4 tháng đầu năm 2017. Theo ĐB, một trong các mục tiêu quan trọng của thu hút đầu tư nước ngoài là tạo ra sự lan tỏa, từng bước chuyển giao công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, phục vụ cho phát triển lâu dài. Tuy nhiên, theo như quan sát của ĐB thì việc thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian qua vẫn nằm trong trạng thái biệt lập giữa hai khu vực là doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. ĐB cho rằng, nếu trạng thái này tiếp tục tồn tại, thì mục tiêu chuyển giao công nghệ phục vụ cho phát triển lâu dài của chúng ta sẽ còn gặp nhiều khó khăn.

Cũng theo ĐB Sơn, Báo cáo của Chính phủ mới chỉ dừng lại ở các con số mà có lẽ nên chăng cần hơn nhiều những thông tin phân tích, đánh giá về hiệu quả sử dụng nguồn vốn FDI, hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp FDI. ĐB cho rằng, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách ưu đãi, trải thảm đón doanh nghiệp FDI và cũng cần phải ghi nhận những thành quả đóng góp của khu vực này cho nền kinh tế. Thế nhưng, theo ĐB không phải không có những vấn đề cần quan tâm nhiều hơn. Đó là, hiện tượng chuyển giá, hạch toán lỗ trong khi vẫn xin được mở rộng quy mô đầu tư; hiện tượng chuyển giá, chuyển nhượng dự án gây thất thoát, kém hiệu quả, thậm chí không thể đi vào vận hành; tình trạng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, lợi dụng đầu tư để tuồn máy móc, công nghệ lạc hậu vào trong nước đã gây ra những hậu quả không nhỏ, gây bức xúc trong dư luận, bất an xã hội nảy sinh hàng ngày. Do đó, ĐB đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xem xét những vấn đề này.

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

ĐB Sơn cho rằng, câu chuyện cố tình trì hoãn, kéo dài thời gian, làm chậm tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa có hồi kết nhưng chưa được xử lý triệt để. Theo ĐB, tổng giá trị vốn thuộc sở hữu nhà nước từ 50% trở lên trong các doanh nghiệp là khoảng trên 5,4 triệu tỷ đồng và số “người nhà nước” tham gia quản lý khối tài sản này cũng không hề nhỏ đi kèm theo đó là quyền lợi, chế độ, chính sách đối với họ. ĐB đặt vấn đề, phải chăng đây chính là lý do cản trở chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, một chủ trương lớn mở đường giải phóng nguồn vốn dành cho đầu tư phát triển đã và đang bị trì hoãn.

ĐB Sơn dẫn chứng, cử tri Đà Nẵng luôn đặt câu hỏi rằng có hay không sự thao túng của nhóm lợi ích trong chuyện này? Theo ĐB, thật khó có thể trả lời rằng không, khi ở mà đâu đó hiện tượng thâu tóm cổ phần, biến tài sản công thành tài sản tư, làm giàu một cách không bình thường vẫn đang diễn ra. Việc một số người có chức quyền trong các doanh nghiệp nhà nước và người thân của họ lợi dụng việc nắm giữ thông tin, thao túng quá trình cổ phần hóa. Chuyện những lô đất vàng được định giá với giá trị rất thấp, sau khi cổ phần hóa được bán ra với giá cao ngất ngưởng mà không thể tìm thấy bất cứ lý do nào tác động vào làm cho giá trị tài sản đột biến tăng lên một cách kỳ lạ như vậy. Theo ĐB, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ trong nhiệm kỳ này. Vì vậy, ĐB kiến nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể để nhân dân yên lòng.

Phát triển kinh tế biển

Theo ĐB Sơn, hiện nay chúng ta vui mừng khi sản lượng thủy sản xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng. Nhưng cũng thật sự rất lo lắng khi vẫn còn đó những doanh nghiệp thủy sản lớn ở khu vực miền Trung không đủ nguyên liệu trong nước phải nhập từ nước ngoài để duy trì sản xuất, hoàn thành các hợp đồng đã ký và giữ chân khách hàng truyền thống.

ĐB Sơn nêu câu chuyện những ngày gần đây dư luận lại nóng lên vì trong số 37 con tàu đánh cá vỏ thép, đóng mới theo quy định tại Nghị định 67 của Chính phủ. Theo ĐB, mới chỉ đóng có 37 con tàu thôi mà đã có đến 18 con tàu trong số đó hư hỏng nặng sau một vài chuyến biển, đã có một chiếc phải nằm lại trong lòng biển khơi, số còn lại buộc phải nằm bờ.

ĐB Sơn phân bày, ngư dân đóng tàu để vươn khơi sản xuất và thực hiện nhiệm vụ tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia. Ấy vậy mà có vị đại diện nhà đóng tàu giải thích rằng tàu hỏng là do nước biển mặn... Theo ĐB thì không thể bình luận gì về câu trả lời này. ĐB cho rằng, chúng ta biết chắc chắn rằng trong khi những sai phạm tưởng chừng đã rõ đến mười mươi; khi các bên liên quan trong vụ này còn đang tranh cãi, thậm chí tìm cách chối bỏ trách nhiệm của mình, thì từng ngày tình cảnh của những người ngư dân càng trở nên khó khăn, nợ ngân hàng đến hạn phải trả nhưng không thể trả, lãi chồng lên nợ. Trong khi con đường đòi lại công bằng của ngư dân Bình Định chắc còn không ít gian nan, thì nợ xấu lại đang có nguy cơ tiếp tục gia tăng. ĐB cho rằng, một chủ trương lớn, đúng đắn, tạo niềm tin trong nhân dân của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế biển, kết hợp bảo vệ chủ quyền biển đảo đang có nguy cơ không đạt được mục tiêu đặt ra; cuộc sống của ngư càng trở nên bất ổn. Vì vậy, theo ĐB thì bà con ngư dân các tỉnh duyên hải và cử tri đang trông chờ sự ra tay quyết liệt của Chính phủ để giải quyết dứt điểm câu chuyện này, không để “cái sảy nảy thành cái ung”.

Trần Vinh – Vũ Hưng

Nâng cao hiệu quả đầu tư công và xử lý nợ xấu

Phân tích những yếu tố tác động đến chỉ tiêu tăng trưởng, ĐB Nguyễn Đức Kiên cho biết, trước đây, Chính phủ vẫn tính đến năm 2017, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực sẽ thúc đẩy nền kinh tế phát triển, nhưng khi Mỹ rút khỏi TPP là một yếu tố bất ngờ không nằm trong bài toán tăng trưởng mà Việt Nam đã đưa ra. Đại biểu cho rằng, để đạt được tốc độ như mong muốn, bên cạnh nhiều giải pháp, một phần không nhỏ phụ thuộc vào sự khách quan của nền kinh tế thế giới. Nếu tình hình Syria ổn định, giá dầu vẫn ở mức cao, chỉ cần nâng cao năng suất ngành dầu khí và tiết kiệm thêm là Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được tốc độ tăng trưởng.

ĐB Nguyễn Đức Kiên.

ĐB Nguyễn Đức Kiên cho rằng, năm 2016, ảnh hưởng lớn nhất đối với nền kinh tế vĩ mô là chỉ tiêu tăng trưởng GDP không đạt, dẫn đến chỉ số về nợ công, bội chi ngân sách tăng lên. Nhiều vấn đề về kinh tế - xã hội trong năm 2016 cũng chưa được giải quyết rốt ráo, kéo theo hệ lụy sang năm 2017. ĐB cho biết, nếu liên kết các giải pháp ngắn hạn và dài hạn trong năm 2017 có thể thấy, nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào đầu tư công. Những giải pháp gần nhất là cần nhanh chóng triển khai các dự án: Cảng Hàng không quốc tế Long Thành; giải quyết chống ngập khu vực TPHCM; đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam...

ĐB Nguyễn Đức Kiên phân tích, nỗ lực nâng cao hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp, khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam thông qua các sản phẩm nội địa chưa đúng như mong muốn của nền kinh tế và dư luận xã hội. Bên cạnh giải pháp về đầu tư công, giải pháp căn cơ là: sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng, ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ góp phần giúp hệ thống tổ chức tín dụng thật sự lành mạnh, hạ lãi vay của nền kinh tế, làm cho giá vốn của Việt Nam có khả năng cạnh tranh, tương đương với các nước trong khu vực.

Thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển

Theo ĐB Bùi Sỹ Lợi, nền kinh tế của Việt Nam bị suy thoái từ năm 2008 – 2014, bắt đầu khôi phục từ năm 2015 và đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,28%, sau đó giảm sút, quý I-2017 chỉ đạt được 5,1%. Chính vì vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra trong những tháng cuối năm, Chính phủ phải đặt quyết tâm cao. Đại biểu cho biết, nguồn vốn thường được giao muộn vào quý III và IV hàng năm và đến nay, vốn trung hạn đã giao xong, các công trình đã đi vào vận hành cũng được coi là tín hiệu khởi sắc cho việc đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế. Các giải pháp tiếp theo là Nhà nước tiếp tục khai thác thêm nguồn dầu để đảm bảo ổn định kinh tế; chuyển lợi nhuận của các doanh nghiệp Nhà nước để đầu tư cho tăng trưởng với mục tiêu giải phóng nguồn vốn. Đặc biệt, Chính phủ cần quyết liệt trong việc xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ, giải quyết vấn đề nợ xấu...

ĐB Bùi Sỹ Lợi.

Theo ĐB Bùi Sỹ Lợi, một trong những chính sách gần đây được nhân dân tin tưởng là Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa dù chưa được ban hành nhưng có tác động rất lớn đến sự phát triển của kinh tế tư nhân, khu vực được coi là tế bào rất quan trọng quyết định phát triển kinh tế - xã hội. Hiện tại, Chính phủ đang rất tạo điều kiện để phát triển kinh tế tư nhân nhằm khơi thông sự tăng trưởng cho nền kinh tế của đất nước. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được ban hành không chỉ giúp kinh tế tư nhân phát triển mà còn khuyến khích các hộ gia đình chuyển sang doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hút việc làm. Khả năng để đạt mức tăng trưởng 6,7% hoàn toàn có thể thực hiện được nhưng Chính phủ phải quyết liệt hơn và các địa phương phải vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, phát huy mọi khả năng có được để vận hành.

Thu Thủy – TTXVN