Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV: Người bị oan sai vẫn được bồi thường dù thiếu hóa đơn, chứng từ

Thứ tư, 21/06/2017 06:17

(Cadn.com.vn) - Sáng 20-6, với 92,46% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi). Luật gồm 9 Chương, 78 Điều. Luật quy định nguyên tắc bồi thường của nhà nước được thực hiện kịp thời, công khai, bình đẳng, thiện chí, trung thực, đúng pháp luật; được tiến hành trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan giải quyết bồi thường và người yêu cầu bồi thường hoặc theo thủ tục tố tụng. Nhà nước giải quyết bồi thường sau khi có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc kết hợp giải quyết bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật này.

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).

Để tạo thuận lợi cho người yêu cầu bồi thường, đồng thời giải quyết những vướng mắc phát sinh từ thực tiễn công tác giải quyết bồi thường đối với các trường hợp khó chứng minh được thiệt hại do thời gian diễn ra quá lâu, dự án Luật đã bổ sung quy định cụ thể về các thiệt hại, chi phí được bồi thường và việc xác định thiệt hại, chi phí, trong đó quy định rõ để xác định mức bồi thường ngay trong dự án Luật này trường hợp người yêu cầu bồi thường không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp đối với một số chi phí được bồi thường. Cụ thể như chi phí thuê phòng nghỉ, chi phí đi lại, in ấn tài liệu, gửi đơn thư trong quá trình khiếu nại, tố cáo; chi phí thuê người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong quá trình tố tụng.

Băn khoăn về việc thành lập lực lượng kiểm ngư cấp tỉnh 

Sáng 20-6, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thủy sản (sửa đổi). Một trong những nội dung được các đại biểu tập trung cho ý kiến là chế định về lực lượng kiểm ngư. Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) cho rằng, chiến lược biển Việt Nam xác định mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển. Vì vậy, việc nuôi trồng, khai thác thủy sản phải gắn với an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy chỉ rõ, thời gian qua, lực lượng kiểm ngư trên biển còn thưa thớt, lực lượng thanh tra chuyên ngành hoạt động chưa hiệu quả vì thiếu kinh phí, giới hạn về quyền hạn, phương tiện cũ kỹ, lạc hậu. Vì vậy, cần có lực lượng kiểm ngư thường xuyên tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và phối hợp với các lực lượng khác hỗ trợ ngư dân. Trên cơ sở đó, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy cho rằng, cần thành lập kiểm ngư cấp tỉnh, ở một số tỉnh có biển và một số tỉnh biên giới có sông lớn chảy qua, có nguồn lợi thủy sản phong phú để bảo vệ nguồn lợi thủy sản kết hợp với bảo vệ an ninh quốc gia.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) đề nghị tiếp tục duy trì lực lượng kiểm ngư trung ương (có các chi cục tại các vùng gọi là kiểm ngư vùng) như hiện nay, không thành lập thêm hệ thống kiểm ngư cấp tỉnh; nhưng có chính sách tăng cường nguồn lực, chế độ cho thanh tra chuyên ngành thủy sản, luật hóa các quy định về tổ chức và hoạt động của kiểm ngư trong dự thảo Luật. Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng, nếu thành lập lực lượng kiểm ngư ở cấp tỉnh có thể làm tăng biên chế.

Trường hợp người yêu cầu bồi thường không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp đối với các chi phí quy định thì chi phí được bồi thường không quá 6 tháng lương cơ sở tại thời điểm quy định tại khoản 2 Điều 22 của Luật này cho 1 năm tính từ thời điểm bắt đầu khiếu nại hoặc tố cáo hoặc tham gia tố tụng cho đến ngày có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường.

Chi phí gửi đơn thư đến cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền giải quyết được tính theo biên lai cước phí bưu chính. Trường hợp người yêu cầu bồi thường không xuất trình được biên lai cước phí thì chi phí được bồi thường không quá 1 tháng lương cơ sở tại thời điểm quy định tại khoản 2 Điều 22 của Luật này cho 1 năm tính từ thời điểm bắt đầu khiếu nại hoặc tố cáo hoặc tham gia tố tụng cho đến ngày có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường.

Về tạm ứng kinh phí bồi thường, dự án Luật quy định ngay sau khi thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường, người giải quyết bồi thường có trách nhiệm xác định giá trị các thiệt hại quy định và đề xuất Thủ trưởng cơ quan giải quyết bồi thường việc tạm ứng kinh phí bồi thường và mức tạm ứng cho người yêu cầu bồi thường. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề xuất, nếu còn dự toán quản lý hành chính được cấp có thẩm quyền giao, cơ quan giải quyết bồi thường phải hoàn thành việc tạm ứng kinh phí và chi trả cho người yêu cầu bồi thường. Trên cơ sở kinh phí đã tạm ứng để chi trả cho người yêu cầu bồi thường, cơ quan giải quyết bồi thường đề nghị cơ quan tài chính có thẩm quyền cấp bổ sung kinh phí đã tạm ứng cho người yêu cầu bồi thường.

* Cùng ngày, với 93,28% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi). Luật gồm 8 Chương, 51 Điều quy định về người được trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý; hoạt động trợ giúp pháp lý; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động trợ giúp pháp lý. Luật quy định trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật. Nguyên tắc hoạt động trợ giúp pháp lý là tuân thủ pháp luật và quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý; kịp thời, độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan; bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý; không thu tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác từ người được trợ giúp pháp lý.

P.P