Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV: “Nóng” quản lý đầu tư công và y tế cơ sở

Thứ năm, 15/06/2017 08:05

(Cadn.com.vn) - Ngày 14-6, sau phần trả lời chất vấn, giải trình, tranh luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện liên quan đến các nội dung đề cập từ phiên chất vấn trước, đến lượt Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã “đăng đàn” trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội.

BỘ TRƯỞNG NGUYỄN CHÍ DŨNG:

Còn nể nang trong việc thực hiện Luật Đầu tư công

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn.

Chiều 14-6, đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa-Vũng Tàu) đã đặt câu hỏi với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng về vấn đề hiệu quả vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Theo đại biểu Phạm Đình Cúc, tình trạng phân bổ vốn vẫn còn dàn trải, nhiều dự án bố trí vốn thấp, kéo dài thời gian thực hiện, dẫn đến hiệu quả đầu tư không cao.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, trước đây, do hệ thống pháp luật chưa chặt chẽ nên quản lý hiệu quả đầu tư công chưa đảm bảo dẫn đến đầu tư dàn trải, nợ đọng xây dựng cơ bản lớn, các dự án được phê duyệt vượt quá khả năng thu xếp vốn (thường gấp 3 lần so với khả năng thu xếp vốn). Để khắc phục tình trạng này, Luật Đầu tư công đã được ban hành để giảm đầu tư dàn trải với các quy trình chặt chẽ từ chọn lựa đến phê duyệt, thẩm định dự án. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật vẫn có dự án bố trí không tập trung. Nguyên nhân là do nhu cầu về đầu tư phát triển của từng ngành, từng địa phương trong 5 năm lớn trong khi khả năng thu xếp vốn thấp hơn.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc giao vốn hàng năm và 5 năm đã được quy định rõ trong Luật Đầu tư công. Theo đó, các quy trình được thiết kế chặt chẽ hơn, các cơ quan tham gia được lồng ghép nhiều hơn. Do đây là năm đầu tiên thực hiện Luật Đầu tư công với mục tiêu kiểm soát chặt chẽ các dự án nên các bộ, ngành, địa phương còn lúng túng thời gian đầu. Việc hướng dẫn các bộ, ngành trong đó có trách nhiệm của Bộ Kế hoạch Đầu tư là chưa kịp thời, chậm, dẫn đến có cách hiểu khác nhau.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nhu cầu lớn trong khi khả năng thu xếp, cân đối vốn hạn chế, nên phải co kéo, điều chỉnh các phương án, do vậy giao vốn chậm hơn so với thực tế. Từ đó, giải ngân chậm và ảnh hưởng đến hiệu quả dự án. Về trách nhiệm của Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ trưởng thừa nhận Bộ chưa cương quyết, còn nể nang trong việc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Đầu tư công cũng như các Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) chất vấn: Từ khi có Luật Đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã thu hút được 23.000 dự án đầu tư với vốn giải ngân thực hiện trên 160 tỷ USD. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã có đóng góp nhất định cho phát triển kinh tế tuy nhiên, lĩnh vực này còn nhiều tồn tại. Đó là tình trạng ô nhiễm môi trường, trốn thuế, chuyển giá, chuyển giao công nghệ còn khiêm tốn, chủ yếu là gia công, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển. Vậy Chính phủ sẽ có giải pháp đồng bộ gì để khắc phục tồn tại trên nhưng vẫn thu hút được nhà đầu tư nước ngoài?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, vai trò, vị trí và những đóng góp của các dự án đầu tư nước ngoài trong nền kinh tế rất lớn. Tuy nhiên, còn nhiều mục tiêu đặt ra chưa đạt được như một số dự án không phải công nghệ cao; còn có sự chuyển giá; một số dự án trong lĩnh vực công nghiệp còn nặng về gia công, sử dụng nhiều lao động, năng lượng gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư không phải vì những hạn chế này mà không tiếp tục khuyến khích, thu hút đầu tư nước ngoài. Trong tổng đầu tư của toàn xã hội giai đoạn tới, đầu tư của nhà nước vẫn khó khăn, hạn hẹp nên phải tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân. Vì thế, chính sách định hướng là tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài nhưng hướng đến những dự án áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường, ít sử dụng tài nguyên, năng lượng, lao động và không tập trung vào lĩnh vực gia công...

BỘ TRƯỞNG NGUYỄN THỊ KIM TIẾN:

Không nhất thiết phải có tiêu chí trạm y tế đạt chuẩn ở tất cả các xã

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn.

Sáng 14-6, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã “đăng đàn” trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội. Nội dung chất vấn và trả lời chất vấn về các nội dung liên quan: thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả khám bệnh, chữa bệnh; giá thuốc và quản lý nhà nước về giá thuốc, cung ứng thuốc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; đầu tư cho y tế cơ sở để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên; thực trạng đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, đặc biệt tại các địa bàn miền núi, các vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.

Là người đầu tiên chất vấn Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) nêu rõ: Cử tri kiến nghị danh mục bệnh nan y được đến thẳng tuyến Trung ương chứ không phải đi lòng vòng qua nhiều cửa hiện nay vì thủ tục rườm rà, mất thời gian mà bệnh này chỉ có tuyến Trung ương chữa được. Bộ trưởng có suy nghĩ gì đối với kiến nghị này?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định người dân muốn tiếp cận dịch vụ cao, muốn đến thẳng tuyến Trung ương là nguyện vọng rất chính đáng. Luật Bảo hiểm y tế đã có quy định thông tuyến từ xã đến huyện, người dân không nhất thiết phải khám ở nơi đăng ký ban đầu tuyến xã, mà có thể đến khám ở tất cả các huyện. Bộ sẽ phấn đấu đến 2021 thông tuyến toàn quốc. Tuyến xã, huyện là nơi chăm sóc sức khỏe ban đầu, đối với các bệnh thông thường, cấp cứu. Tuy nhiên, với các bệnh nặng, mãn tính, như: ung thư, tim mạch, các bệnh phổi..., Bộ Y tế đã có chương trình mục tiêu, hệ thống theo dõi giám sát, điều trị theo phác đồ.

Theo Bộ trưởng, thực tế có nhiều bệnh nhân được khám dưới xã, huyện, lĩnh thuốc bảo hiểm hàng tháng trên huyện rất thuận lợi nhưng có nguyện vọng nhận thuốc, chữa bệnh ngay tại xã, không cần phải đi xa, bởi, thực chất các bệnh mãn tính điều trị theo phác đồ, chỉ đến nơi lĩnh thuốc. Bộ Y tế đang xem xây dựng chương trình này, thực hiện thí điểm ở Hà Nội và một số tỉnh. Điều này có nghĩa là bệnh nhân có thể đến nhận thuốc tại các cơ sở y tế xã, không cần lên tuyến trên. Giai đoạn đầu khi chẩn đoán, phát hiện, cần kỹ thuật tiên tiến, theo hệ thống chuyển tuyến, bệnh nhân sẽ được tiếp cận ở tuyến cao nhất.

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) về vai trò của trạm y tế xã, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Bộ đã ban hành Thông tư 51 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thông tư 37 quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc; Thông tư 33 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ của Trạm y tế xã, phường, thị trấn và trình Chính phủ ban hành Nghị định 117 quy định về y tế xã, phường, thị trấn. Nếu thực hiện theo đúng chủ trương, sẽ giảm khoảng 700 đầu mối ở tuyến huyện và tuyến huyện sẽ là đơn vị chỉ đạo chuyên môn. Bệnh viện huyện và Trung tâm Y tế dự phòng sẽ nằm trong một trung tâm, chỉ đạo trực tiếp trạm y tế xã. Điều này có lợi cho việc giảm đầu mối, giảm biên chế ở những phòng hành chính - kế toán để đầu tư vào chuyên môn. Cơ sở vật chất có thể tận dụng, bớt chi phí về văn phòng. Về điều hành, trung tâm y tế có hai chức năng sẽ chỉ đạo trực tiếp trạm y tế xã cả về chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng và cả điều trị trực tiếp, đặc biệt là tăng nguồn nhân lực, vì ở tuyến xã rất khó khăn và chưa đầy đủ.

Bộ trưởng thừa nhận trạm y tế hiện thiếu về số lượng, yếu và chất lượng; việc phân bổ không phù hợp, có trường hợp một huyện có nhiều trạm y tế gần nhau, một ngày có 3-5 người khám nhưng ngược lại ở vùng sâu, vùng xa, người dân phải đi nửa ngày mới đến trạm y tế và không có đầy đủ trang thiết bị cơ bản để chăm sóc sức khỏe ban đầu. Bộ Y tế sẽ điều chỉnh toàn diện y tế cơ sở. Chính phủ đã phê duyệt Nghị quyết 2348 về đề án xây dựng và phát triển mạng lưới cơ sở y tế trong tình hình mới. Đây là đề án Bộ Y tế rất tâm huyết, chuẩn bị công phu để thực hiện việc đầu tư và phát triển hệ thống này.

Đối với câu hỏi về vấn đề đổi mới, phát huy vai trò của y tế cơ sở của đại biểu Cao Thị Giang (Quảng Bình), Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng y tế cơ sở là lĩnh vực mà ngành Y tế tập trung trong nhiệm kỳ này. Y tế cơ sở cũng có nhiều thành tựu được quốc tế công nhận như mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp đến tận thôn, bản, đạt được những điểm sáng về mục tiêu thiên niên kỷ về giảm tử vong ở mẹ và trẻ sơ sinh, các chỉ tiêu về tuổi thọ, dinh dưỡng... Mạng lưới y tế cơ sở đã làm tốt công tác dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu dù nguồn lực còn hạn chế.

Chỉ ra một trong những hạn chế cơ bản hiện nay là việc bố trí nguồn lực đầu tư cho các trạm y tế ở cơ sở rất bất cập theo tiêu chí nông thôn mới, Bộ trưởng cho rằng không nhất thiết phải có tiêu chí trạm y tế đạt chuẩn ở tất cả các xã mà cần phân bổ đầu tư theo vùng. Nhằm khắc phục điều này, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 4667 để chia các tiêu chí khác nhau trong đầu tư các trạm y tế ở cơ sở. Bộ trưởng mong muốn trong thời gian tới, chính quyền các địa phương khi xây dựng các tiêu chí nông thôn mới thì cần bám theo các quy định này, không đầu tư dàn trải.

Bộ trưởng chia sẻ: Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tập trung vào các giải pháp về bộ máy, nhân lực, tài chính, cơ sở hạ tầng và hoạt động của y tế cơ sở. Về hoạt động, y tế cơ sở là rất quan trọng và phải tập trung vào y tế dự phòng, khám chữa ban đầu. Bộ phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới trong việc xây dựng đội phản ứng nhanh và vẽ bản đồ hơn 10 ngàn trạm y tế xã trong toàn quốc, giao cho Giám đốc Trung tâm Y tế huyện vẽ bản đồ và chọn những trạm đầu tư để đầu tư. Về y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu, không nhất thiết đầu tư tất cả các trạm y tế mà chọn để đầu tư hoàn thiện, hiện đại theo mô hình y học gia đình. Việc đầu tư này gắn với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới để tránh đầu tư dàn trải, không cần thiết.

Tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, đại biểu Lê Quân (Hà Nội) nêu thực tế, y tế cơ sở phường, xã, nhất là khu vực đô thị, được đầu tư trang thiết bị khá tốt nhưng sử dụng kém hiệu quả, mới sử dụng vào y tế dự phòng. Trong khi đó, nhiều bác sĩ phải đi thuê mướn cơ sở khám chữa bệnh với chi phí cao. Đại biểu nhấn mạnh: việc phát triển y tế cơ sở phải nhìn thẳng vào thực tiễn là bác sĩ thực hiện nhiều dịch vụ tư. Các nước phát triển cũng thực hiện theo cách thức này. Cần học hỏi kinh nghiệm của các nước phát triển trong việc cho phép bác sĩ giỏi được tận dụng trạm y tế tuyến cơ sở để mở cơ sở khám, chữa bệnh, như vậy, sẽ thu hút bệnh nhân, giảm áp lực cho bảo hiểm y tế.

T.T - P.H – Đ.B