Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV: Thông qua ba dự án Luật

Thứ ba, 20/06/2017 07:53

(Cadn.com.vn) - Chiều 19-6, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua các dự án: Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi); Luật Thủy lợi;  Luật Du lịch (sửa đổi).

Quốc hội bỏ phiếu thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015.

Với tỷ lệ 93,28% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi). Luật gồm 6 Chương, 63 Điều. Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) quy định về hoạt động chuyển giao công nghệ tại Việt Nam, từ nước ngoài vào Việt Nam, từ Việt Nam ra nước ngoài; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động chuyển giao công nghệ; thẩm định công nghệ dự án đầu tư; hợp đồng chuyển giao công nghệ; các biện pháp khuyến khích thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường khoa học và công nghệ; quản lý Nhà nước về hoạt động chuyển giao công nghệ. Đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động chuyển giao công nghệ, ứng dụng và đổi mới công nghệ của Việt Nam.

Quốc hội đã thông qua dự án Luật Thủy lợi với tỷ lệ 93,08% đại biểu tán thành. Luật gồm 10 Chương 60 Điều quy định về điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch thủy lợi; đầu tư xây dựng công trình thủy lợi; quản lý, khai thác và vận hành công trình thủy lợi, hồ chứa thủy điện phục vụ thủy lợi; dịch vụ thủy lợi; bảo vệ công trình thủy lợi; thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng; quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thủy lợi. Đối tượng áp dụng là cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thủy lợi trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Dự án Luật Du lịch (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua với tỷ lệ 89,21% đại biểu tán thành. Luật quy định về tài nguyên du lịch, sản phẩm du lịch và hoạt động du lịch; quyền, nghĩa vụ của khách du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch; cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động khác có liên quan đến du lịch và quản lý Nhà nước về du lịch. Đối tượng áp dụng của Luật là cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động du lịch trên lãnh thổ Việt Nam và ở nước ngoài; tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động du lịch trên lãnh thổ Việt Nam; tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có liên quan đến du lịch.

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi), Luật không quy định nội dung về đô thị du lịch; Luật quy định đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch theo nguyên tắc tự nguyện. Việc xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch theo nguyên tắc tự nguyện sẽ tạo điều kiện thuận lợi, tôn trọng, bảo vệ lợi ích, quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp; bảo đảm hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch được vận hành theo quy luật thị trường, giảm tác động của biện pháp hành chính.

Để đảm bảo việc triển khai quy hoạch du lịch trên thực tế khi dự thảo Luật Quy hoạch chưa được thông qua, đồng thời đảm bảo tính ổn định của Luật Du lịch trong thời gian tới, Luật quy định về nguyên tắc lập quy hoạch về du lịch (Điều 20), nội dung quy hoạch về du lịch (Điều 21), các vấn đề lập, quản lý và thực hiện quy hoạch về du lịch giao Chính phủ quy định chi tiết (Điều 22). Luật gồm 9 Chương, 78 Điều.

Chiều 19-6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về việc sửa đổi điểm khởi đầu của đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào và Nghị quyết phê chuẩn Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

Cũng trong chiều 19-6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường, biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015 và Nghị quyết về việc tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành thành Dự án thành phần.

* Trước đó, sáng 19-6, các đại biểu Quốc hội làm việc ở hội trường, thảo luận và biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm 2 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và thảo luận về dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi). Với 83,1% đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm hai Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đối với ông Lê Hồng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Tiền Giang và ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội.

Thảo luận về dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi), các đại biểu đánh giá, việc sửa đổi Luật là rất cần thiết nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, thống nhất các hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế và phát triển ngành lâm nghiệp bền vững; thể chế hóa được các quy định của Hiến pháp năm 2013 về sở hữu tài nguyên thiên nhiên, đường lối chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội liên quan bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, một số nội dung còn chưa thống nhất với quy định của pháp luật liên quan về Luật Đất đai, Luật Đa dạng sinh học, Luật Đầu tư. Vì thế, Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, chỉnh sửa về phạm vi điều chỉnh, phân công trách nhiệm giữa các bộ, ngành trong việc quản lý để tránh chồng chéo, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tương thích với điều ước quốc tế liên quan đến bảo vệ và phát triển rừng mà Việt Nam là thành viên.

Thu Thủy – TTXVN

Nghị quyết về việc tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành thành Dự án thành phần

Nghị quyết về việc tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Long Thành thành Dự án thành phần đã được Quốc hội thông qua với 403 đại biểu tán thành, chiếm tỷ lệ 82,08%.

Theo đó, Nghị quyết quy định tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án CHKQT Long Thành thành Dự án thành phần (sau đây gọi là Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư CHKQT Long Thành).

Diện tích đất thu hồi bao gồm: Diện tích đất của Dự án CHKQT Long Thành (5.000ha) và diện tích đất xây dựng các khu tái định cư tập trung, diện tích nghĩa trang, diện tích các công trình phục vụ tái định cư. Việc thu hồi đất phải bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống và sản xuất của người dân vùng chịu ảnh hưởng của Dự án; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội. Khu tái định cư tập trung phải được xây dựng đồng bộ về kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của địa phương.

Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Đồng Nai và các bộ, ngành liên quan triển khai lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư CHKQT Long Thành báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Đồng Nai trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày Quốc hội thông qua.

P.V