Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV: Bộ máy hành chính vẫn cồng kềnh

Thứ ba, 31/10/2017 08:01

Ngày 30-10, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2016.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy phát biểu tại Hội trường.

Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) cho rằng, cải cách tổ chức bộ máy hành chính thời gian qua đã đạt được một số kết quả bước đầu. Tuy nhiên, con số đạt được khá khiêm tốn, tổng số đối tượng đã tinh giản biên chế trong hai năm 2015 và 2016 là 2.253 người trên tổng số 272.952 biên chế, mới đạt 0,83%. Theo đại biểu, con số tinh giản biên chế còn thấp là do quá trình trong một thời gian dài bộ máy của ta còn cồng kềnh.

“Đã đến lúc không thể ầu ơ”

Theo đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam), Chính phủ có Nghị định 108 về tinh giản biên chế, nhưng theo số liệu báo cáo của Chính phủ thì giai đoạn 2007 - 2011 chỉ tinh giản 2,8%, trong đó hơn 90% đối tượng nghỉ hưu trước tuổi. Năm 2011 - 2016, biên chế tăng, cuối năm 2016 tăng gần 4,8% so với năm 2011. Bình quân mỗi năm tăng gần 1%. Cùng với đó là sự tăng nhanh của lực lượng không chuyên trách cấp xã. Trong 5 năm, số cán bộ này tăng 210.266 nghìn người, tăng bình quân 2 - 3 người/xã. Chế độ đãi ngộ cho đội ngũ này thấp. Điều đó cho thấy, giải pháp giảm biên chế chưa hiệu quả.

Cho rằng “đã đến lúc không thể ầu ơ, khoan nhượng tinh giản bộ máy hành chính nhà nước đã được Đảng chủ trương từ nhiều năm nay”, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) phân tích, nếu chỉ đơn thuần so sánh số tổ chức hành chính khóa XII và khóa XIII của Chính phủ cho thấy, khóa XIII có 9 bộ, cơ quan ngang bộ tăng tổ chức bộ máy bên trong. Đặc biệt có bộ tăng 9 tổ chức hành chính; có 7 bộ, cơ quan ngang bộ chuyển từ cơ quan đại diện đặt ở miền Nam, miền Trung thành Văn phòng bộ đặt tại miền Nam, miền Trung; có bộ chuyển cơ quan đại diện thành cục. Hai khóa không tăng số tỉnh, số bộ và cơ quan ngang bộ nhưng sự chia tách ở cấp huyện, cấp cơ sở, cấp đơn vị hành chính ở cục, bộ đã làm cho gánh nặng hành chính tăng đáng kể.

Trước đây, nhiều đại biểu Quốc hội so sánh ngân sách nhà nước như cái bánh, chia kiểu nào cũng không đủ, rất muốn tăng tỉ trọng chi cho đầu tư phát triển thì chi hành chính sự nghiệp lại thiếu nên cứ co kéo mãi. Từ khi Đảng chủ trương đổi mới, cái gì Nhà nước ôm không nổi nên để xã hội chung lo. Tuy nhiên, 40 năm thống nhất đất nước, 30 năm đổi mới toàn diện, bánh ngân sách dù cho có trở thành nồi cơm Thạch Sanh cũng khó có thể bao bọc nổi nền hành chính cồng kềnh như hiện nay, đại biểu Nguyễn Minh Sơn bày tỏ.

Đánh giá bộ máy vẫn còn cồng kềnh, phức tạp, một số nơi còn trì trệ, gây phiền hà cho dân, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này là do các quy định hướng dẫn từ cấp trên chưa bảo đảm phù hợp với thực tiễn, sự cứng nhắc trong các quy định đã triệt tiêu sự sáng tạo của cấp dưới trong việc tổ chức, bộ máy phù hợp với đặc điểm, tình hình, điều kiện ở mỗi địa phương.

Phải phân công trách nhiệm rõ ràng

Tham gia phát biểu ý kiến, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, đã có những nỗ lực to lớn trong tinh giảm biên chế  và đạt được kết quả đáng ghi nhận, nhưng chưa căn bản và vững chắc. Chủ trương phân cấp chưa được tích cực thực hiện. Cấp trên ôm đồm, bao biện, cấp dưới đùn đẩy công việc lên cấp trên. Từ đó, dẫn đến cấp trên quá tải, công việc ách tắc. Việc tất cả các địa phương, các ngành đổ dồn về trung ương để xin, trình duyệt, để được phê chuẩn tất yếu dẫn đến tình trạng “thắt cổ chai”. Trong trường hợp này, chính sách một cửa không những không phát huy được tác dụng mà còn làm cho việc xếp hàng dài thêm, ách tắc nhiều thêm.

Đại biểu Thúy cho rằng, thói quen thỉnh thị, xin ý kiến cấp trên đang làm cho chính quyền trung ương quá tải, mà công việc của dân, của nước chậm được giải quyết. Nhiều vấn đề phát sinh ở cơ sở cũng chậm được xử lý vì thường thuộc thẩm quyền của cấp trên. Trong khi đó, cấp dưới thì bị động, ỷ lại. Việc không thực hiện phân cấp làm cho nhiều cấp hành chính bị động, lúng túng trước các vấn đề phát sinh hàng ngày, không phát huy được tính chủ động và sáng tạo. Cơ chế xin phép cũng làm nảy sinh tâm lý ỉ lại, làm gì cũng đùn đẩy lên cấp trên để né tránh trách nhiệm. Từ đó, cơ chế xin - cho dễ bị lợi dụng. Trong một số trường hợp, cơ chế xin - cho là môi trường không lành mạnh, làm phát sinh tệ nạn hối lộ, tham nhũng. Việc cấp trên giữ quyền phê duyệt nhiều việc thuộc cơ sở còn dẫn đến tình trạng trách nhiệm không rõ ràng. Mỗi khi đổ vỡ, hỏng việc, cấp dưới có lá bùa hộ mệnh là phê duyệt của cấp trên, còn cấp trên có căn cứ đề nghị của cấp dưới thì rất khó quy kết trách nhiệm.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy kiến nghị, trên cơ sở rà soát chức năng, nhiệm vụ của từng cấp hành chính mà phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng bộ phận trong bộ máy hành chính. Chấm dứt tình trạng cấp trên ôm việc hoặc can thiệp trái quy định vào công việc của cấp dưới và cấp dưới đùn đẩy công việc lên cấp trên. Về lâu dài, công chức chính trị cần được nhân dân trực tiếp bầu, hoặc ít nhất cũng phải được giới thiệu từ người dân ở cơ sở. Còn công chức hành chính phải được lựa chọn qua thi tuyển công khai. Việc nhân dân bầu hoặc giới thiệu công chức chính trị đối với tổ chức Đảng có thể tốn thời gian, tiền bạc hơn nhưng là cơ sở để đảm bảo thái độ phục vụ tận tụy và sự phản ứng nhanh nhạy trước các yêu cầu của nhân dân. Đồng thời, xây dựng quy chế về đạo đức công vụ của công chức làm cơ sở để giám sát, đánh giá công chức. Xây dựng tiêu chí và phương pháp đánh giá công chức trên cơ sở sự hài lòng của người dân một cách thực chất hơn.

THU THỦY – HỮU HOA